Hồ hỡi
Cánh đồng Ngọc Tứ (Điện An) buổi sáng một ngày đầu năm 2017 bỗng đông vui nhộn nhịp, tiếng nói cười, í ới gọi nhau vang vọng trên những thửa ruộng kéo dài tít tắp. Niềm vui phấn khích của bà con không phải vì thời tiết đã bắt đầu nắng ráo sau những ngày mưa lạnh lê thê mà là tâm trạng phấn khởi cho một khởi đầu trên những vuông ruộng mới sau quá trình cải tạo, dồn điền đổi thửa. Vừa sửa lại những ngành gồ ghề trên đám đất của mình, anh Ngô Văn Tư, khối phố Ngọc Tam hào hứng khoe: “Bây giờ làm khỏe hơn trước nhiều lắm vì ruộng đất tôi đã được tập trung vào một đám bằng phẳng, nên sẽ tiện lợi cho việc gieo cấy mùa vụ tới”. Trước đây, nhà anh Tư có gần 2 sào ruộng chia thành 3 thửa nằm ở 3 nơi. Mỗi khi đến mùa vụ gieo cấy hoặc thu hoạch anh phải tất bật đến từng đám, vừa tốn công sức nhưng hiệu quả không cao. Sau khi dồn điền đổi thửa, diện tích đất ruộng của anh gom vào một đám vuông vức, rất thuận tiện cho việc canh tác cũng như vận chuyển chăm bón, điều này đã mang đến cho anh sự hào hứng, kỳ vọng về một vụ mùa tươi tốt.
Tại cánh đồng Ngọc Tứ , đến nay đã có 13 hecta được dồn điền đổi thửa và giao đất cho dân sản xuất. Theo ông Hà Phước Ca – Trưởng khối phố Ngọc Tứ, hiệu quả của “Dồn điền đổi thửa” mang lại rất tích cực. Trong đó, lợi ích trước mắt là nông dân đỡ công vận chuyển, do phương tiện vận chuyển lúa thóc về nhà đã trở nên dễ dàng, do vậy dân rất đồng tình. “Tuy cũng có một số vướng mắc nhỏ lẻ như đám cao đám thấp, đám gần đám xa, nhưng cái được nhất của dồn điển đổi thửa là người dân đã đồng lòng với chủ trương của nhà nước, nhất là sự thuận tiện trong việc chăm bón đồng ruộng và vận chuyển vật tư”, ông Ca chia sẻ.
Cánh đồng Ngọc Tứ chỉ là một trong số các điển hình dồn điền đổi thửa hiện nay của phường Điện An. Theo kế hoạch, từ đây đến năm 2020, Điện An sẽ dồn điền đổi thửa khoảng 105 hec ta trên tổng số 500 hecta đất lúa của phường, chủ yếu tập trung ở 6 khối phố là Ngọc Tứ, Ngọc Tam, Phong Nhất, Phong Nhị, Câu Nhi Đông, Bằng An Tây và Bằng An Đông. Ông Trần Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBDN phường Điện An khẳng định, hiệu quả của dồn điền đổi thửa chính là hạn chế sự manh mún nhỏ lẻ trong sản xuất canh tác, qua đó thúc đẩy năng suất lúa cao hơn. “Trước đây mỗi hộ có từ 3 – 4 thửa ruộng nay mình chỉnh trang đồn điền chỉ còn một thửa duy nhất, rộng rãi theo ô bàn cờ, phù hợp cho cơ giới hóa, hạn chế được công sức, đầu tư của nông dân”, ông Sơn nói.
Thực tế, tại thị xã Điện Bàn, đến nay các xã như Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung, Điện Phước, Điện Hòa… việc triển khai dồn điền đổi thửa đã mang đến những kết quả khá tích cực. Tại Điện Phước, việc triển khai dồn điển đổi thửa bắt đầu năm 2013, qua hơn 3 năm đã có trên 220 hecta trong số 520hecta đất của xã dã dồn điển đổi thửa hoàn thành đi vào sản xuất. Ông Trần Văn Định – Chủ tịch UBND xã Điện Phước khẳng định, hiệu quả của dồn điền đổi thửa mang lại cho người dân là không bàn cãi, nhất là trong việc quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, bố trí lại sản xuất để gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Đặc biệt, hiệu quả về năng suất tăng khá rõ rệt so với trước đây, ước tính tăng khoảng trên 30% giá trị. “Từ thành công trên, phấn đấu đến năm 2020, Điện Phước sẽ cơ bản sẽ hoàn thành dồn điền đổi thửa trên toàn xã”, ông Định chắc chắn.
Hướng đến cánh đồng mẫu lớn.
Tính đến năm 2016. Điện Bàn đã dồn điền đổi thửa được khoảng 900ha trong tổng số 5.650ha đất lúa và đã hình thành 32 mô hình cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất hạt giống lúa thuần, lúa thương phẩm chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Riêng năm 2016, toàn thị xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa trên 205 hecta, chủ yếu tập trung vào các xã, phường Điện An, Điện Phước, Điện Thắng Nam, Điện Nam Bắc, Điện Thọ, Điện Quang, Điện Hòa và Điện Thắng Trung. Theo ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, trong giai đoạn 2017 - 2020, thị xã đặt ra mục tiêu dồn điền đổi thửa thêm 2.600ha đất lúa. Riêng năm tới sẽ triển khai thực hiện 700ha tại 16/20 xã, phường (trừ Vĩnh Điện, Điện Dương, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam). “Phải khẳng định là công tác dồn điền đổi thửa đã mang lại hiệu quả cao trong quy hoạch đồng ruộng, tổ chức sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên đơn vị diện tích. Cùng với đó, sức lan tỏa của công tác dồn điền đổi thửa ngày càng rộng khắp trong nhân dân. Hầu hết người dân tham gia sản xuất trên diện tích đã được dồn điền, đổi thửa đều hài lòng và phấn khởi vì mức độ thuận tiện và hiệu quả trong sản xuất” ông Chơi khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Định, mặc dù có những thuận lợi như cơ chế Quyết định 23 của tỉnh hay Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã gắn với dồn điền đổi thửa…nhưng quá trình triển khai vẫn có những khó khăn nhất định như sự hỗ trợ của nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu dồn điền đổi thửa do đầu tư cho quá trình này tương đối lớn. Ngoài ra, vấn đề sản phẩm đầu ra của nông nghiệp cũng có những khó khăn, tác động đến dồn điền đổi thửa…. Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Văn Sơn thừa nhận, một trong những vướng mắc chính là sự đồng thuận của nhân dân, nhất là những hộ dân có đất nằm trong vùng dự án. “Chúng tôi phải tổ chức họp dân liên tục để thuyết phục, vì nói như dân là bao nhiêu năm nay cần gì dồn điền đổi thửa họ vẫn làm ăn canh tác tốt, bây giờ dồn điền đổi thửa chưa biết thế nào, chưa kể một số hộ có đất gần vùng dự án lưỡng lự vì nếu sắp xếp phân chia lại họ sẽ mất quyền lợi khi dự án triển khai nên mình phải tuyền truyền vận động rất nhiều”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi, việc dồn điền đổi thửa dù ở một vài nơi vẫn có những tồn tại hạn chế như chưa đi đôi với quy hoạch hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, nguồn kinh phí ít… nhưng không phủ nhận việc quy hoạch sắp xếp tập trung lại diện tích đất sẽ tạo điều kiện cho quy hoạch hạ tầng và phát huy được đầu tư của hạ tầng. Đặc biệt, tạo điều kiện cho bà con nông dân có điều kiện thâm canh canh tác…. “Trước đây kinh phí dồn điển đổi thửa tỉnh chỉ ưu tiên cho việc chỉnh trang đồng ruộng cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn bây giờ mình cũng đã lồng ghép trong chương trình nông thôn mới. Sắp tới thị xã sẽ lồng ghép trong chương trình hỗ trợ đất lúa để đến năm 2020 sẽ dồn thêm khoảng 2500 hecta nữa. Mục đích hướng đến là tạo điều kiện cho bà con nhân dân tập trung sản xuất hạ giá thành sản phẩm và xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tăng sức cạnh tranh”, ông Chơi cho biết.