Nội dung chi tiết

TÔN VINH NGƯỜI MẸ ANH HÙNG
Tác giả: Nguyễn Thành Nhơn .Ngày đăng: 19/02/2009 .Lượt xem: 5585 lượt. [In bài]
Ghi theo lời kể dân làng Bích Trâm, Xóm Bùng và gia đình mẹ Thiệt Bà con dân làng Bích Trâm – Xóm Bùng (xã Điện Hoà) còn nhớ mãi tấm gương đấu tranh anh hùng của mẹ Trương Thị Thiệt. Ngày ấy, cách đây 48 năm, một ngày đầy đau thương và nước mắt ập đến với gia đình mẹ.

            Chiến tranh đã lùi về dĩ vãng, nhưng bây giờ tôi mới có dịp về thăm nhà mẹ. Tôi được bà con trong làng chỉ lối vòng vèo quanh co qua những con đường làng được trải dài những lớp bê tông rắn chắc ẩn mình dưới bóng cây phi lao râm mát và những bụi tre xanh rợp. Ngôi nhà mẹ được tái tạo sau ngày kết thúc chiến tranh 1975, nó đang toạ lạc trong khu vườn rợp bóng cây xanh. Gặp tôi, chị Nãi là người con gái thứ 4 trong gia đình mời về nhà anh trai đầu và chị dâu để kể về người mẹ kiên cường chịu đựng sự tra tấn cực kỳ độc ác của lũ tay sai, nhưng vẫn đứng ra thi gan, đấu lý với địch, chịu hy sinh để bảo vệ cơ sở cách mạng trong thời kỳ đen tối nhất của cách mạng miền Nam lúc đó.

            Chuyện kể rằng: Nhà mẹ một địa danh, một cơ sở ở vùng quê cốt cán, một điểm tựa đầy tin tưởng của cách mạng lại bị bể vỡ bất ngờ, mẹ phải đối đầu chống chọi với bọn tay sai ác ôn xảo quyệt nhất, tàn bạo nhất. Con trai mẹ- anh Nguyễn Xuân Mực là du kích đánh Tây, sau năm 1954, anh vẫn là du kích hợp pháp. Ngay từ buổi đầu nhà mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ ở lại chống chế độ Ngô Đình Diệm

             Năm 1956, bọn tề nguỵ tình nghi anh là Cộng sản nằm vùng, chúng bắt tra tấn nhốt tù tại nhà giam Vĩnh Điện. Ra tù thoát ly đến năm 1967, anh Mực hy sinh. Còn mẹ Thiệt là cán bộ phụ nữ xã Điện Hoà từ kháng chiến chống Pháp. Sau hiệp định Gie-ne-vơ, mẹ vẫn tần tảo với công việc cách mạng trong thế hợp pháp, làm cơ sở tiếp tế nuôi cán bộ nằm vùng hoạt động cách mạng trong những ngày thế cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Đầu năm 1955, gia đình mẹ nuôi giấu các đồng chí Phạm Dục, Ngô Dinh, Phan Bồn và nhiều cán bộ tỉnh, thành phố. Trong nhà mẹ làm phên đôi để đánh máy chữ. Ngoài vườn đào hầm nuôi giấu cán bộ làm việc suốt ngày đêm, phần mẹ được bố trí với đôi gánh trên vai đóng người bán mắm làm nhiệm vụ liên lạc khắp đó đây. Còn chị Ngô, chị Nãi cảnh giới ngày đêm bám địch để cơ quan làm việc, mỗi lần đánh chữ gõ lốp cốp, mẹ phải đổ lúa vào xay làm át đi tiếng động của máy.

            Vốn là người cán bộ phụ nữ gần gũi với lãnh đạo, nên gặp nhiều pha sóng gió, mẹ lanh trí xử lý nhanh bí mật, qua được mắt địch để bảo vệ sự bình yên cho cơ sở. Thế rồi bất ngờ cơ sở của mẹ ở xóm phường có người phản bội, tên Đ. biết chắc mẹ nuôi cán bộ bí mật trong nhà. Như có điều không lành, ngẫu nhiên tối đó mẹ dàn xếp cho cán bộ phân tán lánh đi nơi khác, nhường lại chỗ để ngày mai con cháu về đám giỗ ông cố, khỏi sợ lộ. Nghe lời mẹ các đồng chí cán bộ mang súng ống ra đi giữa đêm khuya.

             Sáng ra, lần lượt con cháu về càng đông, vui nhộn như ngày hội. Đến khoảng 10 giờ, từ xa tiếng chó sủa rộn lên rồi gần lại, bất thần trước ngõ, chó lại sủa rân lên như thúc giục bắt buộc mọi người chòm ra ngó thử. Thế là ùn ùn một bầy hung nô hàng chục tên hằm hằm nét mặt kéo tấp vào nhà. Về sau càng đông, có cả bọn Hội đồng xã Thanh Trung, bọn Nha hành chính Thanh Quýt và cả bọn lính Bảo An đoàn. Chúng ập vào bắt hai ông bà Nguyễn Xuân Thiệt và bà Trương Thị Thiệt. Chúng hỏi cất giấu Cộng sản ở đâu? Hằm bí mật, tài liệu ở đâu, miệng nói tay đánh gây hốt hoảng, làm tan tành đám giỗ.

            Biết rằng không còn cán bộ trong nhà, không hề sợ, bình thản, mẹ vui vẻ phát lờ gượng giọng “ các cậu nghe ai nói quá lời”, nhà tôi biết chi là cộng sản, hôm nay nhà có đám giỗ, con cháu nội ngoại, bà con về, các cậu làm không khí mất vui. Mẹ nói chưa dứt lời, chúng ập vào bắt hai ông bà đánh tới tấp, ông Thiệt, chồng mẹ ngất xỉu lăn vào nhà nằm. Còn mẹ, chúng trói vào gốc cây đầu ngõ đánh mẹ liên hồi bảo chỉ hầm bí mật, nuôi cán bộ những ai. Còn bọn tay sai đi theo hôm đó theo sơ đồ của tên phản bộ chỉ điểm, chúng xăm tìm ra hầm bí mật ngoài vườn, may ra không ai ở. Thế là chúng tiếp tục tra mẹ nuôi ai, tài liệu, súng đạn cất giấu ở đâu? Mẹ chối băng, mẹ nói hầm đó từ thời 1950 đi tản cư về trốn Tây. Chúng không tin lời khai đó, lấy cớ đánh mẹ suốt cả một ngày trời.

            Thấy tình cảnh tàn bạo như thế, mọi người trong ngày giỗ tự động giải tán từ bao giờ để lại những tiếng la hét gào thét của bọn tay sai gian ác, mẹ quỵ xuống ngã nghiêng người nằm lên trên vùng nước loan đầy máu, trước tiếng khóc nức nở nghẹn ngào của các con. Nhìn cảnh tượng mẹ mở tròn đôi mắt, nghiến chặt hàm răng như muốn trút hết nỗi hờn căm thù hận, xóm làng, bà con lúc này có ai dám chia sẻ gì được với mẹ, còn bọn giặc thì xô đẩy giải tán không một bóng người ở đó. Khi khiêng xác mẹ đặt lên chiếc giường tre, bọn chúng tiếp tục mưu đồ cướp xác phi tang, nên cả lũ hô hào khiêng về Nha tra tấn tiếp. Bọn chỉ huy la hét bọn lính: “ Khiêng đi, khiêng đi

            Quá đỗi thương mẹ, chị Nãi - Người con gái của mẹ lúc đó, mới tuổi 15, hờn căm dâng đầy nghẹn cổ, đến nổi không còn tiếng khóc kêu cứu, phải xông vào giành xác mẹ, tay chị ôm mẹ, miệng la làng, chửi thẳng vào bọn chúng “ Tụi bay đồ độc ác, tụi bay giết mẹ tau rồi cướp xác đi đâu?” Chị la làng nhờ bà con trả bằng máu cho mẹ tôi, bọn chúng xúm vào đánh chị rồi dụ dỗ xoa dịu. Bọn Hội đồng lại dở trò soạn giấy tờ ra làm bản vu khống bà Trương Thị Thiệt, do sợ hãi, tự uống thuốc độc tự sát, buộc gia đình ký vào, trước tiếng la hét phản đối cả nhà không chịu ký, rồi chúng kéo tay anh Nguyễn Xuân Định- người con trai mẹ, ịn điểm chỉ vào để lấy cớ...

            Lúc ấy, màn đêm bắt đầu buông xuống, cả lũ tự kéo xác mẹ ra Trảng Đẩu đào huyệt khép ván giả kế chôn, dân làng bao quanh thi hài mẹ để tiễn biệt mẹ lần cuối cùng, nhưng bọn chúng nổ súng uy hiếp quanh vùng, không cho một ai thấy được chúng bỏ xác mẹ xuống hầm. Hôm đó là đúng vào ngày 17-8-1956, cái ngày kinh hoàng và ghê rợn nhất đời mẹ.

            Trở lại với gian nan đời mẹ, một thời chịu thương, chịu khó trải dài chuỗi ngày trong kháng chiến chống Pháp, mẹ đã từng hăng hái lăn xả vào trận địa, để chăm sóc thương binh, chuyển thi hài liệt sĩ về hậu cứ an toàn. Từ tuổi thanh xuân, mẹ đã coi thường cái chết, chính vì không sợ chết, nên mẹ kiên cường trước sự gian ác tàn bạo của bọn tay sai nguỵ tề. Ngày ấy, mẹ hiên ngang, nhận lấy cái chết bảo vệ mầm móng cách mạng, mẹ không hề khai báo cho giặc, cho dù báng súng- giày đinh- cây gậy băm nát thân xác mẹ, mẹ đã thể hiện hình tượng trận địa cách mạng lòng dân.

            Thế rồi ngày lại qua ngày, cả gia đình đinh ninh mẹ nằm yên giữa vùng đất tại Trảng Đẩu rồi lo hương khói đắp mả cao để giữ thi hài bình yên sóng lặng. Có ai ngờ, đâu phải xác mẹ nằm đây. Theo cơ sở ta cho biết, sau khi mẹ nằm xuống, xảy ra vụ kiện buộc chế độ tay sai nguỵ tề Nha Thanh Quýt và tề nguỵ Điện Bàn- ác ôn Thanh Trung phải ra nhận tội trước dân.

            Chuyện là thế này, nhưng gia đình không hay biết, vì nếu cơ sở cho biết, lại thêm một nỗi đau thương cho cả gia đình thêm một lần chết của mẹ. Khi xác mẹ được đặt xuống Trảng Đẩu, bọn chúng xua đuổi không cho bóng người thấp thoáng tại đó để lập kế cướp xác mẹ. Để làm việc gian ác đó, bọn chúng lập kế nổ súng uy hiếp dân, bắt dân đánh mõ la làng, báo động khắp đất trời xã Thanh Trung và các xã kế cận rộ lên không khí hoảng loạn, gây nên cảnh tha ma suốt đêm hôm đó. Không ngờ lối uy hiếp ấy để dễ bề thực hiện âm mưu phi tang xác mẹ. Chúng bỏ xác mẹ vào bao tải, đem xuống khu vực ổ gà tại Trảng Nhựt đào hố vùi xác, san bằng phi tang xác mẹ.

            Sau 3 tháng vụ kiện xảy ra. Ông Xã Khoa- người trong làng được cơ sở ta hướng dẫn đứng đơn kiện lên Toà Hành Chính tỉnh nguỵ và Toà Hiến Binh. Lần lượt kêu kiện mãi, bọn chúng đưa pháp y và hiến binh tới ổ gà Trảng Nhựt quật thi hài mẹ, lôi lên đống bao tời sọc xanh- xác mẹ chúng bỏ nằm co trong đó, đang tư thế đầu thả chúc xuống, hai chân ngược lên trời. Trước chứng tích này, bọn hiến binh, pháp y và bà con nhân dân hai xã Thanh Trường- Thanh Trung chứng kiến tận mắt cảnh giết người man rợ của bọn mặt người dạ thú của chế độ tay sai Mỹ- nguỵ

            Ngày ấy, bọn tay sai quật xác mẹ lên và án kết được lập xong mới đem thi hài mẹ về quê an táng trở lại. Thế là đời mẹ, một lần chết, ba lần chôn. Nhưng rồi bọn chúng, cả lũ sau đó đã bị nhân dân trừng trị từ ngày phá ấp, phá kèm, diệt ác đồng khởi giải phóng quê hương.

             Hôm nay, tôi tìm về quê mẹ, để nghe kể lại, để viết về gương hy sinh anh hùng của một người mẹ. Tấm gương đấu tranh và hy sinh anh dũng của mẹ. Tấm gương đấu tranh và hy sinh anh dũng của mẹ Trương Thị Thiệt mãi mãi là niềm tự hào của làng quê Điện Hoà bất khuất kiên trung.

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Một lòng theo Đảng
Người con gái Gò nổi 2 lần gặp Bác.
NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM
VÕ NGHĨA NGƯỜI TỬ TÙ NĂM ẤY
Các tin cũ hơn:
SINH HOẠT ĐẢNG TRONG TÙ
SÁNG NGỜI HUYỀN THOẠI NỮ ANH HÙNG
NGUYỄN CHẮT BỊ ĐÀY ĐI NHIỀU NƠI GIAM GIỮ CỦA MỸ- NGỤY
NGƯỜI CON GÁI QUÊ HƯƠNG 7 DŨNG SĨ
NGƯỜI CON GÁI ĐIỆN TRUNG
MỘT KIỂU TRA TẤN ĐỘC ÁC CỦA HOÀNG NHU –CAI NGỤC Ở PHÚ QUỐC TẠI TRẠI B2
MỘT CHẶNG ĐƯỜNG TÙ ĐÀY
MẸ CỘNG
LÝ TRÂN KIÊN CƯỜNG, MƯU TRÍ
LÊ TỰ KÌNH SÁNG NGỜI DŨNG KHÍ
    
1   2   3  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm