Điện Bàn có diện tích tự nhiên là 21.471 ha, trong đó có 10.046 ha đất nông nghiệp. Dân số có 203.295 người. Đơn vị hành chính gồm 20 xã, phường trong đó phường Vĩnh Điện là trung tâm thị xã.
Địa bàn thị xã Điện Bàn trải từ 15o50 đến 15o 57 vĩ độ Bắc và từ 108o đến 108o 20’ kinh độ Đông, cách tỉnh lỵ Tam Kỳ 48km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 25km về phía Nam. Phía Bắc giáp huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Đông Nam giáp thành phố Hội An, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Đại Lộc.
Vùng đất Điện Bàn xưa thuộc đất Việt Thường Thị của vua Hùng. Từ năm 214 đến năm 205 TCN, thời nhà Tần, thuộc Tượng Quận. Từ năm 206 TCN đến năm 192 SCN, thời nhà Hán, thuộc quận Tượng Lâm và từ năm 192 đến năm 1306 thuộc vương quốc Chăm Pa. Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý cho nhà Trần để làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân. Năm 1307, hai châu Ô và Lý được đổi thành Thuận Châu, Hóa Châu. Vùng đất Điện Bàn thuộc phần đất phía Nam của Hóa Châu.
Năm 1435, địa danh Điện Bàn được Nguyễn Trãi ghi vào “Dư địa chí” gồm 95 xã thuộc phủ Triệu Phong của lộ Thuận Hóa.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1520, vua Lê Chiêu Tông đổi thành trấn Quảng Nam. Điện Bàn bấy giờ là một huyện thuộc phủ Triệu Phong của trấn Thuận Hóa. Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi thành dinh Quảng Nam và năm 1604 tách huyện Điện Bàn ra khỏi trấn Thuận Hóa, thăng lên thành phủ và nhập về Quảng Nam. Dinh trấn Quảng Nam đóng tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, do các công tử của Chúa Nguyễn lần lượt đến trấn thủ.
Năm 1803, vua Gia Long lập Dinh Quảng Nam gồm 2 phủ: Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn gồm 2 huyện: Diên Phước và Hòa Vang. Năm 1806, dinh Quảng Nam đổi thành trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh Sư. Năm 1827, vua Minh Mạng cho đổi thành trấn Quảng Nam. Năm 1832, đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1833, tỉnh đường Quảng Nam được xây dựng tại làng La Qua. Năm 1899, Điện Bàn có thêm huyện Đại Lộc. Sang đầu thế kỷ XX, khi huyện, phủ thành những đơn vị hành chính riêng thì huyện Điện Bàn hôm nay chính là phần đất của huyện Diên Phước trước đây.
Điện Bàn đã được biết đến là vùng đất trù phú với nhiều sản vật dồi dào, là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Nam, đồng thời rất nổi tiếng với các ngành nghề: trồng dâu nuôi tắm, ươm tơ dệt lụa, làm đường bát, trồng đay dệt chiếu, làm đồ gốm, đúc đồng Phước Kiều...
Điện Bàn được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt” với vinh danh “Ngũ phụng tề phi” “Tứ hổ đăng khoa” gắn liền với tên tuổi các nhà khoa bảng, danh nhân, chí sĩ nổi tiếng như: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Thành Ý, Phạm Như Xương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phan Thúc Duyện, Lê Đình Thám, Phan Thanh, Phan Bôi...
Nói đến Điện Bàn cũng là nói đến vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của cả nước như: Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Phan Vinh, bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ... Toàn huyện có 18.920 liệt sĩ, 7.236 thương binh, 492 bệnh binh và 1611 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 49 mẹ còn sống.
Thị xã Điện Bàn có 21 tập thể, 47 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Qua 38 năm hòa bình và xây dựng, Điện Bàn không ngừng đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - văn hóa-xã hội. Điện Bàn cơ bản thành huyện Công nghiệp vào năm 2010. Điện Bàn có 3 tập thể, 5 cá nhân vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”. Trong đó huyện Điện Bàn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” vào năm 2005.
Ngày 11 tháng 3 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết công nhận Điện Bàn thành Thị xã. Đây là dấu ấn vô cùng quan trọng, khẳng định vai trò, vị thế của Điện Bàn, là động lực mạnh mẽ để Điện Bàn tiếp tục phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thị xã Điện Bàn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lương Mỹ Linh - Phòng VHTT Điện Bàn