Nội dung chi tiết

Sức sống mới của những con người trở về từ bom đạn
Tác giả: Trâm Ngọc .Ngày đăng: 29/06/2018 .Lượt xem: 1666 lượt. [In bài]
Hẹn gặp vợ chồng cô Năm vào một buổi chiều hè oi ả, tôi có dịp được trò chuyện với những nhân chứng sống từng gắn bó tuổi thanh xuân của mình trên chiến trường trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cô Phan Thị Năm và chú Phạm Đức Thăng trú tại khối phố Cẩm Sa-phường Điện Nam Bắc-thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đều là những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử trên chiến trường Quảng- Đà năm nào…

Những năm tháng không quên

Cô Phan Thị Năm (1950) tham gia làm du kích xã Điện Bình (nay là phường Điện Ngọc, Điện Bàn) từ năm 1968, đây là cũng là bước ngoặc đầu tiên để cô thôn nữ rời xa mái ấm gia đình hòa vào dòng chảy nóng hổi của thời đại. Nhanh nhẹn, tháo vát trong công việc cô nhanh chóng được cắt cử làm giao liên cho Tiểu đoàn Tên lửa 577 thuộc Mặt trận 4 Quảng – Đà. Đến năm 1973, cô Phan Thị Năm tiếp tục được đưa đi học 4 tháng y tá tại Trường Sơn, từ đó cô trở thành quân y phục vụ cho đến hết cuộc kháng chiến.

Trong cuộc đời làm quân y, cô Năm phải chứng kiến bao cảnh tượng đau lòng do bom đạn gây nên, đã có nhiều đồng đội hy sinh ngay trước mắt nhưng cô vẫn phải cứng cỏi vượt qua nổi sợ hãi. Cô nói: “Nhìn đồng đội mình lần lượt ra đi, buồn đó nhưng không một ai dám thể hiện. Bất cứ sự đau buồn nào cũng sẽ làm cho ý chí lung lay. Trong chiến đấu, tinh thần lung lay là điều tối kỵ”

Say sưa nghe cô kể chuyện, tôi không hay biết chú Phạm Đức Thăng (1945)-chồng cô Năm đã đến tự khi nào. Tôi mời chú cùng trò chuyện, người cựu chiến binh đã ngoài 60 với nụ cười hiền nhiệt tình tiếp chuyện.

Năm 19 tuổi, chú Thăng tham gia cách mạng, lúc bấy giờ hoạt động trong tiểu đoàn bộ binh R20. Năm 1967, sau khi trải qua 6 tháng học khóa đặc công, chú chuyển về công tác cho đơn vị đặc công V25 Quảng-Đà. Trong cuộc đời chinh chiến, có một kỷ niệm mà chú Thăng không thể nào quên là câu chuyện vác xác đồng đội đi bộ hơn 7km từ Hội An về Cẩm Thanh để chôn cất. “Chỉ lúc cấp bách buộc phải bỏ mặc đồng đội nằm lại, còn nếu đủ khả năng không ai có thể để anh em mình nằm đấy. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm của mỗi người lính”-chú Thăng chia sẻ.

Tháng 8/1968, chú bị bắt ra tù Phú Quốc. Tại đây, giặc chia tù nhân ra nhiều phân khu để “trị”, mục đích chính vẫn là tẩy não quân ta, dụ dỗ ký lệnh chiêu hồi. Để giữ ý chí cũng như củng cố nòng cốt cách mạng trong tù, chú Thăng tập trung nhiều Đảng viên thành một hội hoạt động ngay trong lòng địch. Năm 1973 Hiệp định Paris ký kết, sau gần 5 năm chịu cảnh khổ lao chú Thăng vẫn còn sống trở về.

Năm 1978, chú Thăng cùng Đại đội thanh niên xung phong Điện Bàn sang Campuchia hỗ trợ cho nước bạn. Ròng rã 2 năm trời nơi chiến trường, năm 1980 chú trở về quê hương cùng cô xây dựng tổ ấm. Nhưng số phận vẫn chưa buông tha cho hai người lính, cậu con trai út (1982) bị nhiễm chất độc màu da cam-di họa đau đớn của chiến tranh mà những người trở về phải hứng chịu. Con trai cô chú sau nhiều năm vật vã với bệnh tật, anh mất vào năm 2014.


Ngày trở về từ khói lửa chiến tranh

Ngôi nhà nhỏ của hai người lính già yên bình và ấm áp. Trên tường chỉ có một tấm hình chụp chung với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều đồng chí khác vào năm 2014 nhân dịp chú Thăng được mời ra Thủ đô dự Hội thảo Ban tổ chức TW về hoạt động của Bí thư chi bộ trong tù. Cô Năm nói: “Những huân chương chiến công, giấy khen chiến sĩ giải phóng, chiến sĩ vẻ vang, dũng sĩ diệt Mỹ,… cô chú đều cất làm kỷ niệm. Đó là thành tích của quá khứ. Quan trọng là bây giờ, những người lính già như cô chú có thể làm gì để giúp ích cho xã hội, đó mới là thực tại…”

Kể ra mới thấy giá trị trong câu nói của cô Năm, bởi từ sau khi trở về từ chiến trường cả hai đều là những người có sức ảnh hưởng đối với các hoạt động đoàn thể tại địa phương. Cô Năm bắt đầu làm Chi ủy Chi hội Phụ nữ thôn Cẩm Sa vào năm 2005. Đến năm 2012 cô được bầu làm Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khối Cẩm Sa quản lí gần 54 hội viên. Suốt 8 năm liền được công nhận là Đảng viên xuất sắc, cô luôn là ngọn cờ tiên phong cho các hoạt động cựu chiến binh . Riêng chú Thăng, từ năm 1981 đến năm 1997 chú đảm đương vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Sa. Hơn 10 năm là Phó chủ tịch Mặt trận xã, hiện  nay chú đang giữ chức Chủ tịch tù yêu nước phường Điện Nam Bắc. Vợ chồng cô chú dù trong vai trò là cán bộ địa phương hay là một công dân bình thường đều được mọi người hết mực kính trọng bởi sự gần gũi, dung dị và chuẩn mực cả trong lối sống lẫn công việc.

Cô Năm và chú Thăng là hai trong nhiều tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi theo. Nhiều năm bôn ba trên chiến trường, hai con người ấy không hờn trách chiến tranh, không tiếc nuối tuổi trẻ, vợ chồng cô Năm vẫn sống vui vẻ và tràn đầy sức sống. Đến cái tuổi nhẽ ra phải nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu nhưng cống hiến của họ cho xã hội rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng.

Tạm biệt hai người khi trời chiều đã đổ bóng, tôi chào ra về mà lòng vẫn không thôi cảm kích tình cảm của vợ chồng cô chú. Hy vọng với tâm hồn tươi trẻ, lạc quan cô Năm và chú Thăng sẽ tiếp tục chặng đường cống hiến sức mình cho xã hội, những thành quả mà cô chú đã gầy công dựng xây sẽ luôn được trân trọng, cả hôm nay và mai sau…

[Trở về]
Các tin mới hơn:
Bị lừa, một thiếu niên trốn về quê được Công an phường Điện An giúp đỡ
Hội Cựu chiến binh xã Điện Hồng bàn giao nhà nghĩa tình đồng đội
Điện Bàn, 24 đại biểu tham gia chuỗi hoạt động “Hành quân về nguồn”
Công an phường Điện Dương tuyên truyền pháp luật cho chủ cơ sở lưu trú, cơ sở ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Ban chỉ huy Quân sự thị xã Điện Bàn quy tập 3 hài cốt liệt sĩ tại phường Điện Nam Bắc
Ngày hội “Thanh thiếu nhi với pháp luật và văn hoá giao thông” năm 2025
UBND thị xã Điện Bàn tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2025
80 năm tiến bước dưới quân kỳ
Điện Bàn quê ta giải phóng rồi
Công an xã Điện Hồng kiểm tra, bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Xã Điện Tiến tổ chức diễn đàn lắng nghe nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng lực lượng Công an xã năm 2018
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác quản lí, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện năm 2018.
Vĩnh Điện tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại phường Vĩnh Điện.
Điện Hồng tổ chức Diễn đàn “Lắng nghe ý kiến nhân dân đóng góp lực lượng Công an năm 2018”.
Điện Nam Bắc đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Công an thị xã Điện Bàn sơ kết công tác công an 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2018.
Công an phường Điện Dương với công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Xã Điện Minh tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai năm 2013.
Tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông và phòng, chống các tệ nạn xã hội trong trường học tại xã Điện Trung
Xã Điện Minh tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật An toàn giao thông, Luật Phòng chống ma túy.
    
1   2   3   4   5  
    

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm