Kịp thời ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Tác giả: Phan Thanh Hồng .Ngày đăng: 22/09/2021 .Lượt xem: 1172 lượt.
Chiêu thức gọi điện thoại giả danh cán bộ cơ quan cảnh sát điều tra; viện kiểm sát… đang điều tra phá án ma túy, đường dây rửa tiền xuyên quốc gia rồi hù dọa bị hại sẽ bị khởi tố bắt giam, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để phục vụ công tác điều tra là thủ đoạn không mới. Có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn này, nhưng vẫn có người sập bẫy của các đối tượng. Công an phường Vĩnh Điện, Điện Bàn (Quảng Nam) vừa ngăn chặn 1 lừa đảo vụ chuyển tiền cho đối tượng theo thủ đoạn này.

Chiều ngày 20/9/2021, chị Đ.T.P, sinh năm 1985, trú tại khối phố 2, phường Vĩnh Điện tham gia lưu thông trên đường nội thị, bị Tổ tuần tra Công an phường Vĩnh Điện dừng xe để kiểm tra vì lý do ra đường không có lý do chính đáng, khi thị xã Điện Bàn đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về công tác chống dịch. Thấy thái độ lúng túng của chị P., Tổ công tác mời chị P. về Công an phường để làm rõ. Chị cho biết đang trên đường đến Ngân hàng để rút tiền chuyển cho các đối tượng không rõ lai lịch.
Chị P. cho biết trưa ngày 20/9/2021, chị nhận được điện thoại từ số lạ 084086123… Sau khi xác nhận lai lịch nhân thân, đối tượng lừa đảo thông báo và chuyển cho chị quyết định ban hành tài khoản tạm giữ để phục vụ điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được làm giả tinh vi, do chị có liên quan đến đường dây mua bán ma túy mà Cơ quan Công an đang thụ lý. Chị cho biết trong 90 phút, có 3 đối tượng tự nhận là người của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát tối cao liên tục gây sức ép yêu cầu chị chuyển 200 triệu vào tài khoản chúng cho sẵn, nếu quá trình điều tra chứng minh chị vô tội sẽ chuyển lại tiền cho chị. Dưới sức ép của các đối tượng, chị khủng hoảng tâm lý, chị cho biết hiện tài khoản chị không đủ 200 triệu đồng để chuyển, các đối tượng yêu cầu chị ra ngân hàng rút tiền, dặn không được tiết lộ thông tin cho ai, kể cả người nhà và nhân viên ngân hàng để đảm bảo bí mật. Sau khi Công an phường giải thích, chị P. biết mình bị lừa đảo, các đối tượng liên hệ chị P. cũng đã cắt liên lạc ngay sau đó.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều hình thức lừa đảo với công nghệ ngày một tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản của khách hàng. Mặc dù Công an thị xã thường phát đi các cảnh báo, lưu ý đối với các khách hàng, tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến việc đi lại, gặp gỡ làm việc trực tiếp hoặc kiểm tra hàng hóa… bị gián đoạn, chuyển hướng sang hình thức giao thương online, nên vẫn có nhiều người dân bị lừa, thiệt hại lớn trong giao dịch.
Đại tá Lê Trung Hai, Trưởng Công an thị xã Điện Bàn cho hay, qua các vụ án lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo đến người dân cần cẩn trọng hơn khi thực hiện các giao dịch, chuyển tiền qua mạng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP, không truy cập vào các đường link do các đối tượng hoặc người mua hàng chuyển đến. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ các đối tượng có những thủ đoạn nói trên, người dân cần hết sức cảnh giác, bình tĩnh, không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng mà cần trình báo cơ quan Công an để được phối hợp điều tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.