Điện Bàn chuẩn bị cho vụ sản xuất Hè Thu.
Tác giả: Phạm Lộc .Ngày đăng: 17/05/2019 .Lượt xem: 2389 lượt.
Trong những ngày này, các địa phương, HTX Nông nghiệp cùng bà con nông dân ở thị xã Điện Bàn đang tập trung chuẩn bị mọi kế hoạch từ khâu vệ sinh đồng ruộng, cày ải, làm đất, diệt chuột, diệt ốc bươu vàng sẵn sàng cho vụ sản xuất Hè Thu sắp đến.

Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, trong những ngày này bà con nông dân ở HTX Nông nghiệp 1 phường Điện Ngọc đang tập trung ra đồng vệ sinh đồng ruộng, tu bổ bờ vùng, bờ thửa để giữ nước. Cạnh đó, HTX cũng đã huy động 5 máy cày đất tiến hành cày phơi ải để cắt nguồn sâu bệnh từ những vụ trước. Với sự chỉ đạo sát sao của HTX đến thời điểm này 135/135 ha đất sản xuất lúa đã được cày ải, hệ thống kênh mương nội đồng; trạm bơm đã được duy tu bảo dưỡng… sẵn sàng tiến hành đổ nước từ ngày 15/5.  Theo ông  Phạm Kiệt - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Ngọc 1, cho biết, ngoài diện tích 3 ha sản xuất lúa giống, trong vụ Hè Thu này, HTX chỉ đạo cho bà con nông dân sản xuất 2 bộ giống chủ lực là BC 15 và Đài Thơm 8.

Tại xã Điện Phước, vụ Hè Thu sắp đến, địa phương gieo sạ 520 ha lúa. Ngay sau khi vụ sản xuất Đông Xuân vừa kết thúc, địa phương đã tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông Xuân, trên cơ sở đó đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai vụ Hè Thu. Theo đó, địa phương chỉ đạo 2 HTX Nông nghiệp bắt tay ngay vào việc triển khai kế hoạch theo lịch thời vụ. Cụ thể, đến nay HTX Nông nghiệp 2 đã chuẩn bị trên 50 tấn phân bón để cung cấp cho bà con xã viên. Địa phương cũng đã việc với các chủ máy cày, máy làm đất để phân chia địa bàn hoạt động cũng như thống nhất mức thu trên từng đầu sào. Ngoài ra, Ban Nông nghiệp xã cũng đã chú trọng đến công tác diệt chuột ngay từ đầu vụ.


    Trong các vụ mùa gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Điện Bàn tình trạng chuột phát sinh cắn phá cục bộ trên các cánh đồng gây ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây trồng. Thế nhưng tại xã Điện Hồng nạn chuột cắn phá trên cây trồng được hạn chế đáng kể.  Bởi từ đầu năm 2016, địa phương đã thành lập mô hình diệt chuột bằng bẩy bán nguyệt tại thôn Đa Hòa Nam. Từ hiệu quả của mô hình diệt chuột này đến nay mô hình đã lan tỏa ra 14 thôn trên địa bàn xã với số lượng người dân tự trang bị bẩy bán nguyệt để diệt chuột bảo vệ mùa màng từ 4500 đến 5000 bẩy. Để hạn chế tình trạng chuột phá hại mùa màng, hiện nay xã Điện Hồng tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh diệt chuột bằng phương pháp này trước khi xuống vụ.

          Để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho vụ sản xuất sắp đến, ngay sau khi kết thúc vụ Đông Xuân, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Điện Bàn đã tập trung mọi lực lượng cho việc nạo vét hệ thống kênh mương, sửa chữa, tiểu tu máy móc ở các trạm bơm, đập dâng. Ông Nguyễn Viết Long - Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Điện Bàn cho hay, đến nay 130 km kênh mương phục vụ nước tưới cho hơn 4000 ha đất sản xuất cây lúa do xí nghiệp quản lý đã được vệ sinh, nạo vét; 11 trạm bơm điện với gần 100 máy bơm, công suất 1000 m3/giờ được sửa chữa, tiểu tu… và đã tiến hành đỗ ải từ ngày 15/5.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, vụ Hè Thu này, thị xã sản xuất 5.500 ha lúa, 1200 ha ngô, 1.100 rau các loại và 550 ha đậu các loại. Đối với cây lúa, thị xã bố trí các giống chủ lực như: BC15, HT1 chiếm 50% diện tích; các giống bổ sung như Đài Thơm 8, SV181 chiếm 40% diện tích; 10% còn lại cho các giống triển vọng: HN6, LTH31, Hòa Phát 3, Lộc Trời 1 .Thực hiện theo hướng dẫn lịch thời vụ, cơ cấu giống của tỉnh ban hành cho lúa trổ trước ngày 10/8/2019, thu hoạch xong trước ngày 05/9/2019, chậm nhất đến 10/9/2019, tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống cho lúa trổ từ ngày 25/7 - 10/8/2019. Sử dụng giống kỹ thuật để sản xuất, bón phân cân đối, chú trọng bón thêm phân Kali, áp dụng phương pháp bón “nặng đầu, nhẹ cuối”, tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại đạt hiệu quả theo thông báo hướng dẫn của ngành chuyên môn.Khuyến cáo sử dụng các gói kỹ thuật trong sản xuất như: Kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến, IPM theo qui mô thôn, tưới ướt khô xen kẽ…Với những loại Cây trồng khác, ở những vùng tưới tiêu thuận lợi, tập trung sản xuất cây rau màu và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập gắn thị trường tiêu thụ; vùng khó khăn về nước tưới bố trí cây trồng phù hợp để tận dụng, tránh bỏ đất hoang hóa. Sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, tăng cường xúc tiến đầu tư.