Xóm Rừng nghèo lắm, nỗi cơ cực nhọc nhằn đè nặng trên đôi vai của bao bà mẹ, người chị. Bữa ăn thường nhật chỉ dựa vào cánh đồng Bàu Đưng úng thủy, chua phèn. Khó khăn thiếu thốn là vậy, nhưng suốt những năm khói lửa, người Xóm Rừng vẫn luôn son sắt, thủy chung với Đảng, với cách mạng. Dù bọn giặc có tàn bạo, hung ác đến đâu nhưng không thể ngăn cản lòng yêu nước, bóp nghẹt tinh thần đấu tranh của người dân nơi đây. Bà con âm thầm đào hầm nuôi giấu, chở che, đùm bọc những người con của làng làm nhiệm vụ cánh mạng. Xóm Rừng trở thành địa chỉ tin cậy, căn cứ địa vững chắc của cán bộ, chiến sĩ dân quân du kích địa phương trong những tháng ngày dầu sôi, lửa bỏng. Cũng từ mảnh đất này đã sản sinh, nuôi dưỡng và hun đúc lý tưởng cách mạng của nhiều bà mẹ và chiến sĩ cách mạng.
Mỗi tấc đất, từng bờ tre, giếng nước nơi đây đã chứng kiến bao sự kiện bi hùng và gan góc, kiên cường của người dân Xóm Rừng. Nhớ về ký ức một thời, nhiều người xóm Rừng không giấu nỗi niềm tự hào, họ thường nhắc nhau và truyền dạy lại cho con cháu về những mẫu chuyện “Đội du kích thiếu niên xóm Rừng” vang danh một thời.

Dấu tích Đồn Trảng Nhật nơi các em thiếu niên giả chăn trâu
để trà trộm vào lấy vũ khí.
Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, các thiếu niên Xóm Rừng sớm tiếp thu tinh thần yêu nước của lớp cha, anh đi trước. Chính lòng yêu nước đã nuôi dưỡng tinh thần và thúc giục các thiếu niên Xóm Rừng hành động. Xóm Rừng đã thành lập “Đội du kích thiếu niên” là Lê Tự Nhất Thống cùng các đồng đội là Lê Văn Tư, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Hữu Tiền, Đàm Cảnh, Trương Thị Hú... Từ những câu chuyện được nghe về tinh thần giết giặc chống càn của lớp đàn anh đi trước như anh Lê Tự Ngư, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Chàng, Lê Tự Thái…họ càng hăng hái quyết lập nhiều chiến công để xứng đáng với sự tin yêu của lãnh đạo xã và nhân dân.
Sau năm Mậu Thân 1968, địch ra sức đánh phá đường dây của ta nên vũ khí tiếp viện cho đội quân du kích gặp nhiều khó khăn. Đội thiếu niên quyết tử đã giả đi chăn trâu, cắt cỏ vào sát đồn bốt của địch để nhặt súng đạn. Một số giả đi nhặt phế liệu để vào hầm rác tìm kiếm đạn dược của địch. Có đợt các thiếu niên mang về cho đội du kích tập trung ba cây súng M72, hơn 100 viên đạn, gần 70 quả M26, hơn 100 qủa mìn díp và mìn ba càng, hàng ngàn viên đạn AR15.
Ngày 20/10/1969, đội trưởng Lê Tự Nhất Thống bàn bạc kế hoạch cụ thể để tiêu diệt bọn Mỹ kép. Nhờ sự báo tin của quần chúng, đội biết rõ bọn Mỹ kép đóng tại nhà ông Hai Lân. Đúng 8 giờ tối đồng chí Lê Văn Tư đứng cánh Miếu họ Trương, Lê Tự Nhất Thống đứng cánh Viêm Tây để chi viện cho Lê Văn Tư phát hỏa. Đúng như kế hoạch đội đã dự định, bọn Mỹ kép rút về đồn Trảng Nhật và bị du kích thiếu niên tiêu diệt gọn. Khoảng 10 giờ tối địch gọi máy bay tới chở xác 3 tên, 2 tên bị thương bỏ chạy thục mạng. Sau chiến công vang dội ấy, đội du kích Xóm Rừng được lãnh đạo xã trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Đội du kích thiếu niên quyết tử của Nhất Thống vừa làm nhiệm vụ canh gác cho các anh chị cán bộ mỗi khi tổ chức mít tinh, hoặc đi chăn trâu giữ bò để lượm mảnh đại bác, mảnh pháo và kiếm thuốc nổ để dồi thành mìn tự tạo cải tiến đánh địch. Có lần ba tên lính ở nhà ông Quát sơ hở nên hai chiến sĩ nhỏ tuổi canh gác cho Nhất Thống đột nhập vào lấy 2 cây súng mang về Xóm Dưới trao cho du kích.
Dù tuổi đời còn trẻ, song bằng mưu trí, sự khôn khéo, Đội du kích Xóm Rừng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đội du kích thiếu niên quyết tử có nhiều cách đánh táo bạo. Như có trận dụ hai tên lính Mỹ xuống xóm; giả đò làm mai cho các cô gái đẹp. Lính Mỹ nghe mùi mẫn nên có 2 tên vào nhà dân tán tỉnh các cô gái. Nhất Thống cùng 3 em trong đội chờ sẵn xông vào bắt sống 2 tên lính, dẫn lên giao cho anh Chương, anh Mai Miền du kích xã. Năm 1969, tỉnh và huyện có chủ trương cho thiếu niên học tiếng bồi để nói chuyện với lính Mỹ, với lính Đại Hàn. Đội du kích thiếu niên quyết tử có 5 em đi học như Đỗ Sáu, Hữu Tiền, Tự Kiện, Ngô Thị Mai, Trương Thị Hú (em). Lớp học được mở ở thôn Quan Hiện xã Điện Hòa trong 7 ngày. Nhờ đó sau này các em có thể lên đồn Mỹ, giả đò đau đủ thứ bệnh để xin thuốc của Mỹ đem về cho cán bộ du kích. Đặc biệt, một lần đội du kích quyết tử ngồi họp bàn công tác, quân Mỹ ập vào đến chỗ họp. May thay em Ngô Thị Mai phát hiện, hô to có Mỹ, rồi tiến đến chào các tên Mỹ, nhờ đó cả tổ được báo động chạy thoát.

Bà Nguyễn Thị Tân kể về một thời hoa lửa ở Xóm Rừng
Năm 1970, sau khi Mỹ rút khỏi đồn Trảng Nhật giao quân ở quán Bốn Anh (Lầu Sụp), Nhất Thống nghĩ ra cách đặt mìn làm sao để diệt địch. Sau nhiều ngày theo dõi, Nhất Thống để ý 1 tốp lính đang hành quân ở xóm Trảng Nhật, anh đặt 1 quả đạn 29 vào vị trí địch qua lại. Lựu đạn phát nổ, khiến 2 tên lính Mỹ bị chết, 1 tên bị thương.
Ngoài việc bám thắt lưng Mỹ mà đánh, Đội du kích Xóm Rừng còn tham gia diệt ác ôn. Trong đó, có trận Lê Tự Nhất Thống lên kế hoạch phải bắn cho được tên ác ôn khét tiếng. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Thống bàn kế hoạch với các anh em du kích nhất định làm sao phải tiêu diệt cho được tên này trả thù cho những người Xóm Rừng bị hắn giết hại. Các thành viên trong đội có nhiệm vụ bí mật theo dõi giờ giấc di chuyển của tên ác ôn và ra ám hiệu cho Thống. Trận đó, Lê Tự Nhất Thống đã diệt được tên ác ôn và tên lính đi kèm.
Chuẩn bị Tết 1971, Điện Thắng được cấp trên phân công chuẩn bị lương thực vũ khí phục vụ chiến dịch. Xóm Rừng đã chôn giấu 5 tấn gạo dự trữ và 10 phi xăng, hàng ngàn quả B40 (do bà Nguyễn Thị Xê- cán bộ kinh tài giao cho thiếu niên ưu tú thực hiện); suốt đêm các em tập trung đào đất ngoài vườn hoang, gò mã để chôn. Nhờ sự động viên của Nhất Thống nên thanh thiếu niên không biết mệt mỏi, thậm chí thức trắng đêm để đào đất chôn vũ khí lương thực. Từ đội du kích quyết tử, nhiều đội viên quả cảm đã được đứng vào hàng ngũ của đoàn. Chi đoàn có Trương Thị Hú (chị), Ngô Thị Cúc, Lê Tự Trịnh Nguyễn Thị Sáu, Lê Tự Nhất, Lê Tư, Đàm Cảnh, Lê Tự Kiện, Ngô Thị Mai, Đỗ Sáu, Nguyễn Hữu Tiền. Trong đội cũng có Lê Văn Tư, Phạm Thị người Quan Hiện- Điện Hòa; Đỗ Sáu người Phong Lục Tây- Điện Thắng... (các em này theo cha mẹ tạm lánh đến đây). Dưới sự lãnh đạo của Nhất Thống - Thường vụ xã đoàn phụ trách thiếu niên, Chi đoàn đội quyết tử đứng chân trên mảnh đất Xóm Rừng đã tổ chức đánh địch ở nhiều nơi. Tuy ở bên nách địch nhưng đội cũng tổ chức sinh hoạt ca hát, ngày rằm trung thu được mẹ chị phát quà. Cuối năm 1971, Thống, Cảnh, Nhứt, Hú (chị), Hú (em), Cúc, Trịnh đều lần lượt hy sinh. Riêng Nguyễn Thị Sáu, Đỗ Sau, Hữu Tiền thì bị địch truy tìm ráo riết. Năm 1972, trong đêm đại hội tại Viêm Tây, Xóm Rừng có 3 thiếu niên tuổi 16,17 đăng ký đi bộ đội. Kiện vào đơn vị đặc công. Mai lên dân y Quảng Đà. Đỗ Kiệt đi bộ đội C1Điện Bàn, còn Sáu được tổ chức cho phép tạm lánh một thời gian để giữ thế hợp pháp. Còn Tiền và Sau bị địch bắt. Lúc này Xóm Rừng coi như trắng tổ chức Đoàn, chỉ còn vài nhà cơ sở và nhà cô Nguyễn Thị Xê hoạt động, khó khăn chồng chất. Tiếp đó cô Ba Xê Bí thư chi bộ Đảng hy sinh. Mãi đến năm 1973, đồng chí Phạm Thập về nhen nhóm lại cơ sở phát triển lại tổ chức Đoàn Thanh niên nơi đây.
Hình ảnh đẹp đẽ của Đội du kích Xóm Rừng cho đến nay vẫn sáng ngời trên trang sử của xã Điện Thắng cũng như trong lòng những đồng chí, đồng đội năm xưa. Sự hy sinh của các đội viên du kích khi tuổi đời còn rất trẻ để lại bao tiếc thương và khâm phục, là truyền thống yêu nước vô cùng quý báu cho các thế hệ người dân Xóm Rừng – Điện Thắng nói riêng, quê hương Điện Bàn thân yêu!
(Bài viết dựa theo lời kể của người dân Xóm Rừng và bà Nguyễn Thị Tân nguyên cán bộ xã Đoàn Điện Thắng, người trực tiếp chỉ huy và chiến đấu trong giai đoạn này)