Theo thống kê, toàn xã Điện Hòa hiện có hơn 10.000 lao động, trong đó lao động sống bằng nghề nông nghiệp chiếm 30%, trong đó số lao động được đào tạo nghề mới chiếm gần 30%.
Thay đổi từ lớp nghề
Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, lớp dạy nghề trồng hoa cho nông dân được mở ngay tại đồng ruộng đã thu hút được nhiều nông dân tham gia. Trên những ruộng hoa, bà con nông dân được giáo viên hướng dẫn cụ thể phương pháp làm đất, ủ đất, trồng, cách bón phân, nhận diện các loại sâu bệnh và cách phòng trừ. Đặc biệt, bà con nông dân còn được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng hoa an toàn hiệu quả, hạn chế việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng an toàn người sản xuất và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đa số lao động ở nông thôn thường sản xuất theo tập quán, mùa vụ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không nhiều, dẫn đến năng suất lao động chưa cao, hiệu quả thấp, thu nhập và đời sống một bộ phận lớn nông dân còn khó khăn.
Mọi việc chỉ thực sự chuyển biến sau khi các hộ tham gia lớp đào tạo nghề trồng hoa cúc, đồng tiền, lyly do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh tổ chức. Với kiến thức được củng cố, vườn hoa của các hộ trong năm 2018 đã có sự thay đổi về chất. Năng suất, chất lượng và thu nhập cùng tăng lên.
Anh Lê Trung Bạn, thôn Hà Tây 2 cho biết: “Lâu nay, mọi người thường trồng hoa theo kinh nghiệm, không ai nghĩ đến việc học bài bản làm gì. Tuy nhiên, qua lớp học này, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều. Nếu làm đúng quy trình sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất. Ngay tại vườn hoa, chúng tôi được thực hành cách làm đất, gieo trồng, cách chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc xử lý sâu bệnh theo quy trình sản xuất. Được làm trực tiếp nên ai cũng tiếp thu nhanh, hiệu quả hơn”.
Đổi đời nhờ hoa
Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 100 hộ trồng hoa cúc quanh năm cung cấp không chỉ cho nhu cầu của địa phương mà còn xuất bán cho các địa phương lân cận trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Hoa cúc là một trong những nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã. Trong bước đầu chuyển đổi canh tác từ những mô hình sản xuất không đem lại hiệu quả kinh tế sang mô hình trồng hoa cúc, đa phần nông dân chỉ sản xuất dựa trên kinh nghiệm sẵn có và tự mày mò học hỏi nên kết quả đạt được khá hạn chế.
Anh Nguyễn Văn Phô cho biết: Gia anh chị có 4 sào trồng hoa cúc đất và cúc chậu nhưng trước đây chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, biết như thế nào thì trồng như thế đó. Từ khi được tham gia lớp trồng hoa thì anh đã nắm được cách trồng, cách chăm sóc, bón phân, phun thuốc nên vườn hoa anh ít bị bệnh, cho thu nhập cao hơn hẳn.
Theo ông Nguyễn Văn Chinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Hòa, cho biết: “Diện tích trồng hoa toàn xã hơn 6 ha, tuy nhiên trước đây người dân chủ yếu trồng hoa theo kinh nghiệm, diện tích trồng còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Để nâng cao nhận thức cho người dân, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức lớp đào tạo nghề trồng hoa cúc, đồng tiền, lyly với 30 học viên là các hộ trồng hoa trong xã. Trong quá trình học, các học viên đã được hướng dẫn trực tiếp tại vườn hoa cách trồng hoa như thế nào, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình…”
Định hướng trong thời gian đến
Sau khi hoàn thành lớp đào tạo nghề thì các học viên đã áp dụng những kiến thức mà họ đã được học vào vườn hoa của gia đình.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên trong toàn xã thực hiện việc nhân rộng mô hình trồng hoa cúc, xây dựng các vườn mẫu trong việc chuyển đổi cải tạo vườn tạp thành những vườn hoa cho hiệu quả kinh tế cao.
Hội Nông dân xã sẽ thành lập các Tổ hợp tác trồng hoa, hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng CSXH, quỹ Hỗ trợ nông dân,…. Tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giúp nông dân trong việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng./.