Như một sự nhẫu nhiên
Hôm tìm về nhà anh, phải mất rất lâu chúng tôi mới có thể gặp và trò chuyện được với anh Hưng vì “tỷ phú côn trùng” này đang bận bịu với trang trại dế của mình. “Xin lỗi để chú phải chờ lâu. Sáng giờ tôi bận chạy đi chạy lại với số dế giống có người đặt phải đưa gấp” anh Hưng vui vẻ mở đầu câu chuyện như thế.
Sinh ra trên mảnh đất Điện Thắng thuần nông nhưng giàu truyền thống anh hùng của tỉnh Quảng Nam. Anh tâm sự, “Nhà tôi nghèo lắm, lại đông anh em, bố mẹ đau ốm suốt nên khổ lắm! Khi trước làm thợ hồ cực quá, nắng cháy da cháy thịt mà không đủ lo cho cuộc sống. Mùa mưa thất nghiệp phải ở nhà”. Ký ức về những tháng năm gian khó đến tận bây giờ vẫn còn in sâu trong tâm trí anh Hưng.
Nhiều đêm trằn trọc phải làm được cái gì đó để thoát nghèo, rồi anh rời quê hành trình nam tiến, tìm kế sinh nhai những mong thoát khỏi công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Anh kể hồi trước xem trên tivi mục “chuyện của nhà nông” có phóng sự về mô hình nuôi dế hiệu quả thấy hay rồi ấp ủ ý tưởng về trạng trại nuôi dế của riêng mình. “Dế là loài côn trùng dễ nuôi, có nhiều chất dinh dưỡng lại được thị trường ưa chuộng. Chi phí đầu tư bỏ ra thấp, lợi nhuận thu lại được nhiều nên tôi quyết định đầu tư vào loại côn trùng này. Bước đầu thật không dễ dàng, tôi vào Nam học kỹ thuật nuôi từ các trang trại lớn với vỏn vẹn chỉ có 1 triệu đồng trong tay. Học được 3 năm thì về mở trang trại riêng mình. Mới đầu nuôi, dế giống chết nhiều do chưa phối giống đúng tỉ lệ, có lần chết hơn 10.000 con”. Anh Hưng chia sẻ.
Những thất bại đầu tiên không làm anh nản chí, với sự kiên trì và quyết tâm anh đã thành công với trang trại của mình. Anh đã phát hành 3 tập sách về kỹ thuật nuôi dế cho các chủ trang trại mới bước vào nghề học tập. Chưa dừng lại ở đó, sau khi thành công với con dế, anh tiếp tục đầu tư thêm để nuôi tắc kè, kỳ nhông, rắn mối, kỳ tôm để cung cấp cho thị trường.
Từ chỗ chỉ cung cấp cho các quán nhậu trong huyện, trong đầu anh chợt lóe lên một ý nghĩ táo bạo. “Tại sao mình không đưa nó đến với nhiều người hơn nữa”. Nghĩ là làm. Sau 8 năm mở trang trại, sản phẩm từ dế thịt, rắn mối, kỳ nhông, kỳ tôm của anh đã đến với thị trường toàn miền Trung và cả nước được các chủ nhà hàng ưa chuộng, tin tưởng và thường xuyên đặt hàng .
Vươn lên bởi nghị lực và sự táo bạo
Những ngày mới về quê, bắt tay vào thực hiện ý tưởng ban đầu anh nhận được cái lắc đầu xua tay của nhiều người. Không nản chí anh quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, với niềm tin “trời không phụ lòng người” anh lại càng có ý chí chứng tỏ cho mọi người thấy điều mình làm là đúng.
“Đã có lúc nhụt chí lắm, để làm giàu người ta thường chọn hướng đi khác như kinh doanh, buôn bán… nghề nuôi dế mới mẻ đối với nhiều người, đã thế để làm giàu bằng nghề này là một bài toán nan giải” anh Hưng giải bày. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ một địa chỉ nuôi dế nhỏ lẽ giờ đây anh đã phát triển thành một thương hiệu trại dế Ba Hưng nổi tiếng trên cả nước. Không chỉ là chủ của một trang trại nuôi dế có tiếng ở Miền Trung, anh còn là thành viên tích cực của Hội sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân xã. Anh luôn chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi dế của mình khi có người muốn học hỏi. Điều đáng quý hơn là trang trại dế Ba Hưng đã tạo được công ăn việc làm cho những người thất nghiệp ở địa phương.
Sau nhiều năm hoạt động trang trại nuôi dế, nuôi tắc kè, rắn mối, kỳ nhông, kỳ tôm của anh Hưng thu được lợi nhuận rất lớn. Trừ chi phí đâù tư mỗi năm anh thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng (mỗi kg dế thịt có giá bán ra khoảng 300 nghìn /kg). Có tuần anh bán dế giống cho các trang trại với số tiền là 80 triệu đồng. Khi được hỏi về bí quyết thành công anh Hưng cười hiền: “Yêu nghề thôi chưa đủ, kiên nhẫn và bản lĩnh để giữ nghề mình yêu rất quan trọng. Đừng vì một chút thất bại mà vội nản lòng”.
Với những gì đã làm được, anh đã nhận được nhiều bằng khen về gương sản xuất, kinh doanh giỏi của hội nông dân xã Điện Thắng Trung và huyện Điện bàn. Ông Trương Công Liên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thắng Trung cho biết: “anh Hưng là tấm gương vượt qua khó khăn để làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình, giúp nhiều người thất nghiệp ở địa phương có việc làm là điều đáng khâm phục. Trang trại dế Ba Hưng là mô hình kinh tế tiêu biểu cần được nhân rộng ở địa phương.”
Trang trại dế Ba Hưng là mô hình trang trại sạch không gây ô nhiễm môi trường. Dế được nuôi quanh năm, thời gian cho ăn cách 24 tiếng đồng hồ. Dế được chia thành nhiều loại: dế giống, dế thực phẩm, dế làm thức ăn cho chim, và dế nuôi để dầm rượu.