Tình cảm thiêng liêng ấy luôn được những người con Điện Bàn, Hoằng Hóa trân trọng gìn giữ. Trong chiến tranh, Hoằng Hóa - Thanh Hóa là một trong những địa phương chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, để chia lửa với Điện Bàn anh em, quân và dân Hoằng Hóa đã dũng cảm chiến đấu, cùng với tỉnh Thanh Hóa làm nên những chiến thắng như Lạch Trường, Hàm Rồng… bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến. Ở Điện Bàn, cùng với sự chi viện, giúp đỡ của Hoằng Hóa, Thanh Hóa và cả miền Bắc hậu phương, quân và dân Điện Bàn cùng với Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn làm nên những trận đánh vang dội như ở Gò Nổi, Cấm Lớn, Gò Mùn, Ngã ba Trùm Giao, Bình Long, Ngũ Giáp… Trong suốt thời kỳ kháng chiến, nhiều người con của Hoằng Hóa - Thanh Hóa đã góp một phần xương máu hoặc anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Điện Bàn.
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, trong bước đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống cho đến thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển, thị xã Điện Bàn luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của Hoằng Hóa. Phát huy truyền thống đó, trong những năm gần đây, Hoằng Hóa - Điện Bàn đã thực hiện nhiều hoạt động nghĩa tình, đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ gắn bó thủy chung giữa 2 đơn vị: tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm, 45 năm, 50 năm kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn. Huyện Hoằng Hóa luôn quan tâm dành nhiều tình cảm cho quê hương Điện Bàn, thăm hỏi, động viên, khi Điện Bàn gặp thiên tai bão lụt, tặng quà cho gia đình chính sách, nghèo... Thị xã Điện Bàn cũng hỗ trợ kinh phí xây dựng trường THCS mang tên Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi tại xã Hoằng Quỳ huyện Hoằng Hóa; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viện hỗ trợ giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, lúc thiên tai, bão lũ; cử các đoàn công tác nghiên cứu, học tập các mô hình, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng…
Với sự cố gắng, nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Điện Bàn cùng với sự giúp đỡ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoằng Hóa anh em, sau hơn 43 năm giải phóng, từ một huyện nghèo, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đến năm 2017, giá trị sản xuất toàn nền kinh tế thị xã Điện Bàn đạt 21.392 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 11,5% so với năm 2016; năm 2017 là năm đầu tiên thị xã Điện Bàn tự cân đối thu chi ngân sách, thu ngân sách đạt 1.419,6 tỷ đồng vượt 33% dự toán tỉnh giao, tăng 23,4% so với cùng kỳ, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,15%; 13/13 xã đạt xã nông thôn mới, 10/13 khu dân cư đạt khu dân cư kiểm mẫu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, các dự án giao thông trọng điểm được đầu tư, nâng cấp, như: Đường ĐT609, 607, 605, Đường trục chính qua trung tâm thị xã, ĐH6.ĐB, ĐH14.ĐB (Giai đoạn 1),... thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn triển khai các dự án trên địa bàn như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T...
Về huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, năm 2017, giá trị sản xuất toàn nền kinh tế đạt 10.856 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tổng thu ngân sách đạt 570,8 tỷ đồng vượt 245% dự toán tỉnh giao, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,15%; 25/42 xã đạt chuẩn nông thôn mới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, các dự án giao thông trọng điểm được đầu tư, nâng cấp, như: Sửa chữa cải tạo tuyến đường ĐH - HH.32 Hoằng Thắng - Hoằng Lưu; đường Lương Sơn (ĐH.08; Đường Hoằng Quỳ - Hoằng Hợp - Hoằng Giang; Đường Hoằng Đạo - Hoằng Thành…
Với những nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng phát triển; trong thời gian tới, 2 địa phương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực như: hằng năm tổ chức tốt các đoàn đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ, giúp đỡ những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các gia đình chính sách của 2 đơn vị, phấn đấu mỗi năm Điện Bàn hỗ trợ xây dựng từ 01-02 nhà tình nghĩa, nhà tình thương trong đó ưu tiên gia đình chính sách có người thân đã từng chiến đấu tại Điện Bàn; song song đó tiếp tục rà soát bổ sung tên một số địa danh, danh nhân của Hoằng Hóa để đặt tên trên một số tuyến đường trên địa bàn thị xã Điện Bàn, qua đó tuyên truyền giáo dục tuyền thống giữa 2 đơn vị.
Trong hoạt động phát triển dịch vụ du lịch, với những đặc điểm tự nhiên chung như có bờ biển đẹp, có các con sông lớn chảy qua điạ bàn, tạo nên nét “duyên dáng” và một hệ sinh thái lý tưởng: sông Mã, sông Tuần (Hoằng Hóa), sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện (Điện Bàn), thời gian tới, 2 địa phương sẽ chủ động hợp tác, nghiên cứu, học hỏi mô hình tổ chức quản lý hoạt động phát triển du lịch, nhất là du lịch sông nước, du lịch biển như: khu du lịch Hải Tiến -Hoằng Hóa, du lịch ven biển Điện Bàn, du lịch cộng đồng (homestay), Điện Phương - Điện Bàn, định hướng phát triển du lịch vùng Gò Nổi…. Từ đó, chọn lọc, lựa chọn những mô hình, loại hình phát triển du lịch có hiệu quả cao để tiếp tục, xây dựng phát triển ở 2 địa phương. Tổ chức hội thảo liên kết phát triển du lịch giữa Hoằng Hóa - Điện Bàn, tiếp tục hoàn thiện, phát triển thêm các sản phẩm du lịch; kết nối thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của hai huyện, nhất là những địa điểm về lịch sử, truyền thống kết nghĩa vốn có; xem xét thực hiện hỗ trợ, thu hút, khuyến khích nhân dân 2 địa phương tham quan, du lịch và học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong xây dựng và phát triển kinh tế để tăng cường sự đoàn kết, gắn bó và để nhân dân Hoằng Hóa - Điện Bàn thấu hiểu sâu sắc hơn nữa về truyền thống lịch sử, văn hóa, mảnh đất, con người của 02 đơn vị.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tiếp tục tổ chức học hỏi, nghiên cứu phương pháp, cách làm hay, hiệu quả, kinh nghiệm thực tế trong việc thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu... trên cơ sở đó tìm ra phương pháp, cách thức tổ chức, thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu hiệu quả nhất. Đồng thời, tiếp cận, nghiên cứu các dự án có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiểu quả kinh tế cao, có khả năng thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiện, khí hậu đặc trưng của từng địa phương. Phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để hình thành các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, chế biến nông sản… qua đó tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Song song với việc thực hiện các hoạt động nêu trên trong thời gian đến, thị xã Điện Bàn tiếp tục phối hợp cùng huyện Hoằng Hóa trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành của địa phương cũng như việc xúc tiến thủ tục, thu hút đầu tư phát triển các dự án về hạ tầng, giao thông, đô thị nhà ở, các dự án phát triển thương mại tại địa phương như dự án Khu đô thị Bút Sơn, Khu đô thị Hải Tiến, Cụm CN FLC Hoàng Long... Trong đó, tập trung vào kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, trao đổi học tập kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặc bằng, tái định cư để thực hiện các dự án, công trình, tạo việc làm, đảm bảo đời sống nhân dân. Đồng thời, tổ chức các buổi gặp gỡ trao đổi, giới thiệu về những điều kiện, tiềm năng, nhu cầu thu hút đầu tư giữa 2 đơn vị đến rộng rãi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhất là đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư là con em của huyện Hoằng Hóa và thị xã Điện Bàn. Ngoài các nội dung nêu trên, bằng kinh nghiệm thực tế ở mỗi địa phương thị xã Điện Bàn cùng với huyện Hoằng Hóa phối hợp, hỗ trợ nhau trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh trật tự và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Để thực hiện được các nội dung trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ giữa cấp ủy chính quyền thì sự tham gia trực tiếp, tích cực của các nhà doanh nghiệp, nhân dân 2 địa phương có vai trò quyết định, do đó trước hết cần phải thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ cung cấp thông tin có liên quan để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhân dân 2 địa phương nghiên cứu, đồng thời tổ chức hoạt động gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hỗ trợ kinh nghiệm giữa 2 đơn vị. Với truyền thống, nghĩa tình đã được xây dựng, bồi đắp, sự năng động, nhạy bén, sáng tạo của đảng bộ, chính quyền và nghĩa tình gắn bó keo sơn giữa 2 đơn vị, tôi tin chắc rằng trong thời gian tới, sự hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế xã hội giữa Hoằng Hóa-Điện Bàn sẽ tiếp tục có bước phát triển mới, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng, phát triển của 2 địa phương.
|