Với mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, Hội khuyến học thị xã đã động viên và hằng năm duy trì việc phát thưởng, cấp học bổng cho các em sinh viên, học sinh con nhà nghèo vượt khó học tập tốt, tuyên dương các em học hành thành đạt, đỗ đạt bằng cấp cao. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thị xã đến cơ sở đã xác định phong trào khuyến học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của địa phương. Nhiều doanh nghiệp, nhiều cá nhân hằng năm đã duy trì việc hỗ trợ quỹ khuyến học, hỗ trợ giúp đỡ các trang thiết bị dạy và học, xây dựng trường lớp để các trường học sớm đạt chuẩn quốc gia.
Ông Trần Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã cho biết: Từ thị xã đến cơ sở đã lựa chọn những người có uy tín, có tâm huyết với sự nghiệp trồng người để cử vào các BCH Hội khuyến học, đặc biệt là những cán bộ về hưu. Cán bộ làm công tác khuyến học là những người “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến từng cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để vận động quỹ. Nhờ vậy mà quỹ khuyến học của thị xã Điện Bàn hiện nay lên tới 9,2 tỷ đồng, trong đó quỹ khuyến học do thị xã quản lý là 1,9 tỷ đồng, các hội khuyến học xã, phường, thôn, khối phố, tộc họ quản lý 7,3 tỷ đồng. Số tiền quỹ qua từng năm đều tăng và được gửi vào ngân hàng để lấy lãi phát thưởng khuyến học hàng năm. Tiêu biểu như xã Điện Phước có số quỹ khuyến học trên 1,8 tỷ đồng, xã Điện Hồng có số quỹ 1,3 tỷ đồng và Điện Trung 1,2 tỷ đồng.
Trong phong trào khuyến học nỗi lên nhiều tấm gương sáng như ông Phạm Phú Phát người con của quê hương Điện Phước đang làm ăn sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh đã ủng hộ cho quỹ khuyến học xã 1 tỷ đồng gửi vào Ngân hàng để hàng năm lấy lãi cấp phát học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Gia đình liệt sỹ Nguyễn Việt Hùng, người dân thôn Tân Mỹ, xã Điện Minh đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh đã lập quỹ “ Quỹ học bổng Nguyễn Việt Hùng” hàng năm gửi về quê 140 triệu đồng để phát thưởng, cấp học bổng cho các em học sinh, sinh viên ở xã Điện Minh, Điện Nam Trung, Điện Hòa, Vĩnh Điện, Điện An. Ông Lê Trí Tập nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã tài trợ quỹ khuyến học 300 triệu đồng cho trường TH Cao Bá Quát, Ông Lê Văn Hinh nguyên giám đốc sở giao thông vận tải Quảng Nam – Đà Nẵng hỗ trợ khuyến học 250 triệu đồng cho trường THCS Ông Ích Khiêm.

Khuyến học Điện Bàn đã có nhiều mô hình hoạt động khá tốt như: Tộc Phạm – Làng La Qua đã xây dựng được “vườn cây tiến sĩ” ngay trong khuôn viên nhà thờ tộc và hàng năm duy trì việc cấp bằng vinh danh cho các cháu tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; hay trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, xã Điện Minh duy trì được “ Quỹ học bổng Nguyễn Việt Hùng”. Điện Bàn cũng rất trân trọng với những con người làm khuyến học hết sức nhiệt tình như ông Phan Văn Ba, nguyên chủ tịch Hội khuyến học thị xã, ông Nguyễn Văn Thừa, chủ tịch Hội khuyến học xã Điện Minh làm một điểm sáng “cả nhà tham gia khuyến học”, mỗi năm 5 người con của ông duy trì đóng góp cho quỹ khuyến học 80 triệu đồng, hay ông Võ Nga, chủ tịch Hội khuyến học xã Điện Phước, ông Đặng Kim Danh, chủ tịch Hội khuyến học xã Điện Trung, ông Trương Minh, chủ tịch Hội khuyến học xã Điện Thọ...
Gần đây, Điện Bàn còn triển khai sâu rộng quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Thị xã thành lập ban vận động do đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, xây dựng kế hoạch trong năm 2015 chọn 2 xã Điện Minh, Điện Phước làm điểm. Năm 2016 triển khai ra toàn thị xã, với 20 xã, phường đăng ký học tập suốt đời. Về thôn, khối phố đã có 171/182 thôn, khối đăng ký đạt 93,95% với 41.000/48.000 hộ, đạt 85,4%. Mỗi xã, phường, thôn, khối phố, mỗi tộc họ đều chọn số gia đình hiếu học để làm điểm triển khai bộ tiêu chí “Gia đình, dòng học, cộng đồng học tập suốt đời”. Vừa qua, thường trực Ban vận động tỉnh đến kiểm tra, khảo sát việc thực hiện QĐ 281-QĐ/TTg ở phường Vĩnh Điện, tộc Phạm – La Qua ( Điện Minh) và có nhận xét ở những nơi này triển khai thực hiện khá tốt, đặc biệt là phát động ra toàn dân, làm cho mỗi gia đình xác định được việc học tập suốt đời là việc làm có ý nghĩa.
Mỗi người tự chọn cho mình một phương thức học tập phù hợp với mọi lứa tuổi, học trong sách vở, học trong nhà trường, học trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là học trong thực tế cuộc sống, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, đưa mạnh phong trào học tập suốt đời đi vào cuộc sống. Ông Phạm Trọng Hường tộc trưởng tộc Phạm – La Qua khẳng định “ Học tập suốt đời là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi gia đình và cộng đồng, nhưng muốn phong trào đi vào chiều sâu, bền vững thì đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền phải đặc biệt quan tâm, phải ra tay vào cuộc. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác khuyến học phải tận tâm, nhiệt tình giải thích, động viên các tầng lớp nhân dân nắm vững chủ trương và hàng năm gắn việc công nhận gia đình văn hóa với công nhận gia đình học tập suốt đời”.