Điện Bàn đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở sản xuất, các Cụm Công nghiệp trên địa bàn huyện.
Tác giả: Nguyễn Đức Phong .Ngày đăng: 03/12/2014 .Lượt xem: 14013 lượt.
Ngày 02/12/2014, Ủy ban nhân dân huyện Điện Bàn tổ chức họp thông qua báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở sản xuất, các Cụm Công nghiệp trên địa bàn huyện và biện pháp quản lý bảo vệ.

Tham dự có ông Trần Úc – UV BTV Huyện ủy – Phó Chủ tịch UBND huyện – Chủ trì, Ông Phan Minh Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện các ngành: Tài nguyên – Môi trường, Kinh tế - Hạ tầng, Trung tâm Phát triển CCN-TM-DV; Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Nam, Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường – Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Quảng Nam.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, môi trường huyện Điện Bàn đã và đang bị áp lực lớn. Đặc biệt là việc gia tăng lượng nước thải, khí thải và chất thải rắn từ hoạt động sản xuất công nghiệp và phát triển đô thị, đe dọa ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí (CO, SO2, NO2, H2S, CH4...), mùi, tiếng ồn và ô nhiễm đất.
Ngoài Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, trên địa bàn huyện Điện Bàn hiện đang có 10 Cụm Công nghiệp với tổng diện tích 166,33 ha, trong đó có gần 30 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất và 98 cơ sở sản xuất phân tán không nằm trong các Khu, Cụm Công nghiệp.
Tổng lượng nước thải phát sinh tại các Khu, Cụm Công nghiệp nêu trên là 85.000m3/tháng. Trong đó, Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc chiếm khoảng 60.000m3 (lượng nước thải này đã được xử lý), còn lại là ở các Cụm Công nghiệp và các cơ sở sản xuất. Ngoài khí thải từ các Khu, Cụm Công nghiệp còn có các nhà máy sản xuất gạch Tuy nen. Vì vậy, lượng khí thải phát sinh từ các doanh nghiệp sản xuất tương đối lớn.
Xác định công tác đánh giá và thẩm định báo cáo tác động môi trường là một cấu thành tất yếu của việc phòng ngừa ô nhiễm, huyện Điện Bàn đã tiến hành đánh giá mức độ ô nhiễm ở các Cụm Công nghiệp do huyện quản lý để có giải pháp kỹ thuật và kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý nước thải và khí thải. Cụ thể sẽ tính toán thải lượng ở từng doanh nghiệp để có phương án quản lý và đầu tư hiệu quả. Đồng thời giao cho các cơ quan chuyên môn tham mưu UBDN huyện trong quá trình phê duyệt đầu tư các dự án mới phải đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường như: địa điểm đầu tư dự án, quy hoạch ngành nghề, thẩm định sự phù hợp về mặt môi trường từng của dự án.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng xử lý môi trường và quản lý chặc chẽ việc bảo vệ môi trường cộng với công tác đánh giá tác động môi trường và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án cụ thể sẽ góp phần vào mục tiêu và định hướng phát triển bền vững như kế hoạch và chương trình mà Đảng bộ Điện Bàn đã đề ra.