Tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản tại huyện Quế Sơn và huyện Thăng Bình
Tác giả: Hồng Phước .Ngày đăng: 24/06/2024 .Lượt xem: 162 lượt.
Vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn tổ chức đoàn tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm tại huyện Quế Sơn và huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tham dự đoàn tham quan có 18 thành viên là viên chức của Trung tâm, do ông Ngô Văn Tân – Giám đốc làm Trưởng đoàn.

Tại huyện Quế Sơn, Đoàn đã đến làm việc với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Quế Sơn, tham quan mô hình trồng mận phủ mùng của hộ anh Trương Văn Arin - thôn Châu Sơn, xã Quế An và mô hình nuôi chồn hương của hộ anh Thái Hùng Quang - thôn An Long, xã Quế Phong. Đây là một trong những mô hình trồng trọt và chăn nuôi điển hình, mang lại hiệu quả cao tại huyện Quế Sơn.

Vườn mận có diện tích 1.500 mđược giăng mùng phủ kín để hạn chế tối đa côn trùng và sâu bệnh gây hại, giảm hoặc không sử dụng thuốc BVTV; ngăn tác động của gió gây rụng trái, nâng tỷ lệ trái đồng đều, lành lặn tới 95%. Mận cho thu hoạch 2 đợt/năm, mỗi đợt kéo dài liên tục 15 ngày, mỗi ngày thu hái 150 – 200kg. Mận được canh tác theo phương pháp sạch, an toàn nhưng giá bán chỉ 25.000đ/kg và số lượng mận thu được chỉ đủ phục vụ cho thị trường xung quanh thị trấn Đông Phú.


   Trại nuôi chồn hương có diện tích gần 150m2, chia làm 4 khu nuôi: chồn giống, chồn sinh sản, chồn con mới tách mẹ và chồn thương phẩm. Chồn giống nuôi từ 3-4 tháng giá bán 8 triệu đồng/cặp, chồn thương phẩm có giá dao động từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg, bình quân mỗi năm xuất bán hơn 40 con giống lẫn con thịt, thu lãi gần 150 triệu đồng/năm.

Tại huyện Thăng Bình, Đoàn đã đến tham quan xưởng sản xuất nông sản tuần hoàn của Công ty TNHH Thực phẩm Noom, địa chỉ ở thôn Bình Túy, xã Bình Giang. Đây là nơi chế biến và đóng gói đa dạng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đời sống hàng ngày như: gạo, các sản phẩm từ gạo, thịt heo, dầu ăn, đường, nhang, xà bông, các sản phẩm từ hạt, gia vị các loại…. Nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến được nhập về từ các trang trại hữu cơ do công ty sở hữu hoặc liên kết tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam (Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Tây Giang) và một số tỉnh khác như: Lâm Đồng, Kon Tum…


   Tất cả các nguyên liệu đầu vào và đầu ra được công ty tận dụng tối đa để cho ra sản phẩm hữu ích, tạo nên vòng tuần hoàn khép kín và hầu như không bỏ phí thứ gì, kể cả đó là chất loại thải: bánh dầu dùng đề phục vụ lại cho các trang trại, cặn bã của quá trình lọc dầu là nguồn nguyên liệu để sản xuất xà bông… Hiện nay, công ty đang tiến hành các thủ tục liên kết sản xuất với phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn; dự kiến sẽ hình thành vùng sản xuất đậu phụng hữu cơ với diện tích 11ha để tạo nguồn cung nguyên liệu trong sản xuất và chế biến dầu lạc thương hiệu Noom.

Chuyến tham quan là dịp để lãnh đạo và viên chức Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn để áp dụng trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến nông tại thị xã Điện Bàn trong thời gian đến.