Người cựu chiến binh vươn lên từ gian khó
Tác giả: Thanh Tâm .Ngày đăng: 04/05/2019 .Lượt xem: 2432 lượt.
Về thôn Cẩm Phú 1, xã Điện Phong vào một buổi chiều đầy nắng, hình ảnh một cựu chiến binh với vóc người cao gầy, nước da sạm nắng, có lẽ những tháng ngày quân ngũ và bao gian khó của cuộc đời đã làm nên một con người rắn rỏi như thế. Cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy năm nay mới 47 tuổi, nhưng trông ông có vẻ già hơn tuổi. Câu chuyện ông tâm sự với chúng tôi cho thấy được một tinh thần, nghị lực, một ý chí kiên cường mà người cựu chiến binh này đã trải qua trong cuộc đời.

Năm 1992, ông đi bộ đội, là một chiến sĩ của Sư đoàn 2, sau đó ông được đơn vị cử đi học sĩ quan dự bị. Rời quân ngũ, ông trở về địa phương lập gia đình rồi chí thú làm ăn. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi qua, nhưng không may năm ông 30 tuổi thì vợ ông bị bạo bệnh, ông phải nuôi vợ ở bệnh viện gần 4 năm ròng rã, kinh tế gia đình trở nên khó khăn chồng chất. Từ đó, vợ ông bị liệt đôi chân, đi lại khó khăn, không thể làm việc nặng. Thương vợ, thương con, lúc đó tinh thần của một người lính Cụ Hồ như càng thôi thúc ông phải cố gắng vượt lên hoàn cảnh, ông quyết chí làm kinh tế. Ban ngày, ông làm thợ hồ, tối về chở phân bón, ống nước ra Đà Nẵng cho vợ bán. Tích tiểu thành đại, ông Huy mở được một cửa hàng nhỏ tại nhà để vợ buôn bán trang trải cuộc sống gia đình. Bản thân ông nhận thấy, trên mảnh đất quê hương có thế mạnh dành cho nghề làm đá bia mộ, vậy là ông mở xưởng, thuê thợ; do cần cù, lại làm việc tận tình, chu đáo nên xưởng của ông nhanh chóng có thương hiệu, công việc làm quanh năm không xuể. Từ đó cuộc sống gia đình dần khá lên. Nhớ lại những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời, ông không khỏi xúc động “Đó là giai đoạn cơ cực nhất của tôi, nhiều lúc chán nản tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng thương vợ con và bằng ý chí của người lính, tôi đã không ngần ngại làm bất cứ việc gì, từ hai bàn tay trắng tôi đã vươn lên có được như ngày hôm nay bằng chính sức lao động của mình”.


  Xưởng đá Granite Phi Huy của cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy

Hiện nay, gia đình ông có một cửa hàng rộng gần 100 mét vuông buôn bán vật dụng cho các công trình điện nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Xưởng đá của ông có 10 thợ là người tại địa phương làm việc thường xuyên, thu nhập mỗi tháng trung bình hơn 10 triệu đồng/người. Ông không chỉ nhận các công trình bia mộ mà các công trình xây dựng có liên quan đến đá ông đều nhận. Không chỉ làm việc trong tỉnh mà tên tuổi xưởng đá Granite Phi Huy đã được khắp nơi biết đến, có nhiều công trình ở các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam cũng hợp đồng với ông để thi công. Hiện nay, ông Nguyễn Quang Huy đã mua sắm được 5 xe ô tô, trong đó có xe ô tô để dùng cho gia đình, ô tô tải, xe máy múc cùng một số bất động sản ở Điện Bàn, Đà Nẵng, công việc khiến cho ông bận rộn suốt ngày. Ông Trương Công Hạng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Điện Phong dẫn chúng tôi đi tham quan căn nhà đầy đủ tiện nghi của người đồng chí, người hội viên của mình; ông Hạng chia sẻ “Trên địa bàn xã Điện Phong có nhiều mô hình kinh tế, nhưng mô hình của đồng chí Nguyễn Quang Huy là phát triển nhất, đồng chí không chỉ làm giàu cho bản thân mà đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tấm gương vươn lên hoàn cảnh để làm kinh tế giỏi của đồng chí Huy thật đáng ngưỡng mộ”.


 Ông Huy (bên phải) và ông Hạng - Chủ tịch CCB xã Điện Phong (bên trái)

Không bằng lòng với những gì đang có, ông Huy vẫn nuôi ý tưởng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và làm thêm nhiều lĩnh vực khác, bởi với ông, làm kinh tế không chỉ kiếm lợi nhuận mà nó đã trở thành niềm vui, sở thích, hạnh phúc đối với ông là được làm việc mỗi ngày. Nói về những người khác khi làm kinh tế, cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy có lời khuyên “Việc thất bại trong bước đầu làm kinh tế hoặc những khó khăn, vất vả là không thể tránh khỏi, chính vì thế những ai làm kinh tế cần bản lĩnh, không ngại gian khổ, kiên định mục tiêu, đừng đứng núi này trông núi nọ mà dao động thì sẽ khó thành công”.

Ba người con của ông đều rất ngoan, con gái lớn đã tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ ra trường và có việc làm ổn định, cậu con trai học lớp 8 cũng đã biết giúp đỡ gia đình, mỗi sáng giúp mẹ đi chợ, ngoài thời gian đi học, ông Huy dẫn theo con trai ra công trình, giao những việc phù hợp cho con, để con biết quý trọng sức lao động, tránh xa những thói hư tật xấu. Mặc dù kinh tế thuộc hàng giàu có, nhưng với cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy tài sản lớn nhất đời ông vẫn là hạnh phúc gia đình, nhìn vợ khỏe mạnh và các con chăm ngoan.