Tham dự buổi hội thảo có đại biểu lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam, Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn, UBND thị xã, Ban Dân vận, UBMTTQVN, Chi cục Thống kê, Phòng Kinh tế, Trạm BVTV cùng hơn 60 đại biểu là lãnh đạo UBND, Ban Nông nghiệp 14 xã, phường, các HTX Nông nghiệp chuyên sản xuất lúa giống trên địa bàn thị xã, các hộ nông dân của xã Điện Thọ.
Vụ Hè Thu năm 2017, được sự thống nhất của UBND thị xã, Trạm KN-KL phối hợp với Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn triển khai mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ quy mô 03 ha tại thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ. Mô hình nhằm giúp bà con nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT và áp dụng quy trình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ: hoàn toàn sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc BVTV đồng thời áp dụng quy trình sản xuất lúa 3 giảm 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng...
Mô hình sử dụng giống lúa Thiên ưu 8 có thời gian sinh trưởng vụ Hè thu là 110 ngày, giống đẻ nhánh khỏe và chống chịu đỗ ngã tốt. Với mật độ gieo sạ vừa phải, sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ nên cây lúa sinh trưởng phát triển cân đối, sức đề kháng cao, chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh, giảm thiểu việc phun thuốc BVTV, góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất, cải thiện môi trường sinh thái.
Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn ký hợp đồng sản xuất, cung ứng vật tư ứng trước, bảo hành năng suất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Tổng chi phí sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là 20.950.000đ/ha (kể cả chi phí lao động). Năng suất lúa tươi đạt 80 tạ/ha, được Công ty thu mua tươi quy đổi 01kg lúa tươi bằng 0,8kg lúa khô. Như vậy, người dân thu được 64 tạ/ha, với giá thu mua 6.500đ/kg, tổng thu đạt 41.600.000đ/ha. Kết quả, sản xuất lúa ở mô hình lãi ròng đạt 20.650.000đ/ha, cao hơn so với sản xuất lúa thông thường là 7.150.000đ/ha.
Mô hình “sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ” là sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp, không những đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp mà còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội và môi trường. Đây được xem là mô hình liên kết bền vững, ít chịu tác động bởi yếu tố thị trường, bà con nông dân không lo đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp chủ động sản phẩm để sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển bền vững và cùng nhau có lợi.
Để việc nhân rộng mô hình trong những năm đến đạt hiệu quả cao, các địa phương khi áp dụng mô hình cần phải quy hoạch vùng sản xuất ổn định lâu dài để từng bước cải tạo môi trường đất, tiêu hủy hết tồn dư của thuốc BVTV, phân bón hóa học còn sót lại trong đất. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát theo đúng quy trình sản xuất để sản phẩm lúa gạo hữu cơ đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.