Cảnh báo với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội
Tác giả: Phan Thanh Hồng .Ngày đăng: 12/06/2020 .Lượt xem: 1347 lượt.
Bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội như facebook, zalo... mang lại cho cuộc sống con người trong việc kết nối, chia sẻ thông tin thì tội phạm trên mạng xã hội cũng xuất hiện. Theo đó, nhiều hình thức lừa đảo, hành vi vi phạm pháp luật nảy sinh, số nạn nhân của tội phạm trên mạng xã hội gia tăng.

Ngày 07/6/2020, bà N.T.T, trú tại Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam; trình báo bị kẻ gian chiếm đoạt tài sản là hơn 10 triệu đồng trong tài khoản. Trước đó, một tài khoản facebook có tên Diễm Hương đã nhắn tin đến tài khoản bà N.T.T hỏi giá mua 2 kg ngũ cốc nhà làm, sau khi thống nhất giá mua là 340.000, đối tượng mua xin số tài khoản bà N.T.T, sau đó bằng vài thao tác, đối tượng chụp màn hình tin nhắn đã chuyển khoản thành công. Bà T chờ thông báo từ tin nhắn internet banking nhưng không thấy. Đối tượng hướng dẫn bà T vào đường link trang điện tử Agribank, nhập mã xác nhận. Hệ thống báo mã không đúng hoặc hết hiệu lực chờ gửi mã khác. Bà T. vào hệ thống E – mobibanking xem lại thì thấy hệ thống đã sử dụng tên đăng nhập ở tài khoản khác, kiểm tra tài khoản thì thấy số tiền hơn 10 triệu đồng đã không còn. Còn vị khách hàng thì khóa facebook và cả số điện thoại. 

          Hàng loạt những vụ lừa đào chiếm đoạt tài sản gần đây trên địa bàn xảy ra cho thấy các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, yêu cầu người mua hàng chuyển khoản trước tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hay tiền chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, sau đó khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt số tiền đã chuyển để mua hàng của nạn nhân. Khi người dân truy cập các website này sẽ bị nhiễm mã độc, bị lấy cắp thông tin cá nhân như số điện thoại, thông tin và mật khẩu các tài khoản thư điện tử, mạng xã hội, thông tin và mật khẩu tài khoản ngân hàng,… và thực hiện giao dịch lấy cắp tiền trên tài khoản.

Ngoài ra, còn nhiều thủ đoạn lừa đảo khác: Các đối tượng hack được tài khoản Facebook, giả là chủ của tài khoản gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ gia đình, làm ăn thân thiết với chủ tài khoản Facebook, để thực hiện các hành vi lừa đảo phổ biến như vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại; hay các đối tượng dàn cảnh đóng giả nhân viên của “cơ quan nhà nước”: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cục hải quan... để uy hiếp nạn nhân vào một vụ việc cụ thể, buộc nạn nhân phải chuyển tiền, nếu không sẽ bị các “cơ quan nhà nước” xử lý hình sự.
Qua phân tích một số vụ việc cụ thể cho thấy, những thủ đoạn của các đối tượng không mới, nhưng bọn chúng hoạt động có tổ chức, do một nhóm người thực hiện, tạo dựng kịch bản sát với thực tế, đánh trúng vào tâm lý hám lợi của nạn nhân, đặc biệt là nạn nhân ở các vùng nông thôn.
Từ vụ việc trên, Công an thị xã Điện Bàn đề nghị người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội, qua điện thoại... Không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên các cơ quan nhà nước. Không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Không đứng tên, chuyển giao tài khoản, nhận tiền, quà của những người không phải là bà con, bạn bè thân thích; khi có tài khoản của  người quen trên Facebook, Zalo nhờ gửi tiền, nạp card thì cần phải xác nhận trực tiếp với người quen trước khi thực hiện. Không tiết lộ mã pin, mật khẩu cá nhân qua mạng, mà cần trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch nếu có yêu cầu; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm rõ thông tin về đối tượng, tài sản, đồ vật mình cần giao dịch hoặc khi nghi vấn đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (nếu đã chuyển tiền thì phải báo ngay cho ngân hàng phong tỏa số tiền đã chuyển).
Mọi nghi vấn hoặc phát hiện các đối tượng, vụ việc có liên quan, đề nghị nhân dân thông báo ngay cho Công an xã, phường gần nhất hoặc báo về Công an thị xã Điện Bàn (ĐT: 02353.867.294) để được hỗ trợ.