Vụ Xuân Hè năm 2017, được sự thống nhất của UBND thị xã Điện Bàn, Trạm KN-KL triển khai mô hình trình diễn cánh đồng chuyên canh kết hợp cơ giới hóa trên cây đậu xanh, quy mô 06 ha tại thôn Kỳ lam, xã Điện Quang. Đây là mô hình đầu tiên áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo tỉa hạt, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây màu.
Trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, tập quán sản xuất của người dân, nhu cầu thị trường và thời vụ canh tác của cây trồng vụ trước, Trạm KN-KL cùng với địa phương tổ chức họp dân để thống nhất bố trí cây đậu xanh vào sản xuất vụ Xuân Hè sau khi kết thúc vụ Ngô nếp Đông Xuân. Việc xác định các đối tượng cây trồng để bố trí sản xuất trong cánh đồng chuyên canh là một yếu tố rất quan trọng trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và cơ cấu cây trồng cho vụ sau.
Thời gian từ khi gieo đến ra hoa của cây đậu xanh là 27 ngày, từ khi gieo đến khi thu hoạch lứa đầu là 52 ngày. Chiều cao cây đậu xanh ở mô hình đạt 81 cm, cao hơn so với ruộng đối chứng 2cm. Số nhánh/cây ở mô hình và đối chứng đạt ngang nhau (4 nhánh); số quả/cây đậu xanh ở mô hình đạt 17,2 quả, cao hơn so với ruộng đối chứng 1,3 quả. Năng suất ước tính của đậu xanh trong mô hình đạt 26 tạ/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng 1 tạ/ha.
Do đậu xanh trong mô hình được gieo trồng đồng loạt bằng máy móc cơ giới nên nên tiết kiệm chi phí gieo tỉa và quá trình kiểm soát sâu bệnh được thuận lợi hơn. Kết quả tính toán cho thấy: mô hình chuyên canh trên cây đậu xanh kết hợp cơ giới hóa giảm được chi phí đầu vào với số tiền 4.300.000đ/ha gồm: 1.000.000 đồng/ha thuốc BVTV và 3.300.000đồng/ha chi phí lao động (công lao động các khâu gieo tỉa, phòng trừ sâu bệnh).
Bên cạnh đó, đậu xanh trong mô hình cho năng suất cao hơn 01 tạ/ha so với đối chứng, tổng thu của đậu xanh mô hình 54.600.000đ/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng 2.100.000đ/ha. Do đó, lãi thu được của đậu xanh mô hình cao hơn 6.400.000đ/ha so với ruộng đối chứng.
Mô hình “trình diễn cánh đồng chuyên canh kết hợp cơ giới hóa trên cây đậu xanh” góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy được triển khai trên quy mô 06 ha nhưng mô hình đã bước đầu hình thành được cánh đồng chuyên canh cây đậu xanh trong cơ cấu cây trồng: Ngô nếp Đông Xuân, Đậu xanh Xuân Hè, Ngô lai Hè Thu. Thông qua mô hình, đã xây dựng được mối liên kết giữa các hộ nông dân trong quá trình sản xuất và giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Mô hình phù hợp với chủ trương đề ra tại“Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020” và “Phương án xây dựng các cánh đồng chuyên canh quy mô lớn vùng Gò Nổi” đã được UBND thị xã ban hành, đáp ứng nguyện vọng của nông dân trồng màu.