Hướng dẫn phòng trừ bệnh lem lép – thối hạt và đạo ôn cổ bông, cổ gié giai đoạn lúa trỗ, chín
Tác giả: Công Long .Ngày đăng: 18/03/2024 .Lượt xem: 89 lượt.
Hiện nay, lúa Đông Xuân chính vụ đang trong giai đoạn đòng, trỗ. Thời tiết diễn biến bất lợi, một số diện tích trỗ gặp không khí lạnh tràn về, một số nơi mưa nhỏ dễ phát sinh bệnh lem lép, thối hạt và bệnh đạo ôn với tỷ lệ hại cao trên hầu hết các giống gây ảnh hưởng năng suất.

Để phòng trừ bệnh lem lép - thối hạt và bệnh đạo ôn đạo ôn cổ bông, cổ gié đạt hiệu quả, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ như sau:

1. Đối với bệnh lem lép, thối hạt:

- Đối với diện tích lúa đã trỗ: Cần tiến hành thông báo hướng dẫn cho bà con tổ chức phun phòng bệnh lem lép thối hạt sau trỗ 5-7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu sau trỗ như Starner 20WP, Anvil 5SC, Tilt super 300EC,... để hạn chế bệnh phát sinh nặng.

- Đối với diện tích lúa chưa trỗ: Với tình hình thời tiết diễn biến bất lợi như hiện nay cần phun phòng trước và sau khi trỗ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc trên.


    2. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié:

Cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông nhất là đối các giống nhiễm như: 13/2, BC15, TBR225, Thiên ưu 8, J02…, trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày, tiến hành dùng 01 trong các loại thuốc có các thành phần hoạt chất như Tricyclazole, Isoprothiolane, propiconazole, fenoxxanil…(tên thương mại Beam 75 WP, Fuji-one 40EC, Filia 525 SE, Flash 75 WP, Mapfamy 700WP…) để phun phòng trừ. Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn trước trỗ thì phun ở giai đoạn sau trỗ từ 5 - 7 ngày. Tốt nhất nên phun thuốc phòng bệnh khi lúa trỗ lác đác.

*Lưu ý:

- Khi phun thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

- Mỗi sào phải phun đủ từ 30 lít nước thuốc đã pha trở lên, pha đúng nồng độ hướng dẫn trên nhãn.