Tôi xung phong vào bộ đội cụ Hồ khi vừa 17 tuổi, năm 1953. Được làm anh bộ đội là niềm vinh dự lớn lao của cuộc đời tôi. Rời quê hương thôn Tây, xã Điện Thọ, Điện Bàn, đầu năm 1954, tôi được bố trí về Đại đội 61 bộ đội tỉnh và trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử Bồ Bồ. Sau Hiệp định Giơ Ne Vơ, tôi được tập kết ra Bắc, sau đó được kết nạp vào Đảng và cử đi học tại trường sĩ quan pháo binh. Tốt nghiệp, tôi được trở lại miền Nam giữa những ngày quê hương ngập tràn khói lửa chiến tranh.
Khi tôi về thì Tiểu đoàn 91 Đặc công Lam Sơn đang đóng quân ở vùng Tây Đại Lộc, sau chuyển về căn cứ Hòn Tàu. Mặt trận 4 giao cho đơn vị là phải bám sát thắt lưng địch mà đánh, chủ yếu là bám chặt đơn vị trung đoàn 5 thủy quân Lục chiến Mỹ đóng quân ở An Hòa. Đây là một đơn vị thiện chiến có quân số đông, xây dựng hầm hào kiên cố, trang bị các loại vũ khí hiện đại, trong đó có cả trận địa pháo ngày đêm luôn nã pháo tới tấp về các vùng giải phóng để khống chế mọi hoạt động của lực lượng Cách mạng. Cho đến bây giờ, trong tôi vẫn còn nhớ mãi nghĩa tình quân dân cá nước và lòng tin tưởng sắt son vào Cách mạng của bà con nhân dân. Nằm sát vách núi vùng địch, nhưng bà con tìm mọi cách giúp đỡ cách mạng, che dấu, nuôi nấng thương binh. Đặc biệt, với anh em chiến sĩ từ miền Bắc vào, bà con nhân dân luôn yêu thương, đùm bọc như con cái, người thân trong gia đình.

Đại tá Trà Thanh Lợi - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 91 Đặc công Lam Sơn
Tôi còn nhớ trận tiến công đánh vào trận địa pháo của Mỹ ở An Hòa.Tiểu đoàn bố trí ba mũi quân đột kích vào cứ điểm lúc 3 giờ sáng... Sau trận đánh, ta lui quân an toàn nhưng có 1 chiến sỹ người Thanh Hóa, tên là Nông Hà Đao bị mất tích. Để tưởng nhớ đồng chí, động đội của mình, sau ba ngày, đơn vị tổ chức lễ truy điệu đồng chí Nông Hà Đao. Bất ngờ, 15 ngày sau, đ/c Đao đột ngột xuất hiện trong sự vui mừng đến phát khóc của cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn. Chuyện là thế này, sau khi đánh vào cứ điểm An Hòa, Nông Hà Đao bị lạc hướng, khi nhận ra thì trời đã sáng, anh đành phải tìm cách dấu mình trong đồn Mỹ. Tối đến, Đao tìm đường thoát thân, nhưng lúc ấy, lính Mỹ trong đồn đang tập trung lực lượng canh gác cẩn mật vì trận tập kích của quân ta đêm trước. Đao không thoát ra được nên tiếp tục ẩn trốn. 3 ngày sau, bọn lính Mỹ gác giảm dần quân số và lơi là hơn. Đao đã bò qua các lớp hàng rào và thoát được ra ngoài. Trời sáng nhưng Đao ra khỏi đồn chưa xa, anh đành bò vào nằm trong ruộng lúa để tránh bị lộ. Do bị thương và nhịn đói nhịn khát mấy ngày liền, Đao ngất đi. Bà con nhân dân xóm Gò Rây (Xuyên Phú) ra đồng làm ruộng, phát hiện chiến sĩ giải phóng quân đang bị ngất. Với tình cảm quân dân cá nước, bà con đã mưu kế cắt cỏ phủ lên người Đao rồi đưa ra xóm dân sát đồn địch, bí mật nuôi dấu. Sau mười ngày được nhân dân chở che, nuôi nấng, Đao đã dần dần hồi phục sức khỏe. Bà con lại một lần nữa tìm cách đưa anh về lại đơn vị. Nếu không có sự đùm bọc che chở của bà con nhân dân thì Đao không thể sống sót.
Lính đặc công toàn là những cán bộ chiến sỹ kiên cường, gan dạ. Đã đi là đánh, đã đánh là thắng. Sau các trận đánh trở về có kẻ mất người còn, hy sinh mất mát quá đỗi lớn lao, nhưng do đơn vị làm tốt công tác chính trị tư tưởng nên anh em luôn nêu cao khí phách, bản lĩnh cách mạng. Lớp trước hy sinh, lớp sau được bổ sung. Không phân biệt tuổi tác, vùng miền, hễ vào lính Đặc công là luôn sát cánh bên nhau và chiến đấu thắng lợi. Đặc công Lam Sơn là đơn vị đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết thống nhất “miền Nam gọi, miền Bắc đáp lời”, là sự chi viện lớn lao của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Với tôi, vinh dự được làm chính trị viên Tiểu đoàn, mãi mãi là những năm tháng không thể nào quên!
Năm 1974 tôi vinh dự được cấp trên cho đi dự Hội nghị Đặc công ở Hà Nội và báo cáo với các đồng chí lãnh đạo ở Bộ Quốc Phòng về khí thế đánh trận của lính đặc công Lam Sơn. Sau ngày giải phóng tôi tiếp tục về công tác ở Quân khu 5, đi làm nhiệm vụ Quốc tế ở Campuchia rồi về hưu năm 1990. Về lại với đời thường, vợ tôi lại qua đời sớm để lại ba đứa con trong đó có đứa con gái mới một tuổi nên cuộc sống của tôi gặp nhiều gian lao vất vả. Thế nhưng với nghị lực của một chiến sỹ cách mạng tôi đã vượt qua mọi trở lực để sống xứng đáng là một sĩ quan quân đội về hưu và nuôi dạy con khôn lớn, học hành thành đạt.