Hoạt động thông tin tuyên truyền được chú trọng, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được triển khai và nhân rộng có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nông dân, tạo diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã.
Thông tin tuyên truyền:
Nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp, nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, hàng năm ngành khuyến nông đã tổ chức gần 30 lớp tập huấn cho hơn 1.500 lượt người tham gia về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các thông tin về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp nói chung và các hoạt động khuyến nông nói riêng được truyền tải đến nông dân trên cổng thông tin điện tử thị xã và đặc biệt thông qua“Chuyên mục khuyến nông” phát sóng đều đặn vào sáng và trưa thứ sáu hàng tuần trên sóng phát thanh thị xã. Bên cạnh đó, hoạt động tham quan, hội thảo đầu bờ được tổ chức tại nhiều địa phương đã thu hút đông đảo nông dân tham gia; tổ chức nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân và lãnh đạo ngành từ thị xã đến cơ sở tại nhiều tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, TP Đà Lạt, tỉnh Bình Định, TP Đà Nẵng.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay được triển khai và nhân rộng có hiệu quả:
Song song với công tác thông tin tuyên truyền, trên cơ sở mục tiêu của đề án, ngành khuyến nông đã tham mưu UBND thị xã xây dựng nhiều mô hình mới, tác động có hiệu quả theo từng vùng sinh thái: vùng Đông, vùng Gò Nổi, vùng trọng điểm lúa, vùng trọng điểm nuôi cá nước ngọt:
Bên cạnh việc nhân rộng trên quy mô lớn một số mô hình trọng điểm như “Mô hình thâm canh lúa tổng hợp quy mô cánh đồng lớn”, chương trình “Cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò”; đã triển khai thành công mô hình“Cánh đồng lớn trên cây màu” với việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nhiều đối tượng cây trồng: đậu xanh, ngô, lạc. Ngoài ra, công tác khuyến nông đã tích cực triển khai các nhiệm vụ “nóng” của ngành, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu (như mô hình “Tưới nước tiết kiệm trên cây rau”, “Ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới”), phòng chống dịch bệnh trên cây trồng (mô hình “Ứng dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ vi sinh”), nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (mô hình “sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ”, “trồng măng tây xanh an toàn”)…
Hầu hết các mô hình đều đạt hiệu quả tốt, tăng giá trị kinh tế từ 10% trở lên so với sản xuất đại trà, được tổ chức hội thảo đầu bờ để giúp bà con nông dân có thể trực tiếp tìm hiểu và nhân rộng; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và thu nhập.
Thời gian tới, tiếp tục bám sát mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của đề án tái cơ cấu, công tác khuyến nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình theo chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Mục tiêu đặt ra trong năm 2018 sẽ xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển 03 chuỗi sản phẩm sau:
- Chuỗi rau an toàn vùng Đông (xây dựng vùng sản xuất rau an toàn ở Điện Ngọc)
- Chuỗi lúa gạo Phong Thử (xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ ở Điện Thọ)
- Chuỗi dầu phụng đất Quảng (xây dựng vùng chuyên canh đậu phụng ở Điện Quang).