Cách đây hàng chục năm, các địa phương vùng Đông của Điện Bàn (nay là các phường Điện Dương, Điện Nam Đông, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Ngọc) không mấy thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, khi đây là vùng cát, khí hậu khắc nghiệt. Người dân địa phương phần lớn sản xuất manh mún một số loại cây trồng, vật nuôi truyền thống ngắn ngày dẫn đến năng suất, hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ khi nâng cấp thành vùng nội thị của thị xã Điện Bàn, việc chuyển đổi những giống cây con tại 5 phường vùng đông được cả người dân và cơ quan chức năng địa phương tích cực nghiên cứu, áp dụng, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Trong năm 2017, điều này tiếp tục được đẩy mạnh khi thị xã chủ động phối hợp tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển nông nghiệp vùng đông” và “Ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới” cũng như tổ chức một số đoàn nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía nam.
Do đặc thù được nâng cấp thành vùng nội thị của thị xã, mảng trồng trọt được ưu tiên hơn trong việc phát triển nông nghiệp ở các phường vùng đông Điện Bàn. Dù chưa có quy hoạch vùng chuyên canh cụ thể nhưng bước đầu tại từng phường đang khai thác lợi thế riêng để phát triển các loại cây trồng phù hợp. Ở Điện Dương, hiện nay nông dân trên địa bàn đã canh tác được 3ha măng tây xanh, vốn là loại cây trồng ưa đất cát, chịu hạn tốt và hiện được các cơ sở du lịch tiêu thụ mạnh. Tại phường Điện Nam Đông, loại cây trồng chủ lực của người dân là quật. Do giáp với “vựa quật” xã Cẩm Hà, TP.Hội An nên người dân Điện Nam Đông đã chủ động ươm giống và phát triển hàng nghìn chậu quật đem lại giá trị kinh tế cao vào mỗi dịp tết. Trong khi đó, người dân Điện Nam Trung biến hơn 20ha đất hoang bạc màu, đồi cát ven nghĩa địa thành vùng trồng hoa cúc đất, cúc chậu được thị trường ưa chuộng. Với nông dân phường Điện Nam Bắc và Điện Ngọc, canh tác rau an toàn, trồng mai cảnh… cũng giúp người dân tạo thu nhập ổn định hơn nhiều so với trồng đậu, mè, lúa trước đây.
Đặc biệt, trong năm 2017, qua tham quan, học hỏi kinh nghiệm, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Điện Bàn đã mạnh dạn đề xuất chủ trương hỗ trợ nông dân ở các phường vùng đông xây dựng thí điểm 4 mô hình canh tác nông sản sạch ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới. Mỗi nhà lưới có diện tích 500m² với kinh phí xây dựng khoảng 180 triệu đồng (chính quyền hỗ trợ 50%) bắt đầu triển khai từ tháng 9.2017 và đang cho kết quả khả quan. Với việc canh tác các loại nông sản như măng tây, xà lách trái vụ, cải con, ớt,… nhiều hộ nông dân ứng dụng thí điểm mô hình đều có nguồn thu nhập khả quan. Như trường hợp hộ ông Nguyễn Thanh Lành (khối phố Bình Ninh, phường Điện Nam Bắc) đã thu lãi ròng hơn 32 triệu đồng/4 tháng. Tại phường Điện Ngọc, ông Phạm Thanh Cưỡng (khối Ngân Câu) cho biết: “Ngoài 500m2 canh tác nông sản trong nhà lưới, gia đình tôi đang triển khai thêm 400m2 sản xuất che bạt mái, trong đó có 100m2 được sản xuất theo phương pháp thủy canh hiện đại cho hiệu quả cao”.
Qua thực tiễn áp dụng tại Điện Bàn, phương pháp trồng rau trong nhà lưới ở các loại cải lứa, cải con và xà lách cho thu nhập bình quân cả năm cao hơn 50 - 80% so với trồng đại trà, nhất là ở các thời điểm trái vụ hoặc thời tiết xấu như vừa qua. Ngoài ra, nhiều hộ dân trong khu vực cũng đang mạnh dạn trồng thử nghiệm một số loại hoa cung cấp vụ tết được thị trường ưa chuộng nhưng ở địa bàn tỉnh còn ít canh tác như ly ly, hoa hồng… cũng thu được tín hiệu khởi sắc. Ông Nguyễn Chánh Thiện - Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Điện Bàn cho biết, điều trăn trở lớn nhất hiện nay của bà con nông dân là quỹ đất nông nghiệp ở các phường vùng đông ngày càng thu hẹp bởi công nghiệp, du lịch ở khu vực này đang phát triển rất mạnh. “Hy vọng trong thời gian tới, thị xã sẽ sớm quy hoạch cụ thể để hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng ở đây giúp hoạt động nông nghiệp được quy củ và mang lại hiệu quả ngày càng cao” - ông Thiện nói.
|