Đồng chí tổ chức nhiều trận đánh, trong đó trận đánh đồn Cổ Cò, do đồng chí chỉ huy đã tiêu diệt một trung đội lính viễn chinh Pháp. Sau 1954, Trần Mãi ở lại địa phương, sát cánh cùng cơ sở, xây dựng phong trào.
Bấy giờ, làng Đông Hồ, bọn Mỹ Diệm ra sức khủng bố tiêu diệt cơ sở cách mạng và đàn áp nhân dân. Hoạt động trong nanh vuốt của kẻ thù nhưng đồng chí luôn gần gũi với nhân dân và động viên gia đình cơ sở đấu tranh chờ ngày đồng khởi.
Từ năm 1960 đến cuối năm 1962, những tên ác ôn, chỉ điểm là nỗi kinh hãi đối với dân làng. Bọn chúng phối hợp cùng bọn tề ngụy thường xuyên tổ chức nhiều cuộc lùng ráp, nhất là những gia đình có người thân tham gia cách mạng, bị tra tấn, hành hạ một cách dã man. Để ngăn chặn âm mưu thâm độc của kẻ thù, đồng chí Mãi luôn bám sát mọi hành động của chúng. Một mặt, đồng chỉ rải truyền đơn tuyên truyền, tổ chức treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam khiến cho bọn ngụy tề hoang mang, dao động. Nhờ đó giảm số lần lùng sục bắt bớ dân lành, cơ sở cách mạng ở đây hoạt động có nhiều thuận lợi.
Năm 1962, ở Đông Hồ có hai tên ác ôn khét tiếng. Bọn chúng từng gây nợ máu đối với nhân dân. Chúng quyết tâm lùng bắt cho được các đồng chí cán bộ Huyện ủy Điện Bàn để xóa sạch cơ sở cách mạng. Nhận thấy thủ đoạn nham hiểm của 2 tên ác ôn, đồng chí Trần Mãi nhiều lần cải trang lúc thì giả làm người nông dân cày ruộng, lúc làm người dân buôn bán, rồi có lúc nằm hè, ngủ bụi để theo dõi. Một ngày năm 1962, được đồng đội yểm trợ, đồng chí Mãi cải trang làm người dân buôn khống chế chúng. Vì quá bất ngờ, tên ác ôn trở tay không kịp. Cuối cùng tên ác ôn theo đồng chí về Đình làng Đông Hồ. Tại đây, đồng chí Mãi nhân danh chính quyền cách mạng luận tội và xử bắn. Vài hôm sau, đồng chí Trần Mãi quyết tâm diệt tiếp tên ác ôn thứ 2, bằng cách thay hình đổi dạng, ngày đêm bám sát hắn. Cuối cùng tên ác ôn đã đền tội. Chiến công này, đồng chí Trần Mãi được Huyện ủy Điện Bàn tuyên dương, nhân dân hết lời khen ngợi, cảm phục.
Trụ sở xã Thanh Phong, nay là xã Điện An là cơ quan đầu não của bọn hội đồng tề ngụy, nơi đây, chúng bày mưu tính kế đàn áp phong trào các mạng, bắt bớ dân lành vô tội. Thấy rõ tội ác của bọn chúng, Trần Mãi bao đêm trăn trở quyết tâm tiêu diệt. Một ngày tháng 5 năm 1962, đồng chí Trần Mãi phối hợp cùng đội công tác xã Điện An, giữa ban ngày, anh cải trang làm người dân đột nhập vào Hội đồng xã Thanh Phong trong lúc chúng đang làm việc. Do quá bất ngờ, bọn chúng trở tay không kịp. Anh nổ súng tiêu diệt 4 tên ác ôn có nợ máu đối với nhân dân.
Cuối năm 1962, Trần Mãi được cấp trên bổ nhiệm giữ chức vụ Tiểu đội trưởng Đội vũ trang Điện Bàn. Lúc nầy các thôn La Thọ Bắc, La Thọ Nam, Đông Hồ, xã Điện Hòa tình hình an ninh khá phức tạp. Bọn ác ôn, chỉ điểm cùng bọn dân vệ, ngụy quân, ngụy quyền ra sức lùng sục cắt đứt đường dây liên lạc của cơ sở cách mạng. Trước tình này, Huyện ủy Điện Bàn giao nhiệm vụ cho Đội vũ trang về thôn La Thọ Bắc và Quan Hiện. Nhận nhiệm vụ, đồng chí Trần Mãi cùng đội công tác về địa điểm phân công và thường xuyên theo dõi địch; rồi tổ chức cải trang tiếp cận, cuối cùng đồng chí tiêu diệt được hai tên ác ôn chỉ điểm. Nhờ đó hệ thống liên lạc của cách mạng hoạt động thông suốt.
Cuối tháng 3 năm 1963, trong một lần đi công tác đồng chí Trần Mãi không may sa vào ổ phục kích của địch và anh dũng hy sinh để lại bao niềm tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân và đồng đội.
Tên tuổi và những chiến công của liệt sĩ Trần Mãi được trang trọng ghi dấu trong trang sử vàng của Đảng bộ xã Điện An và xã Điện Hòa. Ghi nhận thành tích chiến đấu của của đồng chí Trần Mãi, Đảng bộ và nhân dân xã Điện Hòa đề nghị Đảng vả Nhà nuớc truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho đồng chí Trần Mãi.