Đây là công việc chính của nhiều hộ dân làng Hà Đông lấy nghề trồng hoa cúc bán Tết làm nguồn thu chủ đạo trong năm. Họ bảo, làm nông “của ruộng đắp bờ”, chẳng mong dư dả. Mỗi năm một mùa hoa tết, nếu thắng lợi, khoản lợi nhuận thu được có thể dành dụm để lo cho con cái ăn học.
Cả làng tất bật
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm xuống giống hoa cúc khoảng từ ngày 20/7 - 15/8 âm lịch, còn các loại hoa như vạn thọ, hải đường... có thời sinh trưởng ngắn hơn nên xuống giống từ tháng 10 âm lịch. Trong khu đất có diện tích khoảng 4.000m², ông Phạm Xuân Long cùng 2 người con trai đang nhổ cỏ, bấm ngọn, tưới nước cho vườn hoa cúc mới xuống giống được hơn 1 tuần.
Ông Long cho biết, gia đình ông gắn bó với nghề trồng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán hơn 15 năm nay. Mỗi năm ông trồng hơn 1.500 chậu hoa các loại như cúc đại đoá vàng, đại đoá đồng, hải đường…. nhiều nhất vẫn là hoa cúc. Chi phí đầu tư cho vườn hoa khoảng 80 triệu đồng, chưa tính kinh phí đúc chậu.
Để có giá thể trồng hoa, hằng năm vào khoảng giữa tháng Giêng, ông Long thu mua tro trấu, phân chuồng, đất cát về dự trữ. Cùng với đó, ông chọn lọc 4.000 cây cúc đã nở hoa đem trồng trên những luống đất trong vườn nhà giữ làm giống. Ông nhẩm tính, với 4.000 cây, ông có thể bấm được hơn 1.000 đọt ngọn giống để trồng vào chậu.
“Thời tiết năm nay khó lường, nếu như đúng mong đợi vào thời điểm này mà trời còn nắng tốt là rất thuận lợi cho cúc sinh trưởng, phát triển. Cây cúc “sợ” nhất là mưa dầm, bởi độ ẩm cao sẽ khiến cây cúc phát sinh nhiều bệnh, nhất là bệnh rữa thân và nấm lá. Nếu cây cúc đã lâm bệnh rữa thân thì coi như “vô phương cứu chữa”, cây cúc sẽ bị chết. Cúc bị bệnh nấm lá thì còn cứu vãn được, nhưng chậu cúc sẽ phải gánh chi phí đầu vào cao”- ông Long chia sẻ.
Mắt vừa dán vào từng chậu cúc, tay thoăn thoắt lựa những lá cúc bị hư ngắt bỏ, chị Lê Thị Đào, chủ nhà vườn có 300 chậu cúc ở Hà Đông vừa trò chuyện: “Trước khi mua giống, các chậu phải được vô đất sẵn sàng, giống về là gieo ngay. Khoảng 10 ngày sau cúc bén rễ, đó là lúc nó cần tiếp sức bằng thuốc tăng lực cho rễ, đồng thời bơm phòng thuốc bệnh...Đến khi cúc tròn 3 tháng thì cắm cây trụ chính”, chị Đào cho biết.
Tui nối nghề của ba làm cúc đến nay đã hơn 20 năm, cây hoa cúc vàng chịu loại đất và khí hậu vùng này, càng nắng hoa càng rực rỡ. Mỗi dịp tết, hoa cúc từ làng Hà Đông được thương lái cung cấp đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhờ vậy mà đời sống bà con ngày càng khá hơn trước. Chị Đào bộc bạch nói thêm.
Mơ vụ mùa bội thu
Vì là nghề “lấy công làm lãi” nên ông Long, bà Đào và nhiều nông dân khác ở Hà Đông đều tự mình tham gia vào quá trình trồng hoa để tiết kiệm phần nào chi phí nhân công. Từ 7h sáng đến 9h tối, ông đều túc trực tại vườn hoa để đảm bảo việc chăm sóc hoa đúng cách, đồng thời chỉ bảo cho những nhân công thời vụ mới vào làm việc. “Thời gian này đã có khách tới đặt hoa, nên cũng bớt lo lắng phần nào. Chỉ mong dịp Tết người dân kinh tế khá hơn, để mua hoa đón một cái Tết vui vẻ và màu sắc. Nhờ vậy những nông dân trồng hoa như tôi cũng đỡ được phần nào”, ông Long cho hay.
Cách vườn của ông Long không xa, ông Đặng Quang Trĩ thôn Hà Đông cũng đang làm vườn hoa. Ông Trĩ cho hay, thông lệ vào tháng 8 âm lịch, gia đình ông trồng khoảng 700 chậu hoa cúc đại đoá, pha lê, vạn thọ, hải đường, thược dược…
Cạnh đó, ông còn ươm hàng vạn cây hoa giống trong vòng 10 ngày là có thể xuất bán cho các nhà vườn với giá 400 đồng/cây. Thu nhập từ ươm giống hoa đem lại cũng đáng kể.
“Nghề ươm giống hoa không khó nhưng phải nắm rõ kỹ thuật và dự báo tương đối diễn biến thời tiết mỗi năm. Cũng nhờ trồng hoa tết, mà gia đình tôi và nhiều hộ dân khác ở đây có nguồn thu nhập ổn định, sắm sửa đồ dùng, chăm lo con cái học hành tử tế” - ông Trĩ phấn khởi.
Trong cái nắng nhẹ đầu đông, ông Trần Đạt (61 tuổi) người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng cúc bán tết, không cần phải dựng dù, chỉ với chiếc mũ trên đầu ông tỉ mẩn cắt ngọn cho 350 chậu cúc của mình. “Vào thời điểm này mà trời còn nắng tốt là rất thuận lợi cho cúc sinh trưởng, phát triển. Cây cúc “sợ” nhất là mưa dầm, bởi độ ẩm cao sẽ khiến cây cúc phát sinh nhiều bệnh, nhất là bệnh rữa thân và nấm lá. Nếu cây cúc đã lâm bệnh rữa thân thì coi như “vô phương cứu chữa”, cây cúc sẽ bị chết. Cúc bị bệnh nấm lá thì còn cứu vãn được, nhưng chậu cúc sẽ phải gánh chi phí đầu vào cao”, ông Đạt chia sẻ.
Nhiều hộ dân trồng hoa ở thôn Hà Đông tùy từng đặc tính từng loại hoa mà sắp xếp lịch thời vụ xuống phù hợp. Nghề trồng hoa tết không chỉ có kinh nghiệm mà còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, lo nhất là trời mưa bão sẽ khổng tránh khỏi thiệt hại.
Ông Trần Quang Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Hoà cho biết, ở địa phương có khoảng 30 - 40 hộ trồng hoa ở các thôn như Hà Đông, Xóm Bùng, Hà Tây 2, mỗi năm, người dân cung ứng ra thị trường tết hơn 30 - 35 chục nghìn chậu hoa lớn nhỏ. Thu nhập từ trồng hoa đem lại cho các nhà vườn tương đối ổn định.