Quán hến Hồi, man mác hương vị quê nhà
Tác giả: Quốc Phạm .Ngày đăng: 07/06/2022 .Lượt xem: 1336 lượt.
“Có yêu thì nói rằng yêu/Chẳng yêu thì nói một điều cho xong/Làm chi dở đục dở trong/Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư” (Ca dao Việt). Đục trong gì thì chưa biết, nhưng đi dọc triền sông Ngân Hà người dân quê tôi hay gọi sông Cái (Quảng Nam) mà không được ăn thử con hến với các món làm từ hến ở miền này thì đúng là tương tư thật...

Con hến có quanh năm. Ngọt ngon, bùi thơm tùy theo con nước. Nhưng con hến ngon nhất có lẽ là con hến gạo bé li ti như hạt gạo tấm. Thịt hến béo béo bùi bùi vị bùn non, vị phù sa của dòng sông bên lở bên bồi, nhất là hến được cào quanh những rặng tre. Những người đi cào hến lội ra triền sông cạn, dùng dụng cụ cào hến cào được bao nhiêu thì cho vào rổ lắc lắc dưới nước cho sạch bùn, sạch rong. Hến mang về nhà tiếp tục ngâm cho sạch bùn, sau đó nấu cho vỏ nhả ra và đãi để lấy phần thịt hến, từ đó có thể chế biến thành những món dân dã, ngon đến tương tư cõi lòng.

Theo chân người hướng dẫn, chúng tôi háo hức lên bờ, ghé vào cái quán đơn sơ nhưng rộng rãi, nằm sát bờ sông Ngân Hà phường Điện Ngọc. Thật ra, đó là một cái chái lớn, lợp tôn, song rất mát nhờ ẩn trong rặng tre xanh và gió từ sông lồng lộng thổi vào. Quán có tên rất mộc mạc: “Quán Hồi – Đặc sản Hến”.


   Ông Võ Văn Hồi, chủ quán, lăng xăng vừa phục vụ cho khách vừa cho hay, tùy theo khúc sông có loại hến lớn hay hến nhỏ mà người ta thiết kế những cái cào có răng bằng sắt thưa hay dày, sau cái khung sắt là cái bao lưới để giữ hến lại, bộ phận này nối với một cây sào dài khoảng 5-6 m. Ghe máy chạy, kéo theo dàn cào này cào dưới đáy sông, bao nhiêu sỏi, hến… đều vào lưới, nước thoát ra ngoài.

Để tạo không khí vui tươi, quên đi mệt nhọc, bà Bảy – vợ ông Hồi, vừa đãi hến vừa kể chuyện. Bà cho biết, ngày trước, đi bắt hến khá vất vả do cào, xúc, cong lưng kéo nhủi dưới nước, rất mệt và đau lưng, do đó có câu ca: “Anh ơi mua giúp hến sông/Để em mua thuốc cho chồng đau lưng”. Trong những năm gần đây, do khai thác cát, dòng sông mỗi ngày một sâu nên người ta tạo ra dụng cụ cào hến.

Theo lời ông Hồi, hến tươi đem về loại bỏ tạp chất, ngâm, lóng nhiều lần trong nước sạch. Khi luộc phải để nước sôi già mới cho hến vào. Gặp nóng đột ngột, hến mới tách hết vỏ. Dùng cái dầm nhỏ quấy đều cho ruột hến bong ra.

Mươi phút sau, bà Bảy chủ quán mang ra các món hến xào, hến trộn xúc bánh tráng, cháo hến. Chúng tôi thong thả bẻ từng miếng bánh tráng xứ Quảng nhiều mè, được nướng vàng rộm, giòn tan, thơm phức để xúc từng miếng hến trộn đưa vào miệng, rất ngon và thi vị. Vừa ăn vừa ngắm cảnh sông nước hữu tình với những ghe thuyền của giới thương hồ ngược xuôi trên sông còn gì thú vị hơn? Món phổ biến nhất, chế biến nhanh nhất ở đây là hến xào xúc bánh tráng. Hến sau khi được luộc, đãi tách vỏ thì xào chung với ít dầu phộng phi hành thơm phức. Sau khi nêm nếm tí gia vị vừa ăn, cho ít hành tây thái mỏng, ít rau mùi (gồm rau răm, rau thơm, rau quế, ngò rí, hành lá...) đảo sơ là có món hến xào ngon số 1 làng ẩm thực miền Trung. Bẻ miếng bánh tráng nướng xúc phần hến vừa xào nóng hổi cho vào miệng thì thiệt không gì bằng.

Món ăn dân dã, giá rất rẻ, nhưng khá ngon miệng. Khách của quán ngoài công nhân tan ca từ Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc ghé vào, dễ dàng bắt gặp nhiều bạn trẻ từ khắp nơi, kể cả nhân viên văn phòng, công chức từ Hội An, Đà Nẵng nghe tiếng tìm đến. Có lẽ vì khách bình dân và đa dạng như vậy nên hàng bao năm nay giá vẫn không thay đổi. Sở dĩ có giá rẻ như vậy là nhờ các khâu cào hến, đãi hến khâu chế biến, đi chợ mua gia vị… đều là người trong gia đình, mỗi người mỗi việc.


   Họ rất chân tình, cởi mở. Vì thế, quán hến tuy ở nơi hẻo lánh nhưng rất nhiều khách đến ăn, kể cả khách phương xa, khách nước ngoài, ăn xong còn mua về nhà. Để cho khách có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn sau khi ăn đã có những cái võng bằng tre, được buộc trên những thân cây tre sát bờ sông. Gió mát, võng tre đưa kẽo kẹt, ru du khách vào giấc ngủ mơ màng trên bờ sông nước xa xăm…

Để đến quán Hồi có hai đường. Trên quốc lộ 1A, từ Vĩnh Điện ra đến trạm thu phí xã Điện Thắng Bắc rẽ phải chừng 3 km đến cầu sắt bắc sang sông Ngân Hà, tiếp tục rẽ phải chừng 300 m sẽ đến. Nếu đi đường ĐT607A, từ Hội An ra đến thôn Viêm Trung (Điện Ngọc) rẽ trái đi tiếp khoảng cây số sẽ gặp cầu sắt, qua sông là thấy quán Hồi.

Người dân vùng hạ lưu sông Thu Bồn, từ vùng đông Điện Bàn xuống tận Duy Xuyên, Hội An (Quảng Nam) lớn lên với con sông bên lở bên bồi, nhưng bên nào thì hến cũng có quanh năm và thơm ngon rất đặc trưng. Âu cũng là ưu đãi cho những người bình dân lam lũ với món ngon, ngon từ chất đến tình.