Tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp Hè
Tác giả: Phan Thanh Hồng .Ngày đăng: 04/05/2022 .Lượt xem: 1148 lượt.
Mặc dù mới chỉ vào đầu mùa hè, tuy nhiên nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước thương tâm đã xảy ra; thực trạng đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn đuối nước mùa nắng nóng.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm

Ngày 19/3/2022, một nhóm gồm 9 em học sinh lớp 9 của một trường THCS tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành rủ nhau đến hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) để tắm, thì có 2 nam sinh bị đuối nước tử vong.

Chỉ trong 1 ngày 05/3/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm khiến 4 người tử vong tại hồ nước thuộc thôn Châu Xuân, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình; khu vực hố Giang Thơm, xã Tam Mỹ Tây và khu vực Biển Rạng, xã Tam Quang, huyện Núi Thành.

Hay như trước đó ngày 25/02/2022, 4 học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Ngọc Giá, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn tắm biển tại khu vực biển khối phố Hà Quảng Đông, phường Điện Dương thì không may bị đuối nước, khiến 1 em tử vong. Ngày 02.5.2022, tại địa điểm sông Đông Yên , thôn Cẩm Phú 1, Điện Phong xảy ra 1 vụ đuối nước khiến 1 em học sinh lớp 7 tử vong.

Theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, đuối nước hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật cho trẻ em hiện nay. Tình trạng đuối nước diễn ra ở cả trẻ biết bơi, bơi giỏi và không biết bơi. Nguyên nhân tỷ lệ đuối nước cao đầu tiên là do nhận thức của gia đình và chính các em còn hạn chế về cả kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, môi trường sống tự nhiên của Việt Nam đặc thù, có đường biển dài, nhiều ao hồ, thiên tai mưa, bão, lũ nhiều cũng là nguyên nhân gây tai nạn cho trẻ nhỏ.


Hiện trường vụ đuối nước ở phường Điện Dương

Ngoài ra, tại các khu vực nông thôn, mỗi dịp hè đến, trẻ nhỏ thường tự tổ chức chơi cùng nhau, thiếu kiểm soát của người lớn. Đặc biệt là tỷ lệ trẻ biết bơi ở nước ta rất thấp, thiếu bể bơi cho trẻ ở tất cả các vùng, đội ngũ giáo viên cũng rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phổ cập bơi cho các em nhỏ.

Nâng cao kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ nhỏ.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ. Vì thế, một trong những nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước thì chính các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ.

Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ. Phụ huynh cần trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao cảnh giác; Đồng thời, tạo điều kiện để trẻ học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó tai nạn đuối nước; Hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…

Trong những năm qua, nhiều địa phương cũng đã đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để chờ người lớn tới cứu.

Dạy kỹ năng an toàn cho trẻ là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh… Cần tăng cường nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn, bởi phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường công tác bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Truyền thông, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, trường học, lớp học kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát và trông giữ trẻ em./.