Thị xã Điện Bàn là một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và hiếu học. Sau khi chiến tranh kết thúc, cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp GD&ĐT rất đỗi nghèo nàn. Lúc bấy giờ, Điện Bàn chỉ có 1 trường cấp 2-3 và 2 trường cấp 1. Trong khi đó, nhu cầu học tập của con em nhân dân là vô cùng lớn, đây là một thách thức không hề nhỏ.
Song từ nhận thức về vai trò quan trọng của sự nghiệp giáo dục đối với quá trình phát triển của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ra sức khắc phục những khó khăn, tập trung xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho yêu cầu phát triển giáo dục. Đến tháng 1/1997- sau 22 năm đất nước thống nhất, Điện Bàn đã thiết lập được một mạng lưới trường lớp từ Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT một cách có hệ thống và hợp lý, với 53 đơn vị trường học phân bố đều trên khắp địa bàn 16 xã, thị trấn; đáp ứng nhu cầu học tập của trên 40.000 học sinh.

Trường Mẫu giáo Phan Triêm, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn
Tuy nhiên, tình trạng cơ sở vật chất qua thời gian sử dụng bị xuống cấp, đã đặt ra cho Đảng bộ, Chính quyền và ngành GD&ĐT những nhiệm cần giải quyết. Trước tình hình đó, UBND huyện đã đề ra chủ trương “Xóa hết phòng học tạm, xây dựng phòng học mới kiên cố, từng bước tầng hóa các trường Tiểu học, THCS; tiến hành tách trường Tiểu học có quy mô trên 30 lớp và tách học sinh cấp 2 ra khỏi trường cấp 2-3”. Chủ trương đó đã giải quyết kịp thời những đòi hỏi trước mắt, vừa tạo nên sự ổn định lâu dài, đón đầu chủ trương đổi mới sự nghiệp GD&ĐT của Đảng và Nhà nước trong tương lai. Quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn thị xã không ngừng mở rộng, phát triển đa dạng, hợp lý, phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội. Đồng thời hướng đến sự hoàn thiện các loại hình trường lớp theo yêu cầu đổi mới giáo dục ở những năm đầu thế kỷ 21, giải quyết nhu cầu học tập của trên 50.000 trẻ em Mẫu giáo, học sinh phổ thông.

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, thị xã Điện Bàn.
Đặc biệt từ năm 2010, xuất phát từ các yêu cầu đổi mới GD&ĐT của cả nước và mục tiêu phấn đấu đưa huyện Điện Bàn trở thành thị xã và đạt thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2015; UBND thị xã Điện Bàn ban hành Đề án “Phát triển GD&ĐT huyện Điện Bàn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” và Đề án “Phát triển mạng lưới trường lớp các phường phía Đông của thị xã nhằm giải quyết căn bản nhu cầu học tập tăng nhanh của học sinh do di dân cơ học đến khu vực này” với nhiệm vụ thống nhất qui mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn đến năm 2020, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các trang thiết bị dạy học, nhằm đảm bảo phát triển hợp lý qui mô mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa gắn với quá trình phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Bằng sự năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sau 5 năm triển khai thực hiện, Điện Bàn đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục. Mạng lưới trường, lớp phát triển mạnh, nhất là các cơ sở giáo dục Mầm non, Mẫu giáo được quy hoạch hợp lý giải quyết kịp thời những đòi hỏi bức bách trong phát triển GD&ĐT của địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương. Đến nay, Điện Bàn có số lượng trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 100%, nằm trong tốp dẫn đầu tỉnh Quảng Nam.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GD&ĐT trên địa bàn thị xã đến năm 2020, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, hiện nay, thị xã Điện Bàn đang tiếp tục tập trung quy hoạch, ổn định mạng lưới trường lớp gắn liền với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện hoàn thiện cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đối với 100% trường học ở các xã xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục đồng bộ, bền vững. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục năng khiếu tạo nền tảng phát triển chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị và xây dựng Điện Bàn thành thị xã hoàn thiện và phát triển vào năm 2020.