
Có đến 1600 ngôi mộ không tên trong Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn
Trên hàng ngàn mộ bia ghi tên và chưa có tên, khói hương thơm quyện bay trong gió. Nhiều lầ đến viếng hương cha tôi tại nghĩa trang này, tôi thấy trước một hàng bia mộ có gắn một tấm bia nhỏ bằng xi măng sạm vàng theo năm tháng. Đọc từng dòng chữ trên tấm bia và qua tìm hiểu thêm, tôi biết được sở dĩ có tấm bia này chính là thực hiện ước nguyện của đồng đội những liệt sĩ. Đó là các Cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn (hay còn gọi là Tiểu đoàn 91) tăng cường cho chiến trường Quảng Nam từ năm 1967.
Nội dung bia:
MỘ LIỆT SĨ
(11 người)
1. Lê Kim Bình Sinh năm 1940 Quê Quảng Phú
2. Trần Xuân Đoàn Sinh năm 1950 Quê Yên Phú
3. Lê Trọng Khanh Sinh năm 1957 Quê Thanh Hóa
4. Đào Thanh Hiền Sinh năm 1950 Quê Yên Dương
5. Nguyễn Văn Chuyền Sinh năm 1950 Quê Hải Hưng
6. Phạm Quang Nhân Sinh năm 1952 Quê Hải Hưng
7. Nguyễn Tiến Kiên Sinh năm 1849 Quê Thái Bình
8. Nguyễn Trọng Thủ Sinh năm 1940 Quê Thanh Hóa
9. Vũ Ngọc Quế Sinh năm 1952 Quê Thái Bình
10. Nguyễn Văn Ước
11. Đỗ Duy Dân
Hy sinh ngày 16/4/1972
(CẦU BÌNH LONG, ĐIỆN PHƯỚC)
Tôi đã đọc các tập sách nói về Điện Bàn thời kỳ chống Mỹ, trong một tài liệu gốc còn lưu tại Ban Tuyên giáo Thị ủy Điện Bàn, với 55 trang giấy mỏng, ố vàng theo thời gian là bản: “Báo cáo Tổng kết tình hình công tác chống bình định, giành dân xây dựng vùng ta của huyện Điện Bàn từ năm 1968 đến 1973”. Tại trang 28 có đoạn viết xác nhận sự kiện đánh đồn Bình Long:
“Đầu tháng 4/1972 ta đẩy mạnh hoạt động trong Xuân hè. Phát huy thắng lợi Quảng Trị, Tây Nguyên, Bình Long với tinh thần thừa thắng, quân và dân trong toàn huyện được sự chi viện của các tiểu đoàn của tỉnh. Đã mở đợt tấn công đều khắp liên tục vào các căn cứ kho tàng, Vĩnh Điện, các khu dồn…
+ Du kích vùng B đã cùng với bộ đội tỉnh tập kích vào Khu dồn Bình Long, đánh nát cứ điểm Bình Long. ..Sau trận này quần chúng đã đấu tranh với tề ngụy đòi đi lại sản xuất làm ăn”…

Tấm bia chung ghi tên 11 đồng chí hy sinh trong trận đánh cứ điểm Bình Long ngày 19/4/1972,
trong đó có đ.c Thủ
Từ trận đánh đồn Bình Long và sự hiện diện của tấm bia tôi đã gặp anh Phan Văn Hóa quản trang tại Nghĩa trang nắm về lý lich bia mộ và lại tìm về Thôn Nhị Dinh, xã Điện Phước. Tìm gặp một số người dân sống tại Khu dồn Bình Long ngày nào, các anh lãnh đạo địa phương của xã thời kỳ những năm sau gải phóng và được biết thêm các chi tiết về phần mộ liệt sĩ cùng tấm bia. Trận đánh tại Bình Long thì đã quá rõ qua nhiều tài liệu sách báo đã in ấn, song phần mộ các chiến sĩ hy sinh lại gắn với mảnh đất Nhị Dinh một thời.
Qua tài liệu sách báo và chắp nối những câu chuyện của các nhân chứng, kể rằng ngày ấy khi đánh đồn Bình Long, do một mũi tiến công bị vấp phải mìn hy sinh ba đồng chí, bọn địch trong đồn bắn pháo sáng và đưa quân ra lấy xác bộ đội. Trước tình thế đó, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Ngọc vẫn truyền lệnh cho các mũi giữ bí mật tiếp tục thực hiện phương án tác chiến. Không thấy phản ứng gì về phía bên ta, bọn địch trong đồn tưởng đã yên ổn, tức thì 4 giờ sáng ngày 17/4/1972, bộ đội ta tập kích bất ngờ, bọn địch không kịp trở tay, bị ta tiêu diệt một đại đội cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn 104 địa phương quân. Bọn chỉ huy còn sống đã kêu pháo từ Vĩnh Điện, Bồ Bồ bắn tới tấp vào trận địa.
Điều trăn trở là khi rút quân về hậu cứ, bộ đội ta đã không đưa được những người hy sinh ra khỏi trận địa. Sáng ngày 17/4/1972 bọn địch đã tiếp viện quân đến Bình Long, khôi phục lại vị trí chiếm đóng, đồng thời chúng đã gom xác bộ đội ta vào một hố, sau đó cho xe ủi lấp thành một gò đất.
Thực hiện chủ trương của huyện, tháng 5/1984, xã Điện Phước đã tiến hành bốc ngôi mộ tập thể này. Sau một thời gian đưa 11 hài cốt liệt sĩ vào Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Để khỏi thất lạc mộ phần, các cựu chiến binh của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn sống tại Quảng Nam và Đà Nẵng đã cùng với bộ phận quản lý nghĩa trang xác định danh tính những người đã hy sinh khắc vào một tấm bia nhỏ và gắn vào phần mộ.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt
Tấm bia đơn sơ nhưng chứa đựng câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa về trận đánh trên đất Bình Long, Điện Phước, Điện Bàn ngày ấy. Địa danh rỏ Cầu Bình Long, Điện Phước và tiến công cứ điểm này ngày 16/4/1972 được ghi lại rõ ràng. (vì cũng có bài hồi ký viết và ghi đánh cứ điểm Bình Long vào ngày 19/4/1972). Căn cứ vào các tập sách: Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn (1930-1975) xuất bản năm 2003, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1930-1975) xuất bản năm 2006 và Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Điện Bàn (1945-1975) xuất bản năm 2007 đều ghi ngày đánh cứ điểm Bình Long là 16/4/1972, điều này trùng hợp với chính những dòng chữ của đồng đội từng đánh trận Bình Long ghi trên tấm bia khi các liệt sĩ đã được đưa vào nghĩa trang. Do vậy việc đưa các sự kiện lịch sử của địa phương vào giảng dạy tại trường học khi nói về trận Bình Long cần nhất quán về thời điểm đánh cứ điểm này là vào ngày 16/4/1972.
Tấm bia ghi tên tuổi quê quán của 11 liệt sĩ, trong đó có 2 đồng chí người Thanh Hóa, số còn lại là quê ở Quảng Phú, Yên Phú, Yên Dương, Thái Bình, Hải Hưng, trong đó hai đồng chí Đỗ Duy Dân và Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ước thì không ghi tuổi và quê quán nơi đâu. Điều này cho thấy về một chiến trường rất ác liệt và sự tổn thất hy sinh lớn của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn.
Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn thành lập tháng 8/1967 đã vào chi viện cho tỉnh Quảng Nam kết nghĩa, quân số có trên 500 đồng chí, qua 4 năm từ 1968 đến 1972, với những trận đánh ghi chiến công vang dội như Quang Chiểu (Hòa Vang), Đức Dục (Duy Xuyên), Ái Nghĩa (Đại Lộc), Bồ Bồ và Trảng Nhật (Điện Bàn) cùng hàng trăm trận đánh chống càn, chống bình định của địch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì quân số của tiểu đoàn không còn là người của tỉnh Thanh Hóa nữa. Thay vào quân số trong đội hình tiểu đoàn là những người con của các tỉnh khác ở miền Bắc, các huyện thị của Quảng Nam. Chiến đấu trên một chiến trường mà địch tập trung đánh phá ác liệt nhằm bảo vệ cho thành phố Đà Nẵng, trung tâm đầu não của Mỹ- ngụy thì sự tổn thất là điều không tránh khỏi. Trên tấm bia có hai đồng chí không ghi tuổi và quê quán cụ thể đã nói lên lớp lớp chiến sĩ bổ sung có khi còn chưa nắm bắt được hoàn cảnh với nhau, đi chiến đấu thì đã hy sinh. Từ hơn 200 người con của Huyện Hoằng Hóa ra đi chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, thì nay chỉ còn 17 cựu chiến binh sinh sống tại Hoằng Hóa.
Hàng trăm người con của Thanh Hóa của Hoằng Hóa đã để lại một phần thân thể của mình hoặc vĩnh viễn nằm lại trên đất Quảng Nam, Điện Bàn thân yêu. Máu xương của các liệt sĩ, các cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng Quảng Nam trung dung kiên cường, truyền thống Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chính sự hy sinh to lớn này đã góp phần trong khởi nguồn về mối lương duyên kết nghĩa Hoằng Hóa, Điện Bàn - còn mãi với thời gian.