Năm 2009, HTX NN Điện Quang đã đi trước cả nước khi mạnh dạn thực hiện dịch vụ bảo hiểm chăn nuôi bò cho nông dân trên địa bàn của xã. Đa số nông dân ở vùng Gò Nổi, chăn nuôi bò là nguồn thu nhập chính. Mọi thứ trang trải chi phí gia đình chủ yếu từ nuôi bò, song tiềm ẩn nhiều rủi ro vì bò dễ bị dịch bệnh, bản thân người nuôi rất khó chữa trị. Với dịch vụ bảo hiểm này, mức phí bảo hiểm mỗi con bò chỉ dưới 150 ngàn đồng. Phía HTX lo về tiêm phòng, chữa bệnh. Trường hợp bò bị chết do dịch bệnh, HTX đứng ra đền bù 80% giá trị, qua đó, giúp người chăn nuôi có vốn tiếp tục tái đàn.
Gia đình anh Trần Kim Tám ở thôn Phú Tây là một trong những hộ dân tham gia gói dịch vụ bảo hiểm cho bò, cho biết: Định kỳ 4 tháng 1 lần, đàn bò của gia đình anh được các cán bộ thú y của HTX đến kiểm tra, chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Bên cạnh đó, công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại được thực hiện thường xuyên nên suốt nhiều năm qua đàn bò của gia đình anh phát triển rất tốt, dịch bệnh không còn xảy ra như trước.
Thấy được lợi ích của loại hình dịch vụ này, hằng năm HTX hợp đồng bảo hiểm từ 2.300 đến gần 3.000 con bò, chiếm trên 80% tổng đàn bò của xã. Chính từ khi mô hình này ra đời, nhiều năm qua ở Điện Quang không còn xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, người chăn nuôi yên tâm phát triển đàn bò.
Trong bối cảnh các HTX nông nghiệp trong cả nước hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến giải thể thì HTX NN Điện Quang tiếp tục được củng cố và mở rộng các dịch vụ mới, làm tốt vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ nông dân. Theo ông Nguyễn Đức Thành, giám đốc HTX: Việc mang lại lợi ích cho nông dân là mục đích duy nhất mà HTX luôn vươn tới. Tất cả 16 loại dịch vụ mà HTX đang triển khai như hiện nay đều xuất phát từ yêu cầu này và được tính toán trên cơ sở nhu cầu thực tế của nông dân. Đối với con vật nuôi là bò và heo đã có dịch vụ bảo hiểm - thú y trọn gói, thì trong trồng trọt, HTX đảm nhiệm các dịch vụ như thủy lợi, kinh doanh phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, bảo hiểm sâu bệnh, diệt chuột, kéo sạ hàng. Từ vụ đông xuân 2012-2013, HTX bắt đầu đưa cánh đồng Long Hội chuyên canh tác cây màu vào sản xuất tập trung luân canh hằng năm theo công thức "vụ bắp đông xuân - vụ đậu xanh xuân hè - và vụ bắp nếp thu đông", áp dụng các giải pháp kỹ thuật về giống, chăm sóc, bảo vệ thực vật, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Cũng từ năm 2013, HTX xây dựng cánh đồng lớn đối với sản xuất lúa, áp dụng phương pháp "3 giảm, 3 tăng", tổ chức các đội dịch vụ kéo sạ hàng, bảo vệ thực vật, diệt chuột, máy thu hoạch lúa, máy sấy nông sản... Qua đó giảm mạnh chi phí lao động và thời gian lo đồng áng của nông dân vốn đang có xu hướng là lao động già, mà hiệu quả kinh tế lại tăng lên.
Ông Cao Thanh Liêm ở thôn Phú Đông cho rằng: HTX có vai trò quan trọng, là chỗ dựa của nông dân, phát huy được vai trò bà đỡ, liên kết với các công ty tạo ra nhiều cây trồng mới cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi yếu tố quan trọng nhất trong chuỗi làm ăn của nông dân là đầu ra cho nông sản. Đây là vấn đề mấu chốt cần giải quyết trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, HTX đã và đang tổ chức thành những khâu dịch vụ quan trọng. Có thể kể đến những dịch vụ được nông dân đón nhận như liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa, bắp, đậu xanh, ớt, dưa hấu; Dịch vụ sấy gia công các loại nông sản; Dịch vụ giết mổ gia súc gia cầm tập trung và tiêu thụ gia súc, gia cầm; Dịch vụ chế biến dầu phụng đóng chai mang thương hiệu "Đất Quảng" với 100% tinh chất từ đậu phụng. Cùng với đó, HTX còn tổ chức nhiều dịch vụ khác khá đa dạng, phong phú, có cơ sở chiến lược kinh doanh hiệu quả như: Dịch vụ sấy gia công các loại nông sản; Dịch vụ môi trường, thu gom rác thải với trên 90% số hộ trong xã tham gia; dịch vụ chế biến phân bón hữu cơ; Dịch vụ kinh doanh điện quy mô toàn xã; Quản lý chợ nông thôn… và hiện nay HTX tiếp tục hình thành một số mô hình mới như : Xây dựng lò ấp giống gia cầm phục vụ cho người chăn nuôi trong và ngoài xã; kinh doanh xăng dầu; Mở trang trại chăn nuôi bò quy mô 2.000 con gắn với chợ cung cấp bò giống, thu mua bò thịt; Dịch vụ phát triển du lịch sinh thái, văn hóa làng quê. Đặc biệt, HTX Điện Quang là một sáng lập viên và tham gia góp vốn hình thành Quỹ tín dụng nhân dân Gò Nổi từ năm 2010, hoạt động như một ngân hàng ở nông thôn. Từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, đến nay, Quỹ tín dụng này có số vốn để cho vay trên 29,7 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn rất kịp thời và thuận lợi cho người dân trên địa bàn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế bền vững. Thực tế cho đến nay, tất cả các dịch vụ của HTX Điện Quang đều duy trì, phát triển. Hiện Quỹ tín dụng của HTX có tổng nguồn vốn gần 13,8 tỷ đồng, doanh thu trên 9,7 tỷ đồng, với lợi nhuận 230 triệu đồng/ năm.
Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ông Phan Minh Dũng khẳng định, HTX nông nghiệp Điện Quang nằm trong tốp đầu của thị xã, mặc dù thu nhập tài chính của HTX không lớn, nhưng quan trọng nhất là hướng đến vấn đề tăng thu nhập cho người nông dân.
Có thể nói, sự thích nghi chuyển đổi hoạt động của HTX trong những năm qua là chỗ dựa tin cậy của nông dân khi làm tốt vai trò "bà đỡ" đối với kinh tế hộ. Nhờ đó tại xã Điện Quang, giá trị thu nhập bình quân mỗi hecta canh tác từ 78 triệu đồng (năm 2010) nâng lên 115 triệu đồng năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã từ 12 triệu đồng lên 26,4 triệu đồng, gấp hơn 2 lần 5 năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo từ 18,3% năm 2010 nay chỉ còn 3,43%.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: HTX Điện Quang đã đóng vai trò là cầu nối giữa nông dân với thị trường, mở rộng các khâu dịch vụ vừa để phục vụ nông dân vừa mang lại lợi ích cho nông dân.
Có thể khẳng định, những năm qua hoạt động của HTX nông nghiệp Điện Quang đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hỗ trợ cho kinh tế hộ trong khâu dịch vụ đầu vào và đầu ra của sản xuất, làm tốt các khâu mà từng hộ thành viên không thể làm được, mở rộng dịch vụ mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, HTX cùng chính quyền địa phương tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, triển khai các chương trình của ngành nông nghiệp, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, HTX nông nghiệp Điện Quang đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Nam, liên minh HTX tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua.
|