Vươn lên trong gian khó
Sau 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966 và 1966-1967) của địch trên chiến trường miền Nam bị thất bại, Thường vụ Khu ủy Khu V và Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập Mặt trận 44 Quảng Đà vào tháng 7.1967 để chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân 1968. Qua 3 chiến dịch (3 đợt) năm 1968, Mặt trận 44 Quảng Đà nói riêng và các lực lượng khác của ta nói chung chủ yếu tiến công và nổi dậy tập trung vào các thành phố, thị xã, thị trấn tiêu diệt được một bộ phận quan trọng của địch làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch. Đây là những đòn bẩy đầu tiên để Mặt trận 44 Quảng Đà liên tiếp lập nhiều chiến công khi cuộc chiến tranh đi vào hồi quyết liệt nhất.
Đến cuối tháng 3.1969, quân và dân Quảng Đà đã diệt và làm bị thương hơn 16 nghìn binh sỹ địch, phá hủy 346 máy bay, 147 xe quân sự, đốt hơn 10 triệu tấn xăng đầu và bom đạn, đánh chìm 2 tàu thủy trong đó có tàu hộ tống của Hạm đội 7 của Mỹ… Các lực lượng thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà đã khiến địch thất điên bát đảo khi diệt gọn Đại đội biệt kích Mỹ trên đỉnh Bà Nà, tập kích diệt gọn tiểu đoàn biệt kích vùng tại sân bay Nước Mặn, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở căn cứ Quận lỵ An Hòa – Đức Dục… Theo Đại tá Lê Công Thạnh – Nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 44 Quảng Đà, với sự hỗ trợ trực tiếp của Sư đoàn bộ binh 711 và các đơn vị chủ lực Quân khu, Mặt trận 44 Quảng Đà đã đánh bại cơ bản kế hoạch “bình định nông thôn” mở lại đồng bằng bị địch lấn chiếm trong thời gian trước tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng cách mạng.
Từ năm 1972, lực lượng của Mặt trận 44 Quảng Đà ngày càng phát triển hùng hậu và dần trở thành nòng cốt trong nhiều trận đánh đồn bốt của địch, phá khu dồn, mở rộng vùng giải phóng ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn. Trong trận đánh cuối cùng giải phóng thành phố Đà Nẵng, Mặt trận 44 Quảng Đà theo mệnh lệnh của Quân khu tập trung lực lượng ở hướng ven biển từ Non Nước đến Sơn Trà chặn đường tháo chạy của địch. Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ, các Trung đoàn 96 và 97 của Mặt trận đã phối hợp nhịp nhàng với Sư đoàn 2 của Quân khu và Quân đoàn 2 của Bộ Quốc phòng thọc sâu, đánh chiếm nhiều vị trí trọng yếu của thành phố Đà Nẵng khiến quân địch nhanh chóng tan rã vào chiều 29.3.1975.
Nghĩa tình đồng đội
Trong chiến tranh, không có chiến trường nào không gian nan, ác liệt nhưng mặt trận Quảng Đà vẫn được xem là một trong những nơi khắc nghiệt nhất của cuộc chiến. Ở đó, vấn đề “3Đ” gồm “đói, đau và đạn” có nhiều lúc khiến những chỉ huy của mặt trận phải bức xúc và xót xa. Nhưng càng ác liệt và kham khổ, cái tình của người lính càng phát huy giúp họ dìu nhau quan gian khó. Ông Huỳnh Đức Nữa (Điện Ngọc, Điện Bàn), một cựu binh của Mặt trận 44 bộc bạch, thời điểm đó cái gì cũng thiếu thốn đã thế thuốc men càng hạn chế hơn, thương binh nhẹ nhường thuốc cho thương binh nặng, nhiều lúc đói quá phải ăn cả lá cây thế mà khi nghe quân y kêu gọi cho máu cứu đồng đội thì anh em ai cũng nhiệt tình chia sẻ.

Các cựu binh của Mặt trận 44 Quảng Đà trong một lần hội ngộ.
Đại tá Lê Công Thạnh rưng rưng, quên sao được những tấm gương của cán bộ, chiến sĩ vận tải Tiểu đoàn 140 bị đói vì hết thức ăn nên anh em nêu sáng kiến mỗi Tiểu đội nhịn cơm cho 4 đồng chí ăn để đi cõng đạn tiếp cho các đơn vị rồi các cơ sở của xã Điện Tiến, Hòa Tiến cải trang chuyển bộ hàng trăm quả đạn ĐKB cho quân ta đánh vào sân bay Đà Nẵng. Rồi trường hợp đồng chí Trần Văn Công – Chính trị viên tiểu đoàn 3 pháo binh 577 đi công tác bị Mỹ phục kích bị thương nặng, cố ẩn núp viết vào sổ tay nộp tiền Đảng phí còn lại giao cho chi bộ làm quỹ. Trong trận đánh diệt gọn tiểu đoàn biệt kích Nùng tại Non Nước, trong lúc loay hoay tìm cách mở cửa, đồng chí Phan Hiệp (tức Phan Hành Sơn) đã nằm mình trên dây thép gai cho đồng đội xung phong còn đồng chí Alăng Bờ Lờ - Huyện đội trưởng Hiên leo lên cành cây cao làm ổ quạ cho trinh sát núp quan sát các tổ biệt kích hay đồng chí Alăng Pin – Giằng lên cây nằm phục kích nhiều ngày liền để bắn cháy máy bay trinh sát Mỹ.