Ở các trại giam vùng như Đà Nẵng, anh em thường tổ chức dựa vào địa phương. Việc này có thuận lợi là người cùng quê dễ nhận biết ai có ưu, khuyết điểm ngoài đời cũng như khi bị bắt, có thể tin cậy. Lúc đầu sinh hoạt đơn tuyến, sau đó lần lượt được sinh hoạt tổ, mỗi tổ không quá 3-4 đảng viên. Nhưng khi bị đày ra đảo, mỗi phân khu giam gồm nhiều vùng khác nhau (vùng 2, 3, 4): Pleiku- Biên Hoà, Cần Thơ- Phú Tài do địch xáo trộn, nhưng cuối cùng cũng nhận biết nhau, tập họp nhau thành một liên chi hoặc Đảng uỷ để thống nhất lãnh đạo, thống nhất chủ trương, thống nhất mục tiêu, thống nhất hành động, thống nhất phương châm, phương pháp và khẩu hiệu đấu tranh, biện pháp ứng phó, không một phân khu giam nào mà không có tổ chức Đảng. Toàn trại giam tù binh Trung ương ở đảo Phú Quốc có 40 phân khu ( mỗi khu có 4 phân khu: khu III đến khu XI; khu III gồm 36 khu và riêng khu I có 2 phân khu) có tổ chức Đảng.
Suốt quá trình khi ra đảo đến khi trao trả hầu như không có sự giả mạo và sau khi trao trả đều được Đảng cấp trên công nhận Đảng Tịch. Đồng chí nào có khuyết điểm đều tự giác tường thuật và chịu sự xử lý kỷ luật của Đảng và quân đội, ít có trường hợp dối trá, giấu giếm vì nhờ có tập thể trong tù giúp đỡ, phát hiện.
Ngoài tổ chức Đảng, trong tù để tập hợp lực lượng, nắm chắc quần chúng không để cho địch lôi kéo, chia rẽ, mua chuộc, dụ dỗ, còn có tổ chức Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, tổ chức đồng hương huyện, tỉnh, đồng hương kết nghĩa Bắc Nam theo từng tỉnh (khi Nam Bắc còn ở chung), qua giáo dục, thuyết phục đã cảm hoá một số có tinh thần lao động, tuyệt đại đa số là quần chúng tốt, rất trung kiên, luôn luôn phục tùng sự lãnh đạo của Đảng trong tù, nhiều anh em được kết nạp vào Đoàn, nhiều đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Sau khi trao trả, qua kiểm tra đều được công nhận Đảng Tịch, Đoàn Tịch cùng tuổi Đảng, tuổi Đoàn. Sau ngày giải phóng, họ đã trở thành những cán bộ nòng cốt ở cơ sở và huyện, tỉnh.
THANH BA