Kinh tế - xã hội phát triển thể hiện rõ nhất qua các chỉ tiêu như: tổng thu ngân sách, tổng vốn đầu tư xã hội, việc làm tăng thêm và thu nhập người dân...Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (chỉ tính thu nội địa) đã lên trên ngàn tỉ đồng. Với kết quả này, Thị xã Điện Bàn trở thành địa phương tự cân đối ngân sách và nộp về trên 48% các khoản phân chia theo luật định. Dòng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tiếp tục tăng khá. Cùng với hàng trăm tỉ đầu tư công của các dự án đường cao tốc (đoạn qua Thị xã), đường tỉnh, đường thị xã; là hàng ngàn tỉ đồng vốn các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng tại các khu dân cơ đô thị Đất Quảng Green city, Khu đô thị An Phú Quý, Khu dân cư số 4 mở rộng, Khu dân cư số 6 Vĩnh Điện, Khu Du lịch Sông Hàn, Câu lạc bộ biển Blush... Nhiều nhà máy lớn tại Khu và Cụm công nghiệp đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho mới cho 5.850 lao động. Chính sách người có công và an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 37,5 triệu đồng, hộ nghèo năm 2016 chỉ còn 2,75%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, đến nay có 13/13 xã hoàn thành mục tiêu và Điện Bàn là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Nam được Chính phủ công nhận Thị xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế giáo dục có nhiều khởi sắc. Mục tiêu trường chuẩn quốc gia được nâng lên ở các cấp học. Chỉ trong một năm, với sự hỗ trợ của tỉnh và bằng nỗ lực của địa phương đã xây dựng mới 3 trường Trung học Cơ sở và kịp thời đưa vào dạy học, đồng thời dời chuyển trường Trung học Phổ thông Nguyễn Khuyến về khu vực Điện Thắng đảm bảo sự phân bố hợp lý mạng lưới trung học phổ thông khu vực phía bắc Thị xã. Trong năm, đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao cơ sở, đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học "Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc Ngữ" làm tiền đề cho việc công nhân di tích cấp quốc gia và hình thành điểm du lịch mới...
Bước vào năm kế hoạch 2017, với thuận lợi là vùng kinh tế trọng điểm phía bắc Quảng Nam, Thị xã Điện Bàn luôn tạo điều kiện hấp dẫn thu hút đầu tư. Nhiều dự án dân cư đô thị, phát triển nhà ở tiếp tục triển khai tại Vĩnh Điện, Điện An, Điện Thắng, các phường vùng Đông... Dự án nạo vét sông Cổ Cò đã được Chính phủ đồng ý triển khai; Dự án đô thị động lực với nguồn vốn ODA, Dự án tăng trưởng xanh được xúc tiến. Bên cạnh đó, tỉnh đã thống nhất một số cơ chế đặc thù cho Thị xã như hỗ trợ đầu tư xây dựng đường dẫn và cầu mới qua sông Vĩnh Điện, tăng thêm nguồn vốn sự nghiệp kiến thiết thị chính, vốn sự nghiệp môi trường, vốn đầu tư có mục tiêu... Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách mới, điều hành ngân sách trên tinh thần tự chủ với cơ chế về phân cấp nguồn thu, xác định nhiệm vụ chi và định mức chi công khai, minh bạch, hướng về cơ sở, tạo thế chủ động và động lực mới phát triển Thị xã.
Bên cạnh thuận lợi trên, Thị xã Điện Bàn cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Hạ tầng đô thị còn thiếu trong khi nguồn đầu tư chưa đáp ứng; thu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thuế tài nguyên, kinh doanh vận tải còn yếu; công tác tái cơ cấu nông nghiệp rất khó khăn; giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc do cơ chế chính sách chậm được tháo gỡ; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quản lý tài nguyên, khoáng sản kiểm soát chưa chặt chẽ. Thu gom rác chưa đáp ứng, nhu cầu sử dụng nước sạch, nhất là vùng Đông chưa được giải quyết. Thiết chế văn hóa-y tế-giáo dục cho đô thị vùng Đông chưa đảm bảo kịp theo sự gia tăng dân số cơ học; phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chưa đi vào chiều sâu; tội phạm, trộm cắp, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng. Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ trong các cơ quan công quyền chưa đề cao, vai trò người đứng đầu một số cơ quan còn thụ động, thủ tục hành chính còn rườm ra, tỉ lệ hồ sơ đất đai trễ hẹn...
Trước thời cơ và thách thức đó, các cấp, các ngành cần hoạch định và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Căn cứ Nghị quyết Hội đồng nhân dân trên tinh thần tự chủ về ngân sách, Ủy ban nhân thị xã tập trung một số giải pháp trọng tâm như sau:
Nuôi dưỡng nguồn thu, tăng thu ngân sách, huy động nguồn lực xã hội là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm chủ động nguồn lực thực hiện các mục tiêu kinh tế -xã hội, an ninh-quốc phòng trên địa bàn theo kế hoạch. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư kinh doanh, đăng ký hoạt động và nộp thuế tại địa phương. Ngay từ đầu năm thị xã có chương trình làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản để xác định nghĩa vụ. Rà soát các dự án đầu tư công do Trung ương, tỉnh quản lý để thu thuế vãng lai xây dựng cơ bản. Gắn việc quy hoạch bến bãi, kiểm soát trữ lượng khai thác tài nguyên khoáng sản (chủ yếu là cát, sạn) với thu thuế và phí tài nguyên. Điều tra khảo sát hộ tổ chức cá nhân kinh doanh vận tải để lập bộ thu. Thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu nợ đọng thuế, thu tiền nợ sử dụng đất...
Giải pháp huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị theo hai hướng chính: Những khu vực thuận lợi, khuyến khích chính quyền địa phương làm chủ đầu tư bằng nguồn vận động hoặc khai thác quỹ đất. Những khu vực ảnh hưởng nhiều đến giải phóng mặt bằng hoặc cần vốn lớn thì tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp làm chủ đầu tư theo hình thức Dự án phát triển đô thị (theo Nghị định 11/2013/NĐCP) hoặc Dự án phát triển nhà ở (theo Nghị định 99/2015/NĐCP).
Tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng trong ngắn hạn và dài hạn của cả hệ thống chính trị, là biện pháp cơ bản trong thu hút đầu tư. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy giải phóng mặt bằng (GPMB) cấp tỉnh và Thị xã, đồng thời kiến nghị tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế GPMB phù hợp với thực tiễn, trong đó giải quyết đảm bảo nhu cầu đất tái định cư cho người dân. Các cấp các ngành quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân tinh thần Chỉ thị 03 của Tỉnh ủy Quảng Nam và Chỉ thị 06 của Thị ủy Điện Bàn về đẩy mạnh công tác GPMB. Công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc đất đảm bảo tính công khai, minh bạch và đúng nguyên tắc. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong công tác GPMB – tái định cư để quần chúng nhân dân noi theo.
Đầu tư từ ngân sách phải đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực lan tỏa. Khẩn trương GPMB để tỉnh thi công xong trong năm 2017 các dự án ĐT 607 (gói 4), ĐT 605, ĐT 609. Đây là các dự án giao thông kết nối Đà Nẵng-Hội An, kết nối hành lang Đông-Tây trong hệ thống cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Tiếp tục triển khai Dự án nạo vét sông Cổ Cò để đẩy nhanh các dự án du lịch, dự án dân cư đô thị hai bờ. Thị xã tập trung nguồn lực cho ĐH 14 (đường và cầu mới qua sông Vĩnh Điện), đường ĐH6, đường trung tâm Vĩnh Điện-Điện An...để tạo động lực thu hút các dự án phát triển nhà ở từ Vĩnh Điện ra Điện Thắng Bắc.
Hoàn chỉnh hạ tầng Cụm công nghiệp An Lưu để giao đất sạch cho doanh nghiệp, hoàn thành bãi tắm Viêm Đông đưa vào khai thác. Triển khai dự án Trung tâm Thể dục thể thao bắc Quảng Nam theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để sớm có được một sân vận động ngang tầm Thị xã. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để xây dựng một trường trung học phổ thông tại khu vực trung tâm đô thị xứng tầm cho vùng đất học Quảng Nam...
Trong nông nghiệp-nông thôn, sẽ sơ kết các đề án bê tông kênh mương, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi đất màu để có điều chỉnh hợp lý gắn với điều kiện nguồn lực trong giai đoạn mới nhằm đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp. Chủ động vốn đối ứng để doanh nghiệp triển khai điểm dự án cung cấp nước sạch theo tinh thần Nghị quyết 180 của tỉnh cho các xã phường dọc trục QL 1A, ĐT 608, 609; chuẩn bị điều kiện để tư nhân xây dựng nhà máy đốt rác.
Cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm công vụ của công chức gắn với thi tuyển công chức và tinh giảm biên chế.
Năm 2017, tỉnh chọn Điện Bàn triển khai điểm Trung tâm hành chính công cấp huyện thị trực thuộc tỉnh. Thị xã kiện toàn tổ chức bộ máy, giải quyết tốt thủ tục hành chính với doanh nghiệp, thủ tục đất đai và cấp phép xây dựng... Tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt nam ISO 9001-2008 đến tất cả các cơ hành hành chính và sự nghiệp thuộc Thị xã. Các ngành và địa phương phải triển khai chương trình công tác trọng tâm của ngành, địa phương mình; trong đó có kế hoạch kiểm tra, giám sát nội bộ và của cấp trên đối với cấp dưới. Điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn chấm điểm thi đua sát thực tiễn nhằm động viện phong trào.
Năm 2017 là năm kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, kỷ niệm hai mươi năm ngày tái lập tỉnh Quảng Nam, mỗi tổ chức, cá nhân cần có hành động cụ thể thiết thực để thể hiện tấm lòng tri ân đối với sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với nước. Việc xây dựng kế hoạch ngân sách phải dành khoản chi thích đáng cho công tác tu tảo phần mộ liệt sĩ, nâng cấp các nghĩa trang cũng như hỗ trợ thêm cho gia đình chính sách và người có công. Kỷ niệm hai mươi năm ngày tái lập tỉnh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để chào mừng, tránh khoa trương hình thức, lãng phí. Trên cơ sở nguồn thu, sẽ có điều chỉnh hợp lý nhằm triển khai sớm hơn trường lớp cũng như các thiết chế văn hóa - y tế- giáo dục cho vùng Đông. Sớm hình thành Quỹ và Giải thưởng vinh danh tài năng là những con em Điện Bàn đạt thành tích cao trong học tập, giảng dạy để thắp sáng truyền thống hiếu học quê hương.
Năm 2017 cũng là năm triển khai diễn tập quân sự 5 xã phường và cấp Thị xã, đồng thời cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết của HĐND Thị xã về "Nâng cao chất lương hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; củng cố xây dựng lực lượng nòng cốt về ANTT ở cơ sở giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Thị xã". Đảng ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể hết sức quan tâm về nguồn lực triển khai có hiệu quả Nghị quyết này để Điện Bàn phát triển nhanh về kinh tế xã hội, ổn định về an ninh trật tự, an toàn xã hội./.