Xã Điện Tiến có dòng sông Yên chảy ngang qua, nên rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Tận dụng lợi thế này, anh Trần Văn Lộc ở thôn Thái Cẩm đầu tư cả trăm triệu đồng để phát triển theo mô hình này. Anh Lộc cho biết, anh bắt đầu nuôi cá lồng trên sông từ năm 2015 và cũng là người đầu tiên tại thôn Thái Cẩm áp dụng cách nuôi này. Bởi theo anh, trước đó phong trào nuôi cá nước ngọt ở Điện Tiến phát triển khá mạnh nhưng không mang lại hiệu quả do nguồn nước bị ao tù nên cá chậm lớn… do vậy anh chuyển sang mô hình nuôi cá lồng trên sông. Bởi theo kinh nghiệm của nhiều nuôi thì việc nuôi cá lồng không chỉ tận dụng được nguồn nước tự nhiên mà còn góp phần làm sạch khu nuôi thả do lợi dụng được dòng chảy.
Sau khi tham quan các mô hình nuôi cá lồng nhiều nơi và được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hỗ trợ kỷ thuật nuôi, anh mạnh dạn đầu tư lồng, mua con giống về thả nuôi. Để giảm chi phí đầu tư , anh tận dụng các can nhựa và các thùng phi sẵn có rồi dùng các thanh tre để làm bè nổi.
Để theo dõi sự phát triển của cá, anh Lộc thường xuyên túc trực ở khu vực nuôi thả. Với cá trắm cỏ, anh chỉ sử dụng cỏ tự nhiên làm thức ăn chính. Các loại cá còn lại như Diêu Hồng, rô đầu vuông, Trê lai, ếch… dùng thức ăn công nghiệp theo giờ, liều lượng hợp lý, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, vừa giúp giữ vệ sinh môi trường.
Hiện tại, số lượng lồng cá tại thôn Thái Cẩm đã lên đến gần 40 lồng. Trong đó, gia đình anh Trần Văn Lộc phát triển trên 20 lồng và được nuôi với nhiều loại cá khác nhau như diêu hồng, rô đầu vuông, trắm cỏ, trê lai, ếch... Mỗi năm, anh cung ứng ra thị trường hàng chục tấn cá và ếch thành phẩm, thu về cả trăm triệu đồng.
Cũng theo anh Lộc, để mô hình nuôi cá lồng này mang lại hiệu quả thì mỗi hộ nuôi phải nuôi ít nhất trên 10 lồng và tính toán thời gian nuôi hợp lý để có cá bán quanh năm.
So với các mô hình nuôi cá truyền thống trên ao hồ thì mô hình nuôi cá lồng trên sông bước đầu đã mang lại hiệu quả. Song hiện nay do giá cả đầu ra không ổn định, trong khi đó giá thức ăn cho cá ngày càng tăng. Đây là trở ngại lớn đối với anh Trần Văn Lộc và nhiều người nuôi cá lồng ở Điện Tiến muốn nhân rộng mô hình này trong thời gian đến.