Như chúng ta đã biết, trên đà những thắng lợi to lớn của nhân dân ta ở cả 2 miền Nam - Bắc trong 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1966 và 1967, Mỹ -Ngụy đã bị tổn thất nặng nề về lực lượng, thất bại cả về quân sự và chính trị, thất bại cả về chiến lược, chiến thuật. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam nhằm giáng một đòn sấm sét vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và vạch rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả 2 miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”. Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Mục tiêu là đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ- ngụy, trong các thành phố, các thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam, hỗ trợ cho lực lượng quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Khu ủy V đã quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà, chỉ đạo cho Bộ Tư lệnh quân khu V bổ sung quân cho Quảng Đà và thành lập Mặt trận 4. Đặc khu Quảng Đà được xác định là chiến trường trọng điểm của Khu V trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân.
Chủ trương của Khu ủy V và Đặc Khu ủy Quảng Đà là: địa phương nào giải phóng địa phương đó bằng hai hình thức dùng quân sự tấn công địch và đưa quần chúng lên bằng hình thức vũ trang khởi nghĩa, chứ không đơn thuần là đấu tranh chính trị để tấn công địch, để giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng thời, giao cho Điện Bàn tổ chức lực lượng khởi nghĩa để chi viện cho thành phố Đà Nẵng và Hội An.
Tại Điện Bàn, ngày 25 tháng chạp âm lịch, Huyện ủy Điện Bàn triệu tập Hội nghị mở rộng tại xã Điện Tân (nay là xã Điện Phong) với sự tham dự của các đồng chí trong Huyện ủy và các đồng chí chủ chốt của các ngành công an, huyện đội, đấu tranh chính trị và binh vận của Huyện để quán triệt chủ trương mới của cấp trên, thảo luận tình hình địch, ta và đề ra biện pháp thực hiện. Hội nghị xác định: trọng điểm tổng tấn công và nổi dây của huyện là chi khu, quận lỵ Điện Bàn (nội ô Vĩnh Điện), đồng thời hỗ trợ cho quần chúng trong huyện nổi dậy; mặt khác, các địa phương có chốt điểm của địch sẽ tổ chức lực lượng quần chúng của xã hoặc liên xã nhằm tiến công bức rút các chốt điểm và kêu gọi đầu hàng.
Lực lượng địch (chủ yếu là khu vực quận lỵ) lúc bấy giờ có 7 đại đội lính Bảo an đóng xung quanh quận lỵ và cơ động trên trục giao thông quốc lộ 1A, 22 trung đội nghĩa quân và bộ máy tề cấp quận và xã đang tập trung tại quận lỵ. Đặc biệt về quân chủ lực, địch có đại đội lính “Rồng Xanh” Nam Triều Tiên có trang bị pháo 105 ly đóng tại phía Nam quận lỵ.
Về lực lượng của Huyện có 3 đại đội bộ đội địa phương (mỗi đại đội có 20-30 chiến sĩ). Huyện ủy cũng rút thêm 100 du kích các xã lên bổ sung cho bộ đội huyện. Bộ đội được trang bị súng AK, B40, thủ pháo, lựu đạn và đặc biệt là mìn định hướng để phá rào kẽm gai của địch. Để tổ chức lực lượng vũ trang khởi nghĩa, Huyện ủy cũng đã phân công các đồng chí trong Huyện ủy và cán bộ chủ chốt của các ban, ngành của huyện xuống đứng cùng các xã để tổ chức lực lượng khởi nghĩa; điều động một số cán bộ cơ sở là nữ ở các xã để xây dựng các tổ xung kích như: binh vận xung kích, đấu tranh chính trị xung kích... Tại Gò Nổi, tổ chức được 1 tổ xung kích gồm 10 đồng chí; ở vùng cát tổ chức được 01 tổ 7 đồng chí.
Sau hội nghị, Huyện ủy phân công các đồng chí trong Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách từng vùng, từng xã ngày đêm xuống các xã triển khai tổ chức học tập trong nhân dân, sẵn sàng xuống đường giành chính quyền. Xưởng quân giới sản xuất thêm lựu đạn, thủ pháo, bộc phá, mìn các loại, lực lượng giao vận chuẩn bị huy động các phương tiện phục vụ chiến trường; nhân dân các xã đã đóng góp trên 600 tấn gạo phục vụ chiến dịch. Lực lượng chính trị của quần chúng, các xã đã huy động hơn 5.000 đồng bào vùng A, B, C chi viện cho thành phố Đà Nẵng. Hơn 1.000 đồng bào các xã Điện Hải, Điện Thành chi viện cho Hội An.
Công tác chuẩn bị đã hoàn thành, tối 27-1-1968 các đại đội bộ đội huyện bí mật hành quân xuống trú quân tại Điện Nam, Điện Thành (nay là Điện Phương). Lực lượng chính trị quần chúng từ các xã Gò Nổi tiến về Vĩnh Điện, do đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Bí thư Huyện ủy trực tiếp chỉ huy, cùng với đồng chí Nguyễn Thành Phương, Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Để phối hợp với lực lượng vũ trang đánh địch, tổ quyết tử binh vận và đấu tranh chính trị gồm những đảng viên nữ trung kiên đưa vào Vĩnh Điện nhằm vận động các gia đình, phát lời kêu gọi của Mặt trận cho các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, làm bọn tề ngụy hoang mang.
Tại các xã vùng Gò Nổi, gần ngàn hộ dân bám trụ trong những ngày cận Tết, khắp các xóm thôn mọi người đều phấn khởi học tập quán triệt tinh thần “xuống đường giành chính quyền về tay nhân dân”, với khẩu hiệu “Thiệu-Kỳ không đổ, không giỗ, không tết”… Chiều 30 tháng chạp âm lịch, nhận lệnh khởi nghĩa, các đoàn quân của các địa phương tổ chức lễ tuyên thệ với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trừ người già, trẻ em ở lại giữ nhà, còn tất cả đều xung phong đi khởi nghĩa và được biên chế vào từng tiểu đội, trung đội, đại đội có vũ trang bằng vũ khí thô sơ (mỗi người tự trang bị 1 dao lỡ hoặc dao phay, hoặc cây gậy có dây…). Cả một vùng quê Gò Nổi vô cùng ác liệt, không ngày đêm nào không có tiếng đại bác, tiếng bom của kẻ thù, đã dậy lên trên các ngả đường, tiếng người nói, tiếng cười râm ran, trong ánh đèn pin, đèn gió soi sáng bước chân đi giành chính quyền.
Giao thừa tết Mậu Thân năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc tết đồng bào, chiến sỹ cả nước:
“ Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.
Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!”
Sau lời chúc Tết của Bác Hồ, theo kế hoạch, Bộ đội huyện đã nổ súng tấn công vào quận lỵ, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Đại đội 2 bắn quả B40 đầu tiên vào lô cốt đen, tiếp đó tổ bộc phá dùng mìn định hướng quét hàng rào bùng nhùng mở cửa cho đại đội tiến công địch. Ở cổng bắc và cổng Tây quận lỵ, đại đội 1 và đại đội 3 nhanh chóng triển khai đội hình đánh địch. Về cơ bản, bộ đội ta đã chiếm lĩnh được quận lỵ và làm chủ chi khu quận lỵ trong đêm 30 rạng sáng ngày mùng một Tết. Song liền sau đó, bọn lính Nam Triều tiên đóng phía Nam quận lỵ tổ chức phản kích mạnh, lực lượng ta bị tổn thất, hy sinh, bị thương và một số đồng chí bị địch bắt, do đó, bộ đội ta đã không làm chủ được quận lỵ.
Đối với lực lượng chính trị quần chúng, hơn 2.000 người, sáng ngày mồng một tết, từ các xã vùng Gò Nổi chia làm 2 mũi, một qua sông tại bến đò Phương Trà (Điện Bình), một qua sông đến Cẩm Đồng, thẳng tiến về Vĩnh Điện. Đoàn quân khởi nghĩa từ hướng Điện Bình, đi đầu là lực lượng xung kích quần chúng gồm một Đại đội quyết tử do đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, Bí thư Huyện đoàn làm Đại đội trưởng, đồng chí Nguyến Thị Hồng, Hội trưởng phụ nữ huyện làm Chính trị viên, dẫn đầu đoàn người hiên ngang với cờ Mặt trận, băng rôn, khẩu hiệu nhằm hướng tiến vào quận lỵ (tại Vĩnh Điện). Bọn lính Bảo an, lính Nam Triều tiên đã củng cố lực lượng, triển khai đội hình về phía nam quận lỵ, tại đoạn đường giáp ngã ba lên thôn Bồng Lai (Điện Minh) chúng án ngữ đặt các ụ súng đại liên. Thấy đoàn người hùng dũng thẳng tiến, lúc đầu bọn địch bắn dọa hàng loạt đại liên trên đầu. Bất chấp hiểm nguy, đồng chí Nguyễn Thị Hồng cầm cờ Mặt trận xông lên phía trước kêu gọi đồng bào tiến lên. Địch bắn đồng chí gãy một tay, một tay còn lại đồng chí vẫn giương cao cờ xông tới, bọn địch dã man đã bắn thẳng vào đội hình quyết tử, đồng chí Hồng cùng nhiều người dân hy sinh và bị thương. Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy trực tiếp cùng lực lượng vũ trang chính trị đang tiến về Vĩnh Điện đã nhanh chóng nhận định bộ đội không làm chủ được quận lỵ, địch phản kích mạnh, nếu tiếp tục đưa đoàn khởi nghĩa tiến lên thì sẽ tổn thất lớn do đó cho lui quân và chờ lệnh mới.
Tại vùng A, B thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Điện Bàn đã huy động hàng ngàn quần chúng vào Đà Nẵng trước Tết, đã có 4.600 quần chúng được phân thành 22 đại đội tiến vào thành phố Đà Nẵng, nhưng vừa xuất quân thì được lệnh hoãn giờ khởi nghĩa. Qua sáng ngày 31-1-1968 lực lượng này trên đường tiến vào Đà Nẵng đã bị bọn địch chặn lại nhiều nơi, chỉ có một đại đội binh vận ra tới ngã ba Huế, nhưng do không có lực lượng bên trong nội thành phối hợp, lại bị quân địch phản kích mạnh nên phải rút lui.
Giữa lúc lực lượng quân sự, lực lượng chính trị quần chúng triển khai theo phương án đề ra trên toàn huyện, thì Đặc Khu ủy, Bộ tư lệnh Mặt trận Quảng Đà nhận được điện khẩn của cấp trên về việc hoãn và dời cuộc tiến công và nổi dậy sang đêm 31/01 (rạng sáng ngày 01/02/1968). Do lệnh hoãn đến quá gấp, không thể truyền đạt đến tất cả các đơn vị bộ đội, các địa phương đang trong tư thế chờ giờ G nổ súng, nên cuộc tiến công và nổi dậy ở chiến trường Quảng Đà nói chung, Điện Bàn nói riêng vẫn thực hiện theo kế hoạch vào đêm 30 rạng ngày 31/1/1968.

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã tiến công mạnh mẽ vào hầu hết các cơ quan, đồn bốt của địch. Về cơ bản, ta đã tiến công vào Vĩnh Điện và làm chủ quận lỵ trong đêm 30 rạng sáng mồng một tết và ngày hôm sau quần chúng khỏi nghĩa ở 6 xã Gò Nổi đã áp sát vào quận lỵ Điện Bàn.
Tuy chưa giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng ý nghĩa của thắng lợi trong Xuân Mậu thân 1968 thật to lớn: Quân và dân Điện Bàn đã giáng một đòn sấm sét vào ngụy quân, ngụy quyền tại địa phương, đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân ở Quảng Đà và góp phần vào thắng lợi có ý nghĩa chính trị trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam; đã làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới, đánh bại những cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giáng đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) ở Điện Bàn, đã cho thấy, Huyện ủy đã tiếp thu chủ trương của cấp trên kịp thời và khẩn trương lãnh đạo, triển khai đảm bảo bí mật, thực hiện chu đáo kế hoạch chiến trường trước, trong và sau trận đánh lịch sử. Quá trình chuẩn bị và khi đã tổ chức lực lương chính trị quần chúng xuống đường khởi nghĩa bị địch phản công quyết liệt đã kịp thời xử lý tình huống cho lui quân, nên hạn chế được tổn thất về người.
Đội ngũ cấp ủy, đảng viên, bộ đội, du kích các xã trong huyện đã rất kiên cường trong các mũi tiến công; nhân dân thủy chung với cách mạng, một lòng tin tưởng vào Đảng, nên huyện đã huy động hàng ngàn người dân bám trụ tại các vùng theo tiếng gọi của Đảng xuống đường tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trên các địa bàn huyện và thành phố Đà Nẵng.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân-1968 đã đi qua 50 năm nhưng vẫn còn mang ý nghĩa sâu sắc về bài học trong công tác lãnh đạo của Đảng, về sự phối hợp các lực lượng, về tập hợp, huy động sức mạnh của nhân dân, về niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, vẫn mãi mãi thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn trên bước đường phát triển đi lên, ngày càng giàu mạnh, văn minh.