Những năm qua, xã Điện Phước tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn và đã mang lại những thành công ban đầu. Những thửa ruộng nhỏ, phân tán được dồn lại thành thửa lớn, tạo thuận lợi cho địa phương xây dựng giao thông nội đồng gắn với bê tông kênh mương, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và hình thành các vùng chuyên canh, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích từ đó mở ra một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
|
Cánh đồng thôn La Hòa có diện tích trên 65 ha với gần 900 thửa ruộng manh mún, nhiều bờ vùng, bờ thửa, đám thấp, đám cao… gây khó khăn trong việc thâm canh, sản xuất, từ năm 2012, với chủ trương dồn điền, đổi thửa do thị xã Điện Bàn triển khai, xã Điện Phước đã tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa. Đến nay, những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ năm nào đã được dồn đổi thành 300 thửa ruộng lớn, tạo nên cánh đồng bằng phẳng mùa nối mùa lúa nặng trĩu bông.
Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt chủ trương dồn điền đổi thửa, nhân dân trong thôn La Hòa cũng đã tự nguyện hiến đất, góp công để chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống kênh mương đường giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất của người nông dân.
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Điện Phước xác định trước hết phải quy hoạch lại đồng ruộng, sớm hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và coi đây là khâu mở đường thực hiện một số tiêu chí khác do vậy từ thành công của của mô hình cánh đồng mẫu lớn tại thôn La Hòa, đến nay xã Điện Phước tiếp tục mở rộng ra các thôn Hạ Nông Tây, Hạ Nông Nam Nông Sơn 1, Hạ Nông Đông với tổng diện tích trên 193ha. Ông Trần Văn Định, chủ tịch UBND xã Điện Phước cho biết:Trước khi dồn điền đổi thửa, hộ ít nhất 1 thửa, hộ nhiều nhất 13 thửa, diện tích manh múc nhỏ lẻ. Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa hộ nhiều nhất 3 thửa, diện tích nhỏ nhất 1000 m2, diện tích lớn nhất 2500 m2. Hầu hết diện tích canh tác này bà con đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đưa các giống cho năng suất cao vào sản xuất đồng thời áp dụng phương thức canh tác “3 giảm 3 tăng” kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng nên hằng năm năng suất lúa ở đây đạt bình quân trên 60 tạ/ha.
Cũng theo ông Trần Văn Định để có được kết quả như hôm nay đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung công tác tuyên truyền vận động giải thích để người dân hiểu rõ về chủ trương dồn điền đổi thửa. Cạnh đó, chủ trương về dồn điền đổi thửa phải được nhân dân bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề cụ thể trong công tác dồn điền, đổi thửa trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc đó là: Tự nguyện, đảm bảo đoàn kết trong nhân dân, quyết định theo đa số bằng hình thức biểu quyết. Diện tích dồn điền, đổi thửa không phải là chia lại đất mà chuyển từ nhiều ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn do đó căn cứ theo nhân khẩu giao đất theo quy định. Qua nhiều cuộc họp, toàn thể nhân dân đều thống nhất chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dồn điền đổi thửa là chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất trong tương lai. Chính vì vậy, công tác dồn điền đổi thửa triển khai và đạt kết quả.
Hiện nay UBND thị xã Điện Bàn đang triển khai thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, thị xã tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa với diện tích 3.560 ha và xây dựng cánh đồng lớn với quy mô diện tích 1.500 ha. Để làm được điều này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ thị xã đến các địa phương phải quyết liệt vào cuộc; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia. Cạnh đó, mỗi địa phương phải xây dựng được phương án dồn điển, đổi thửa ở từng cánh đồng ở từng thôn, từng xã …có như thế công tác Dồn điền đổi thửa ở Điện Bàn trong thời gian đến mới mang lại kết quả, góp phần đưa giá trị kinh tế ngành nông nghiệp ở Điện Bàn ngày càng tăng lên theo hướng bền vững.
|