Trong kháng chiến chống Mỹ, Điện Bàn là nơi chịu nhiều hy sinh mất mát nhất của tỉnh Quảng Nam. Chính vì thế, trong những ngày đầu, sau chiến tranh kết thúc, Điện Bàn là vùng hoang tàn với đầy bom mìn, thép gai và hố bom chằng chịt. Về cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp GD&ĐT rất đỗi nghèo nàn. Lúc bấy giờ, Điện Bàn chỉ có 1 trường cấp 2-3 và 2 trường cấp 1. Trong khi đó, nhu cầu học tập của con em nhân dân là vô cùng lớn, vì vậy, làm thế nào để con em nhân dân được đi học là một thách thức không hề nhỏ.
Song từ nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của sự nghiệp giáo dục đối với quá trình phát triển của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng, Đảng bộ, nhân dân địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ra sức khắc phục những khó khăn, tập trung xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ cho yêu cầu phát triển giáo dục. Chính vì thế, đến tháng 1/1997-sau 22 năm đất nước thống nhất, Điện Bàn (vẫn thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) đã thiết lập được một mạng lưới trường lớp từ MN, TH, THCS, THPT một cách có hệ thống và hợp lý, với 53 đơn vị trường học phân bố đều trên khắp địa bàn 16 xã, thị trấn; đáp ứng nhu cầu học tập của trên 40.000 HS.

Trường Mẫu giáo Phan Triêm, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn
Tuy nhiên, tình trạng CSVC bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu thốn đã đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và ngành GD&ĐT những nhiệm vụ, những vấn đề cần giải quyết hết sức nặng nề trong những ngày đầu khi mới tại lập tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Trước tình hình đó, UBND thị xã đã đề ra chủ trương “Xóa hết phòng học tạm, xây dựng phòng học mới kiên cố, từng bước tầng hóa các trường TH, THCS; tiến hành tách trường TH có qui mô trên 30 lớp và tách HS cấp 2 ra khỏi trường cấp 2-3”. Chủ trương đúng đắn đó đã không chỉ giải quyết kịp thời những đòi hỏi trước mắt mà còn tạo nên sự ổn định lâu dài, đón đầu chủ trương đổi mới sự nghiệp GD&ĐT của Đảng và Nhà nước trong tương lai. Quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện không ngừng mở rộng, phát triển đa dạng, hợp lý, phù hợp với điều kiện địa lý, KT-XH. Đồng thới hướng đến sự hoàn thiện các loại hình trường lớp theo yêu cầu đổi mới giáo dục ở những năm đầu thế kỷ 21, giải quyết nhu cầu học tập của trên 50.000 trẻ em MG và HS phổ thông và cán bộ, nhân dân.
Đặc biệt từ năm 2010, xuất phát từ các yêu cầu đổi mới GD&ĐT của cả nước và mục tiêu phấn đấu của huyện Điện Bàn trở thành thị xã và đạt thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2015; UBND huyện Điện Bàn ban hành đề án “Phát triển GD&ĐT huyện Điện Bàn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” với nhiệm vụ thống nhất qui mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn đến năm 2020, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng CSVC và các trang thiết bị dạy học, nhằm đảm bảo phát triển hợp lý qui mô mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; thực hiện xã hội hóa gắn với quá trình phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Bằng sự năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sau 5 năm triển khai thực hiện, Điện Bàn đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục. Mạng lưới trường, lớp phát triển mạnh, nhất là các cơ sở giáo dục MN, MG được qui hoạch hợp lý giải quyết kịp thời những đòi hỏi bức bách trong phát triển GD&ĐT của địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương. Đến nay, Điện Bàn có số lượng trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 100%, nằm trong tốp dẫn đầu tỉnh Quảng Nam; trong đó có 11 trường MNMG, 23 trường TH đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (dẫn đầu toàn tỉnh).

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, thị xã Điện Bàn.
Trong 5 năm đến, Điện Bàn tập sẽ trung đầu tư phát triển KT-XH đi đôi với kiện toàn bộ máy hành chính nhằm phấn đấu trở thành thị xã hoàn thiện và phát triển vào năm 2020. Phấn đấu đạt, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, trong đó, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở trang thiết bị cho ngành giáo dục – đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trước tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp ngày càng mở rộng về quy mô, nhất là ở các phường phía Đông thị xã đang có xu hướng phát triển mạnh, sẽ thu hút đông đảo nhân dân từ các nơi đến đây làm ăn, sinh sống, làm cho dân số trong khu vực này sẽ tăng nhanh, vì vậy nhu cầu được học hành, nhất là học sinh trong độ tuổi MN MG, phổ thông sẽ còn tăng nhanh. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục đến năm 2020, Điện Bàn sẽ tiếp tục tập trung qui hoạch, ổn định mạng lưới trường lớp, gắn liền với đầu tư xây dựng CSVC đạt chuẩn quốc gia đối với các trường trong khu vực phát triển đô thị; hoàn thiện CSVC đạt chuẩn quốc gia đối với 100% trường học ở các xã xây dựng nông thôn mới; đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục đồng bộ, bền vững. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT; tạo sự chuyển biến mới về điều kiện và cơ hội học tập con em học sinh và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị để xây dựng Điện Bàn thành thị xã hoàn thiện và phát triển vào năm 2020.
|