Hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại cây trồng giai đoạn sau gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 - 2024
Tác giả: Công Long .Ngày đăng: 15/01/2024 .Lượt xem: 285 lượt.
Đến nay, cây lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 đã xuống giống cơ bản xong đang giai đoạn mạ. Đối với cây màu các loại, nông dân đang tiếp tục xuống giống, vừa qua do ảnh hưởng của thời tiết mưa lạnh nên một số diện tích lúa không lên luống và vùng trũng nước bị hư hại phải gieo trồng lại.

Để chủ động trong công tác quản lý sản xuất và dịch hại cây trồng, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ dịch hại cây trồng như sau:

1. Đối với cây lúa:

- Cần đưa nước vào ruộng duy trì ở mực nước tối thiểu 2 - 3cm liên tục để giữ lúa ấm chân. Tranh thủ thời tiết nắng ấm tỉa dặm và bón phân thúc kịp thời để giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt; chú ý bón đủ và cân đối N, P, K và duy trì mực nước nông để lúa sinh trưởng thuận lợi, đẻ nhánh sớm.

+ Đối với cỏ dại:

- Làm ruộng bằng phẳng, ruộng khi phun thuốc cần đủ ẩm.

- Sử dụng các loại thuốc tiền nảy mầm như sofic 300EC, Sonic 300EC, Frefit 300EC, dibuta 60EC, Michelle 62EC… cần phun sớm từ 1-3 ngày sau sạ. Sau phun cần cho nước vào giâm chân, để giữ ẩm, tăng hiệu quả diệt cỏ.

- Các chân ruộng còn sót cỏ thì cần kiểm tra sớm và phun xử lý thuốc hậu nảy mầm như Fenrim18,5 WP, Quinix 32WP, TopShot 60OD, Nomine 10SC,… không để cỏ mọc lấn át lúa làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. Sử dụng thuốc cỏ hậu nảy mầm khi lúa có 2-2,5 lá thật và sau 1-2 ngày phải cho nước vào đắp bờ giữ nước.


   * Lưu ý:

+ Đầu vụ thời tiết rét lạnh, không xử lý thuốc cỏ hậu nảy mầm khi nhiệt độ thấp dưới 200C.

+ Tuyệt đối không phối trộn thuốc tiền nảy mầm và hậu nảy mầm để xử lý gây ngộ độc cho lúa.

+ Để sử dụng thuốc trừ cỏ hiệu quả, cần tuân thủ liều lượng và cách sử dụng đúng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.

- Những ruộng lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ (gốc to hơn bình thường, cây đùn lại, lá thô cứng và ngọn bị xoắn) hoặc những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ - vàng sinh lý thì cần thay nước từ 1 - 2 lần, sau đó bón bổ sung thêm phân DAP (1- 2kg/sào) và phun phân qua lá để lúa mau hồi phục.

+ Đối với ốc bươu vàng: Hiện nay, ốc bươu vàng đang gây hại trên lúa đại trà và sẽ tiếp tục gây hại trên lúa sạ muộn thời gian tới, cục bộ trên chân ruộng trũng sẽ có mật độ cao. Để hạn chế ốc phát sinh gây hại, tốt nhất nên áp dụng biện pháp thủ công: Diệt ổ trứng, nhặt, vợt bắt ốc trên ruộng, mương nước và tiêu diệt. Khi mật độ cao có thể dùng một số loại thuốc đặc hiệu như Pazol 700WP, VT-DAX 700WP… để phun trừ.

+ Đối với chuột:  Chuột hiện nay đang bắt đầu cắn phá mạnh, các địa phương cần tiếp tục xây dựng phương án diệt chuột xuyên suốt cả vụ bằng nhiều biện pháp như: đặt bẫy (bẫy lồng, bẫy kẹp, bẫy bán nguyệt...); đánh bả bằng thuốc sinh học, sinh hoá, hóa học (nên ưu tiên dùng bả sinh học). Khi đặt bẫy, bả cần chú ý đảm bảo an toàn cho người và động vật chăn thả.

+ Đối với tuyến trùng rễ:

Thời tiết lạnh kéo dài những diện tích không bón lót, ruộng khô nước thường xuyên, kiểm tra gốc rễ thấy có nốt sần, cây lúa kém phát triển. Ruộng bị nhẹ cần giữ mực nước 3-5cm trong ruộng kết hợp bón 1-2kg DAP/sào. Những diện tích bị nặng cần sử dụng thêm các loại thuốc rải như: SAT TRUNG DAN 5G kết hợp thêm phân bón lá để nhanh chóng phục hổi.

2. Đối với cây rau màu:

- Tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương sản xuất diện tích còn lại.

- Tỉa dặm, định cây để đảm bảo mật độ phù hợp trên đồng ruộng kết hợp với việc làm cỏ, xới xáo phá váng (sau mỗi đợt mưa) để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt.

- Bón phân thúc kịp thời,  tăng cường bón thêm phân kali, phân lân, hạn chế bón đạm, để tăng khả năng chống rét cho cây trồng.

- Tùy từng loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng, chú ý tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển.

- Về dịch hại, chú ý các đối tượng sau:

+ Sâu keo mùa thu: Khả năng sâu phát sinh gây hại nặng trên cây ngô trong vụ Đông Xuân 2023-2024 là rất lớn. Do vậy, đối với những địa phương có diện tích trồng ngô lớn, cần chủ động hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Ưu tiên các biện pháp thủ công như dùng bẫy bả, bẫy dính màu vàng có pheromone, bẫy vỏ chua ngọt hoặc bẫy đèn để tiêu diệt trưởng thành; Dùng bẫy cây trồng để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng, rồi tiêu diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng, tiêu diệt sâu trên bẫy cây trồng.

 

   Khi cần thiết sử dụng thuốc BVTV như: Hoạt chất Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron. Ví dụ  thuốc: Clever 300 WG; Dupont TM,  Ammate CR ; Match R 050EC; .... phun  khi sâu tuổi 1-2, phun 2 lần cách nhau 7-12 ngày, lượng nước phun 400-600 lít/ha, phun ướt hai mặt lá, phun vào chiều tối. 

+ Sâu ăn lá, cắn thân (sâu xám, sâu xanh, sâu khoang...): Khi mật độ thấp nên dùng biện pháp thủ công như thu bắt, ngắt ổ trứng... ; chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ khi sâu có mật độ cao (phun khi sâu tuổi nhỏ). Có thể dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun trừ.

+ Bệnh lở cổ rễ: Theo dõi và phát hiện bệnh sớm, nếu bệnh phát sinh gây hại nên dùng một trong các loại thuốc sau để phun trừ: Monceren 250SC, Validacin 3L, 5L, Anvil 5 SC,...

+ Bệnh giả sương mai trên cây họ bầu bí (khổ qua, dưa leo, bầu, bí...): Cần ngắt bỏ các lá già, lá gốc, bộ phận bị bệnh để hạn chế lây lan. Khi có bệnh gây hại, dùng các loại thuốc có hoạt chất Metalaxyl (Mataxyl 25WP, Ridomin Gold 68 WG…) hoặc Aliette 800WG để phòng trừ.

+ Bệnh héo rũ vi khuẩn: Nên tăng cường các biện pháp canh tác (thoát nước, xới váng, tiêu huỷ cây bị bệnh...), có thể phun phòng bằng các loại thuốc như: Kasumin 2L, New Kasuran 16.6 BTN, Xanthomix 20WP, Staner 20WP...

* Lưu ý: Đối với các loại rau đậu thực phẩm, chỉ sử dụng các loại thuốc được phép sử dụng trên cây rau và lưu ý thời gian cách ly của thuốc để sản phẩm rau thu hoạch đảm bảo an toàn.