Nội dung chi tiết

HAI MƯƠI NĂM BỀN GAN TRANH ĐẤU
Tác giả: UBND Điện Bàn .Ngày đăng: 26/02/2009 .Lượt xem: 3970 lượt. [In bài]

NGUYỄN NHO KHIÊM

( Theo lời kể của Nguyễn Đức Xang, do Nguyễn Khá ghi ngày 3/2/1997)

Tại làng La Huân, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn lưu truyền bài thơ ca ngợi một chiến sĩ bất khuất suốt 20 năm tù đày tại Côn Đảo:

Vùng đất quê mình thật vẻ vang

La Huân truyền thống tiếp thêm trang

Nêu gương bất khuất nơi Côn Đảo

Vang vọng tinh thần Nguyễn Đức Xang

Tinh thần bất khuất sáng ngời, trái tim yêu nước đầy quả cảm của người con La Huân là niềm tự hào của quê hương Điện Bàn kiên cường, trung dũng.

Từ La Huân đến nhà lao Vĩnh Điện, Hội An, Đà Nẵng, Côn Đảo

Vào lúc 20 giờ ngày 17 tháng 7 năm 1955, các đồng chí Nguyễn Đức Xang, Phan Huyền, Nguyễn Diệm là những người được tổ chức Đảng phân công ở lại hoạt động hợp pháp, xây dựng cơ sở trong lòng bộ máy địch- tổ chức một cuộc họp mật tại bền xe của ông Thủ Tuế thuộc thôn Tây, bàn kế hoạch vận động nhân dân đứng lên đấu tranh đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước, theo nội dung hiệp định Giơ-ne-vơ đã ký kết.

Sáng ngày 18.7.1955, các đồng chí tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đồng loạt ký vào bản kiến nghị đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Các kiến nghị này được gửi ngay đến Khu hành chính Kỳ Lam và lập tức chính quyền địch vô cùng hoảng sợ “Tất cả dân La Huân đi theo cộng sản rồi “ . Không thể để “mất dân“, ngày 20 tháng 7 năm 1955, chúng tập trung dân về sân trường Đông Hòa để tuyên truyền, thuyết phục, dọa dẫm và xuyên tạc Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đợt học tập này, chúng dự kiến làm 5 ngày, nhưng chỉ mới 2 ngày đành giải tán vì... chung quanh hội trường các “học viên“ thay phiên nhau “phóng uế “ , không thể bụm mũi mãi.

Tiếp theo, chúng mở chiến dịch lùng bắt Cộng sản nằm vùng: bắt Liên gia trưởng Trần Tiến ( xóm Tam Bửu), bắt trật tự viên Nguyễn Văn Yên ( thôn Tây), hai người này là do ta cài vào hàng ngũ địch. Ngày 21 tháng 7, chúng lùng bắt Nguyễn Diệm và Nguyễn Đức Xang. Chính quyền Khu hành chính Kỳ Lam tức tối: “Chúng mày đã bị bắt vì tội tổ chức dân chúng theo Cộng sản, chúng mày sẽ bị giải về quận trị tội “ , Khu hành chính Kỳ Lam cho 2 người áp giải về nhà lao quận tại Vĩnh Điện. Sau khi giam tại đây, không khai thác gì thêm, đích thân quận trưởng Nguyễn Đình Nhung gặp đồng chí Nguyễn Diệm và đồng chí Xang tiếp tục tra tấn, đành bất lực: “Quyền hạn của quận giới hạn quá, giải các anh về tỉnh thôi! “ .

 “Lên tỉnh“ là bắt đầu bước vào cõi trần ai. Đến Hội An ngay lập tức chúng ký lệnh tống giam “ hai tên ngoan cố “ vào nhà lao. Nữa tháng nếm mùi nhà lao, cánh cửa Ty Công an bắt đầu khảo tra:

- Ai tổ chức kiến nghị đấu tranh đòi hiệp thương?

- Những ai là cán bộ kháng chiến cũ nằm lại hoạt động?

- Các ông là Cộng sản phải không?

Đổ nước xà phòng vào miệng, tra điện, treo hai tay lên xà nhà... là những đòn tra tấn dã man mà đồng chí Xang cắn răng chịu đựng. Mỗi lần tra hỏi, biên bản hỏi cung đều chỉ có 2 chữ “ không biết “ . Với bản hỏi cung như vậy làm sao kết án? “Tù chính trị đặc biệt“ là lời kết về đồng chí Xang và bị giam vào phòng cầm cố biệt lập ( phòng số 7, rộng 30 mét vuông, nhốt 80 người). Tù nhân phải nằm 4 lớp: dưới đất, trên sạp tre, hai lớp võng treo...

Ngày 20 tháng 7 năm 1956, nhà giam Kho đạn tại Đà Nẵng “ mở cửa tiếp nhận “ đồng chí Xang, tại đây đã có khoảng 200 người tù chính trị nhốt trong hai phòng. Càng “ lên cao “ , bọn chúng đối xử càng tồi tệ, anh em tù nhân tổ chức đấu tranh. Đồng chí Xang phân công phụ trách nhóm 12 người ở Điện Bàn và 3 người ở Hòa Vang, tổ chức đấu tranh dưới nhiều hình thức bảo vệ đời sống trong tù cho anh em.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1957, quản tù đùng đùng gọi tù nhân thức dậy, dùng dây trói 2 người vào một rồi đẩy họ lên xe. Có tổng cộng 175 tù nhân bị đẩy “ lên xe “ . Có tiếng la lớn “ Chúng mày đưa anh em đi đâu đây ? “ . Hỏi vậy, nhưng ai cũng biết rằng Côn Đảo “ địa ngục trần gian “ đang đợi họ. Xe chuyển bánh suốt chặng đường từ nhà giam đến cảng, tất cả tù nhân đều hô vang : “ Phản đối nhà cầm quyền da92y tù chính trị ra Côn Đảo “ . Đà Nẵng chìm trong giấc ngủ, gió se lạnh thổi vào từ biển nghe mát rượi làng da, chiếc xe lặng lẽ chạy vào hun hút màn đêm để lại phía sau những con phố thân quen của thành phố quê hương.

Hai ngày lênh đênh trên mặt biển. Nguyễn Đức Xang cùng với bạn chiến đấu Nguyễn Diệm nhìn nhau không nói nên lời. Bao khó khăn còn ở phía trước. Trước biển xanh, trước bầu trời mây trắng họ thầm hứa rèn luyện ý chí sắt gan. Con tàu xé sóng lầm lũi chạy, trong đôi mắt của bạn tù ai cũng chất chứa bao lo toan, nhưng không hề có chút hoảng sợ. Mỗi người, bọn chúng chỉ phát cho 2 ổ bánh mì và 2 tán đường đen để sống trong hai ngày. Nguyễn Đức Xang cầm chặt bàn tay Nguyễn Diệm, nói thầm: “ La Huân – Côn Đảo - Chiến đấu “ .

Chiếc tài kéo một hồi còi thảng thốt cập vào cầu tàu. Một cảnh tượng nhốn nháo như màn mở đầu của tấn bi kịch. Bọn “ đầu trâu mặt ngựa “ từ trong đảo đi ca nô ra nhảy lên tàu la hét “ xuống tàu “ , vừa nói chúng, vừa đá, vừa đạp, vứt tù nhân xuống nước bắt lội vào bờ. Một thằng trong bọn chúng vỗ ngực: “ Đây là Côn Lôn, có đến mà không có về. Đứa nào láng cháng không nghe lời thì bỏ xương ở đây ! “ .

Chúng giam Nguyễn Đức Xang vào trại 1, tại đây đã có nhiều anh em tù nhân bị giam trước, những bạn tù cũ nhìn chúng tôi mới đến im lặng và biểu lộ sự thân thiện, đồng cảm. Hai ngày sau, chúng đưa trại giam từ trại 1 sang trại 2 “tham quan“ . Trại giam 2 những tù nhân chịu điều kiện ly khai thường gọi là trại  “quốc gia“ . Chúng đưa tù nhân trại 1 đến để noi gương: Hãy nhanh chóng “ăn năn hối cải" về với quốc gia sẽ được đối xử tử tế, còn không thì sẽ “nếm mùi“ ở trại “cộng sản“.

Mấy ngày sau bọn chúng bắt đầu nhồi sọ:

- Ai theo Ngô Đình Diệm, theo  “quốc gia“  thì sẽ được sum họp gia đình.

- Ai theo Hồ Chí Minh, theo Cộng sản chỉ có một con đường: chết rục xương ở đây.

Để kiểm tra “kết quả tuyên truyền“ chúng bày ra một “ rò chơi" thâm độc: “ Ai theo Ngô Đình Diệm thì ngồi qua phía bên phải, ai theo Hồ Chí Minh thì ngồi qua phía bên trái “ , 172 tù nhân ngồi lặng phắc. Chưa bao giờ thời gian trôi chậm chạp, nặng nề như lúc này. Nguyễn Đức Xang nhủ thầm “ cuộc chiến đấu bước sang trang mới, không chịu nhường bước “ . Qua 2 tiếng đồng hồ thuyết phục, hăm dọa, trấn áp chỉ có 15 người lê bước qua ngồi “ phía Ngô Đình Diệm “ . Bọn chúng liều dẫn 15 người này vào trại giam “ ưu đãi “ ( trại 2). Số còn lại tiếp tục vào trại giam số 1: mỗi ngày chúng chỉ phát cho mỗi người 1 lon nước lạnh, cơm gạo hẩm với muối. “ Đây là bọn Cộng sản ngoan cố “ , bọn chúng kết luận như vậy và để cho tù nhân đói, khát, bệnh trật. Nhiều anh em không thể chịu nổi đã chết ngay trong trại giam vì đói, vì bệnh.

Những âm mưu phân hóa thâm độc

Trong khoảng thời gian từ năm 1958 đến năm 1960, nhiều thủ đoạn thâm độc bọn đích bắt đầu áp dụng, nhằm khuất phục “ bọn cộng sản cứng đầu “ ;

- Nhằm phân hóa tù chính trị, bọn chúng đặt một chiếc bàn ngay giữa sân tập hợp tù nhân đến. Tên chủ xướng “ hướng dẫn “ : “ Đây là tờ giấy trắng, mỗi người được phát một tờ. Ai theo Ngô Đình Diệm hãy viết vào dấu (+), ai theo Hồ Chí Minh đánh dấu 0. Chỉ có 2 cách lựa chọn. Đồng chí Xang nhìn một lượt các tù nhân, anh tin mọi người không mắc mưu địch. Trước đây anh em đã thống nhất quy ước: cái gì địch muốn ta không làm, cái gì địch không muốn anh em ta cứ làm. Giờ phút nặng nề trôi qua, các tờ giấy được tập trung lại để bọn chúng kiểm tra. Kết quả trên 95% phiếu đánh giá 0 “ theo Hồ Chí Minh “ .

- Phân hóa tù chính trị không đạt kết quả, chúng phân hóa kháng chiếnCộng sản. Chúng tuyên truyền: Những người đi kháng chiến là yêu nước, có công với “ quốc gia “ , còn Cộng sản là những người “ cướp công kháng chiến “ theo chế độ độc tài, đảng trị. Trong số tù nhân ở đây ai nhận theo Kháng chiến thì được ưu đãi, ai theo Cộng sản chỉ còn con đường chết. Một số người nhẹ dạ theo phe “ kháng chiến “ chúng liền ưu đãi đặc biệt: cho tự do đi tắm biển, được đối xử tử tế, được ăn ngon... nhằm phân hóa. Sau một thời gian, anh em thấy âm mưu thâm độc của địch và kiên quyết đấu tranh đòi không phân biệt Kháng chiếnCộng sản , “ kháng chiến và cộng sản là một “ , buộc chúng hủy bỏ việc phân hóa này.

- Tiếp tục chúng mở đợt học tập rầm rộ cho tất cả tù nhân về “ Tuyên cáo 8 điểm toàn dân đòi hỏi chính quyền miền Bắc “ với nội dung xuyên tạc, nói xấu Đảng và Bác Hồ. Tất cả tù nhân nhất loạt đứng dậy thẩy chay. Không thể tập trung tù nhân để tuyên truyền chúng đặt hệ thống lo phóng thanh ngay trong trại giam đọc ra rả “ tuyên cáo 8 điểm “ đồng thời đọc truyền cảm các lá thư gia đình gửi đến cho tù nhân, có thư chúng bịa ra hòng ru ngủ tinh thần tù nhân. Anh em trong tù quán triệt “ đừng nghe, đừng tin những gì chúng nói “ , nói mãi nhưng chẳng lay động được ý chí gan vàng dạ sắt.

- Tuyên truyền không hiệu quả, bọn chúng phân hóa bằng bạo lực “ chày vồ “ : Chày vồ làm bằng gỗ cứng, đường kính 1 tấc, dài 2 tấc, nặng 1 ký. “ Trò chơi “ bắt đầu : tù nhân úp mặt vào tường, chúng hỏi:  “ Có chịu ly khai không? “ . Nếu trả lời “ không “ chiếc chày vồ lập tức nện vào lưng. Chúng vừa đập vồ vừa hỏi liên tục một câu ấy. Nhiều anh em hộc máu tại chỗ. Có 30 anh em không thể chịu đựng nổi đành trả lời “ có “ , thế là chúng nâng niu “ cho sang trại 2. Vài ngày sau cả Côn Đảo xôn xao tin bác Nguyệt, người vừa ly khai đã xé áo quần làm dây thắt cổ tự tử trong cầu tiêu trại 2, may nhờ anh em phát hiện cứu được. Sau khi tỉnh dậy, bác Nguyệt tâm sự: “ Tôi bị đáh đập dã man, không chịu được đành giả đò ly khai, nhưng nghĩ lại vẫn thấy xấu hổ, thấy có lỗi với anh em... “ . Nghe tin này tên Phó tỉnh trưởng giật mình: 30 người ly khai bằng biện pháp “ chày vồ “ ấy hoàn toàn không ly khai thật sự, họ vẫn là cộng sản. Chúng liền cho hủy các biên bản cam kết ly khai và trả về trại 1. Lại một lần nữa “ chiến lược bạo lực “ thất bại trước lòng yêu nước vô bờ bến của các tù nhân.

- Không thể để một “ trại cộng sản “ ngay giữa Côn Lôn như thế này, chúng quyết tâm “ xóa sổ “ bằng biện pháp ly khai mới: chuyển tù nhân từ trại 1 về trại 3 và trại 4, ai ngoan cố sẽ tống giam tại “ chuồng cọp “ . Cuộc sống khổ cực chưa từng thấy, bệnh tật lan nhanh, đồng chí Xang bị bệnh đen chân tay và hai hàm răng đều lung lay, sưng vù vì thiếu chất dinh dưỡng. Mặc sù vậy, các đợt đấu tranh tuyệt thực chống việc đối xử tàn bạo liên tục được phát động, buộc chúng phải nới tay.

Sáng ngày 01.4.1960 đợt cao điểm “ tấn công bọn tù cộng sản “ , do Thiếu tướng Mai Xuân Thưởng, Tổng Giám đốc Công an ngụy là chỉ huy trưởng, đại tá Nguyễn Văn Y, Tổng giám đốc Trung tâm cải huấn làm chỉ huy phó dẫn theo một đoàn cán bộ cải huấn và một đại đội lính kiên quyết “ tẩy nảo “ những người cộng sản. Chúng chia tù nhân tập trung làm 4 điểm: điểm Lò Vôi ( đồng chí Xang ở điểm này), điểm chợ Côn Sơn, điểm Hý Viện và điểm Hàng Dương. Tại mỗi điểm chúng tập trung tù nhân, rào thép gai chung quanh, có lính bảo an, cảnh sát, mật vụ và bọn trật tự an ninh canh gác, uy hiếm. Tại các điểm này, bằng các biện pháp dã man tra tấn cả về tinh thần, tình cảm, thể xác suốt nhiều ngày liền. Đá cũng có lúc nát, vàng cũng có lúc phai, cái chết hoảng loạn, chờn vờn trước mặt, một số anh em phải buông tay đầu hàng. Trước tình cảnh ấy, đồng chí Xang rơi vào hoàn cảnh vô cùng hoang mang: sống hay chết, đầu hàng hay tiếp tục đấu tranh? Phải sống mới có thể chiến đấu, dù hoàn cảnh nào cũng phải sống. Sau khi cân nhắc kỷ, đồng  chí Xang quyết định giả “ đồng ý ly khai “ , chỉ nhờ có vậy, bọn chúng chuyển đồng chí về trại 2. Tại trại 2, đồng chí Xang lại tiếp tục vận động anh em đấu tranh thầm lặng bên trong, chờ thời cơ thuận lợi tiếp tục củng cố tổ chức.

Giữ vững khí tiết

Năm 1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chính, anh em chủ trương đấu tranh không chấp nhận chế độ đương thời. Chúng bắt đồng chí Xang cùng một số anh em “ ngoan cố “ giam ở “ chuồng cọp 1 “ . Ở chuồng cọp vẫn đấu tranh khi có cơ hội, đợt cao điểm, Xang bị còng suốt 6 tháng,. mỗi bữa ăn một chén cơm với mắm ruốc, sức khoẻ suy sụp.

Sau Tết Mậu Thân, phong trào đấu tranh của tù Côn Đảo lên mạnh nhờ ở trong nước nổ ra nhiều cuộc biểu tình chống chế độ hà khắc ở nhà tù Mỹ - ngụy. Tháng 4 năm 1969, chúng đưa 400 tù chính trị Côn Đảo ( trong đó có đồng chí Xang) về đất liền do bị bại liệt và các bệnh nan y. Ở nhà lao Chí Hòa chỉ 3 ngày, chúng đưa về giam tại nhà lao Tân Hiệp 3 tháng, anh em chủ trương “ 4 không “ : không chào cờ ngụy, không chấp hành nội quy nhà tù, không mặc áo trắng, không đeo thẻ bài. Chúng phải chuyển trở lại nhà tù Công Đảo.

Trở lại Côn Đảo, cuộc đấu tranh chuyển sang hình thức “ tuyệt thực “ . Nhiều đợt tuyệt thực kéo dài 5 ngày liền.

Đến cuối năm 1971, chế độ nhà tù nới lỏng hơn. Tổ chức Đảng hoạt động mạnh. Chúng tôi gọi tổ Đảng là “ tổ nội bộ “ , mỗi tổ gồm 6 người ăn chung trong mâm cơm. Đồng chí Xang được cử làm Tổ trưởng Tổ Đảng.

Ngày 29 tháng 4 năm 1975, bọn gác ngục, an ninh vẫn làm nhiệm vụ nhưng không khí căng thẳng bao trùm. Sáng 30.4.1975 tất cả các cửa nhà giam bị khóa chặt. Rạng sáng ngày 01.5 chúng tôi ai nấy đều nhảy cẩng lên khi biết tin Sài gòn giải phóng.

Chớp lấy thời cơ, Ban lãnh đạo khu H quyết định hành động giải phóng Côn Đảo. Lực lượng tù nhân giải phóng thu súng ống và mở cửa nhà tù. Đến 3 giờ sáng ngày 01 tháng 5 cả tám khu của trại 7 hoàn toàn giải phóng. Đảng ủy lâm thời được thành lập.

18 năm tù Côn Đảo, 2 năm tù đất liền, đồng chí Nguyễn Đức Xang trải qua bao gian lao, thử thách trực diện với kẻ thù vẫn dự vững khí tiết người Cộng sản.

Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Đức Xang tâm sự: “ năm 1957, tôi rời Đà Nẵng vào ban đêm trong hoàn cảnh của người tù bị lưu đày, nay tôi về lại Đà Nẵng trong một buổi sáng trời quang, mây tạnh, trong nổi sung sướng của người chiến thắng trở về. Khi trời còn tờ mờ sáng, tàu đậu ngoài khơi, mọi người nóng lòng muốn được vào bờ ngay. Những giờ phút chờ đợi này sao mà dài thế? “ .

[Trở về]
Các tin mới hơn:
PHÙ SA CÁCH MẠNG
VƯỢT NGỤC
TRONG CHIẾC NÔI TỘC HỌ, XÓM LÀNG
TRONG BÓNG CỜ SON
THUỶ CHUNG MỘT LÒNG VỚI CÁCH MẠNG
THÂN TÙ XƯA
TẶNG ANH TÀO VĂN HÀO
PHÙ SA CÁCH MẠNG
NGƯỜI ĐÓNG NẮP HẦM
NGƯỜI CON GÁI MẸ THỨ
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm