Lặng thầm những chiến công
Tác giả: Phan Thanh Hồng .Ngày đăng: 18/06/2020 .Lượt xem: 1622 lượt.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác Kỹ thuật hình sự theo hướng chuyên sâu tại Công an cấp huyện đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và đảm bảo ANTT trên địa bàn; Ngày 09/10/2019, CATX Điện Bàn (Quảng Nam) tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Đội Kỹ thuật hình sự (KTHS). Qua 8 tháng triển khai hoạt động, công việc của những người lính thầm lặng - chiến sĩ lực lượng KTHS đã khai thác tốt mọi thông tin từ các dấu vết, vật chứng; nhận định, đánh giá đúng tính chất, phương thức, thủ đoạn, hung khí và đối tượng gây án, góp phần giúp Cơ quan Cảnh sát điều tra phá án nhanh chóng, kịp thời, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động tố tụng…

Chìa khóa” mở những vụ án
Đội Kỹ thuật hình sự có 05 cán bộ chiến sĩ, Trung tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng Công an phường Điện Nam Trung được điều động đến giữ chức vụ Đội trưởng Đội Kỹ thuật hình sự. Các cán bộ chiến sĩ còn lại khác được điều động từ các đội nghiệp vụ, được đào tạo cơ bản về chuyên ngành Kỹ thuật hình sự.
Đặc thù công việc của lực lượng KTHS hết sức phức tạp, bất kể ngày đêm, mưa gió hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cứ mỗi khi có vụ án xảy ra họ lại sẵn sàng lên đường, để đảm bảo làm sao tới hiện trường sớm nhất có thể, vì khám nghiệm hiện trường càng sớm bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu. Việc phát hiện, thu lượm, bảo quản và xử lý các dấu vết vi vết để phục vụ công tác giám định có thể giúp Cơ quan điều tra truy tìm danh tính hung thủ một cách nhanh chóng, cung cấp những chứng cứ vật chất mang tính khoa học không thể chối cãi được.
Để một vụ án được khám phá thành công, bên cạnh công tác khám nghiệm hiện trường, khâu phát hiện dấu vết đường vân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng vì từ đó có thể truy nguyên các đối tượng. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, đội ngũ những người lính KTHS thực sự là “chìa khóa vàng” cho những chiến công phá án. Từ khi triển khai đến nay, Đội KTHS đã khám nghiệm hiện trường 47 vụ, công việc đầy vất vả, khó khăn, nguy hiểm đó đã được đền đáp bằng các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật nhanh chóng được làm sáng tỏ, góp phần giữ vững ANTT, mang đến cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Vào ngày 30/12/2019, CATX tiếp nhận thông tin về vụ “dâm ô” xảy ra tại Kp.Phong Nhất, Điện An, Điện Bàn. Xác định đây là vụ việc mang tính chất rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc trong quần chúng nhân dân. Qua các biện pháp nghiệp vụ và công cụ phương tiện hiện đại, CBCS trong đội KTHS đã phát hiện và thu được tại hiện trường 1 số vật lông, tinh dịch để bảo quản và tiến hành công tác truy nguyên đối tượng phục vụ công tác đấu tranh của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Qua đấu tranh đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Phá án từ dấu vết hiện trường.
Chiều ngày 09/3/2020, chị N.T.T.H (SN:1991, trú: Khối phố Ngân Câu, phường Điện Ngọc, Điện Bàn) về nhà thì phát hiện của mở, đồ đạc trong nhà bị xáo trộn. Qua kiểm tra chị H. phát hiện bị mất một két sắt bên trong có: 11.000USD, 24 triệu VND, nhiều trang sức có giá trị, 01 laptop, 01 Ipad, 02 điện thoại, tổng thiệt hại ước tính hơn 400 triệu đồng. Nhận được tin báo cán bộ Đội Kỹ thuật hình sự đã có mặt tại hiện trường, thu được nhiều dấu vết đường vân tay, các dấu cạy, phá khóa... do đối tượng để lại hiện trường, đồng thời cùng các trinh sát Hình sự tiến hành trích xuất camera trên các tuyến đường thuộc thị xã Điện Bàn để tiến hành công tác truy nguyên, giám định dấu vân tay, phối hợp cung cấp thông tin cho Công an thành phố Đà Nẵng bắt đối tượng Nguyễn Hữu Cường (1994, trú phường Nại Hiên Đông, Đà Nẵng, có 02 tiền án về trộm cắp và cướp giật tài sản) và 03 đối tượng khác gây ra trộm vụ trên, ngoài ra các đối tượng đã khai nhận trộm cắp 11 vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.
Đại tá Lê Trung Hai – Trưởng CATX cho biết, kết quả giám định dấu vết, vật chứng là bằng chứng khoa học duy nhất giúp cơ quan điều tra có định hướng đúng đắn khi phá án cũng như củng cố nguồn chứng cứ, truy nguyên tội phạm hoặc bị hại… Chính vì vậy, bất kỳ vụ án nào, dù lớn hay nhỏ, việc tiếp cận hiện trường càng nhanh càng có ý nghĩa to lớn trong việc phát hiện, bảo toàn dấu vết nhất là các loại dấu vết có giá trị. Cũng từ đây, CBCS đội KTHS sẽ giúp các điều tra viên nhận định chính xác về tính chất vụ việc; thời điểm, đặc điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội; góp phần đắc lực trong phòng ngừa.
Khoảng 19h ngày 17/3/2020, tại nhà bà L.T.X (1988, trú ở Triêm Trung 1, Điện Phương, Điện Bàn) đã bị đối tượng sử dụng súng bắn 06 phát vào nhà làm vỡ cửa kính xuyên qua đường luồng rồi tiếp tục vỡ phần kính ở phía sau bếp. Lực lượng KTHS ngay lập tức đã có mặt tại hiện trường và tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác định được hướng di chuyển của đường đạn, loại đạn được bắn ra, vị trí đứng bắn của đối tượng và loại súng gây ra vụ việc trên. Cùng với triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, không lâu sau đó, đối tượng Phạm Vi Cảnh (1989, trú: Khối phố 7B, phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) là người sử dụng súng để uy hiếp buộc chồng bà X. phải trả nợ, đối tượng đã bị bắt giữ và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Dù không phải đối mặt với tội phạm nhưng cán bộ, chiến sĩ lực lượng KTHS lại đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách khác trên mặt trận đấu tranh phòng-chống tội phạm. Nhưng bằng bản lĩnh và sự tận tụy trong công việc, những cán bộ, chiến sĩ Đội KTHS vẫn ngày đêm lặng thầm, tỉ mỉ lần tìm dấu vết, thủ đoạn của tội phạm.
Có mặt tại Đội KTHS vào một buổi chiều giữa tuần khi các anh vừa khám nghiệm hiện trường vụ trộm xảy ra tại phường Điện Dương, chúng tôi chứng kiến các CBCS đội KTHS trở về từ hiện trường, nén mệt mỏi, lập tức bắt tay ngay vào công việc của mình. Người miệt mài bên chiếc kính hiển vi, máy xử lý ảnh, tài liệu; người tập trung giám định mẫu vật… phục vụ cho công tác điều tra. Tất cả đều được các anh thực hiện vô cùng tỉ mỉ, thận trọng. Bởi mỗi dấu vết để lại sẽ là cơ sở quan trọng để từng vụ án, vụ việc được làm sáng tỏ. Sau đó, có thể là kết tội hoặc minh oan cho một con người.
Phương thức thủ đoạn hiện nay của tội phạm rất tinh vi, xảo quyệt. Nếu như trước đây đối tượng gây án để lại nhiều dấu vết tại hiện trường nhưng nay thì hầu như rất ít; đồng thời, các đối tượng sử dụng các phương thức nhằm đánh lạc hướng cơ quan Công an, không để lại dấu vết, tránh sự phát hiện ghi hình của camera... “Đối với công tác khám nghiệm hiện trường, phải luôn đánh giá, xem xét, nhận định mọi vấn đề tại hiện trường một cách khách quan, đồng thời, kết hợp với nhiều thông tin thu thập được từ lực lượng khác để có sự nhận định chung một cách đầy đủ”, Trung tá Nguyễn Hồng Quang, Đội trưởng KTHS chia sẻ.