*Đến với cách mạng năm 16 tuổi
Sinh trưởng trong một gia đình có bề dày truyền thống cách mạng ở Phú Đông, xã Điện Quang- Điện Bàn, Chị Trần Thị Vân-người con gái làng Gò Nổi sớm giác ngộ cách mạng.
Năm chị Vân 16 tuổi (1945), chị đã đến với cách mạng 5 năm sau, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và giữ nhiều chức vụ chủ chốt của địa phương. Với chị, dù ở cương vị nào cũng xông xáo hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Biết chị là một chiến sĩ cách mạng đầy gan dạ và bản lĩnh, bọn thực dân đã nhiều lần trao giải: ”Nếu ai bắt được Trần Thị Vân sẽ được trọng thưởng!”.
Sau đình chiến (1954), chị Vân ở lại quê nhà cùng nhân dân bám đất dữ làng xây dựng cơ sở. Sau một thời gian hoạt động, chị bị địch bắt, giam ở nhà lao Hội An. Cảnh tù ngục, với bao cực hình tra tấn dã man nhưng với một tấm lòng thủy chung với Đảng, với dân tộc, chị kiên quyết đấu tranh đến cùng. Mãi đến năm 1960, chúng mới trả tự do cho chị. Ngày ấy chị trở về quê hương trong khung cảch bao trùm cả một màu thuê lương, ảm đạm. Dòng sông Thu Bồn hằn in bao tội ác của kẻ thù, với bộ luật đầy man rợ (Luật10/59). Để tìm về cơ sở chị Vân phải “thay hình đổi dạng”, ”đóng” nhiêu vai như: bán hàng rong, làm y sĩ để lừa địch. Sau khi bắt được liên lạc với Huyện ủy Điện Bàn, tổ chức đã phân công chị về hoạt động ở Gò Nổi. Những ngày đầu, chị cùng đồng đội mở nhiều trận diệt ác, phá kèm ở làng Phú Đông. Để khống chế phong trào Đồng Khởi ở Điện Bàn, tháng 4 năm 1962, bọn giặc mở cuộc càn quét với quy mô lớn vào Gò Nổi. Lực lượng đôi bên không tương xứng nên chị cùng đồng đội chọn phương án ôm súng ngâm mình dưới nước, giữa bốn bề lau cói. Bọn địch lùng sục gắt gao và đã sát hại đồng chí Mẫn. Còn chị một lần nữa sa vào tay giặc. Kể từ đó, người con giá làng Phú Đông, quê hương dâu tằm lại phải chịu bao cực hình tra tấn của kẻ thù. Song ý chí và lý tưởng của người chiến sĩ cách mạng đã không chịu khuất phục trước kẻ thù.
*Và hai lần gặp Bác
Không khai thác được gì ở chị, nên tháng 4-1964, chị được trả tự do. Chị Vân trở về quê với tấm thân tụy, xơ xác đầy thương tích nhưng chị vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Lần này, chị có dịp gặp các đồng chí lãnh đạo của tỉnh ủy Quảng Đà như: Đồng chí Hồ Nghinh đến động viên, an ủi và bảo: “Vân về cơ sở cố giữ sức khỏe để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”. Chị mừng vì cấp trên vẫn tin tưởng và giao nhiệm vụ để chị được cống hiến cho cách mạng. Chị được điều về làm cán bộ phụ nữ Điện Bàn, rồi đảm nhận chức vụ ủy viên thường trực Hội phụ nữ Quảng Đà và Ban chấp hành phụ nữ liên khu V. Với bề dày thành tích về lòng dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh của chị, thông qua báo chí lúc bấy giờ, Ban Giám đốc nhà máy Vô sản Đỏ (Liên Xô) chọn tên chị đặt cho nhà máy-Trần Thị Vân. Tháng 11-1967, chị được cấp trên chọn vào đoàn đại biểu Mặt trận giải phóng miền Nam ra Miền Bắc để tham quan, học tập và gặp Bác Hồ. Khi vừa đến nhà nghỉ K5 (Hà Nội), đoàn đón một cán bộ Trung ương đến gặp gỡ trò chuyện và cho hay: “ngày mai đoàn sẽ đến thăm Bác, các đồng chí gặp Bác không được khóc, dễ gây xúc động cho Bác. . . ”. Nghe vậy chị Vân sung sướng khôn cùng. Đêm đó, chị không sao chợp mắt, trằn trọc mãi, trông thời gian qua thật mau. . . Thế rồi nỗi niềm chờ đợi của chị đã thành hiện thực, 15h ngày hôm sau, xe đưa đoàn đến Phủ Chủ Tịch gặp Bác. Với bộ đồ nâu, đôi dép cao su và nụ cười hiền hòa, Bác ra đón đoàn và bảo mọi người ngồi. Bác hỏi thăm về đoàn, về bà con, về tình hình chiến sự trong Nam . . . May mắn thay, chị ngồi gần Bác. Chị vô cùng bất ngờ trước việc Bác hỏi tên mình. Bác nói: “Cháu nào là cháu Vân?”. chị vô cùng xúc động nghẹn ngào đứng dậy chào Bác: “Thưa Bác cháu là Vân ạ!”. Bác Phạm Văn Đồng ngồi cạnh Bác tiếp lời: “Vân có cảm tưởng gì khi gặp Bác?”. Chị Vân đáp: “Thưa các Bác ! Con còn sống và được gặp Bác là cảm thấy vui mừng lắm, con tưởng ấy là giấc mơ. . . !”. Bác hỏi chị Vân: “Con ra đây bố mẹ có biết không?”. Chị đáp: “Thưa Bác! Bố mẹ con bị tù đày và đã lâm bệnh chết”. Nghe xong lời bộc bạch của chị, Bác đã vô cùng xúc động. Trước lúc đoàn về, Bác gọi chị lại bảo: “Ra ngoài này lạnh lắm, con nên mặc cho ấm”. Hôm sau, Bác cùng đồng chí Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Chính Phủ) và đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký của Bác) đến nhà nghỉ K5 thăm đoàn. Bác lấy kẹo ra phát cho các thành viên của đoàn mỗi người 2 cây. Xong, Bác ngồi hỏi thăm đôi điều. Bác bảo tất cả ra trước chụp ảnh, ai ai cũng muốn đứng gần Bác. . . Chị Vân kể: “Thấy Bác và tôi đứng khuất dưới bóng cây đa, đồng chí chụp ảnh đến thưa với Bác, chỗ này thiếu ánh sáng, mời Bác sang chỗ này. Bác cầm tay bảo tôi sang cùng. . . ”Hồi tưởng lại những giây phút thiêng liêng ấy, chị đã không giấu được niềm xúc động đang trào dâng. Dù bây giờ ở tuổi “thất thập” nhưng mỗi lần nhắc đến về hai lần gặp Bác, chị như thấy Bác vẫn còn đây, mỉm cười động viên chị vượt lên mọi gian khó.
Đất nước thống nhất, chị giữ cương vị Chủ tịch Hội phụ nữ Huyện, rồi Phó Chủ tịch UBND Huyện và tiếp tục cống hiến sức lực xây dựng quê hương. Với thành tích trong tham gia kháng chiến, chị Vân được Nhà Nước ta tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
Rời căn nhà đơn sơ, giản dị của chị, trên đường về trong tôi như vọng lại câu hát ru giọng ngọt ngào sâu lắng của một người mẹ trẻ ngày nào:
Quê hương chị Lý, chị Vân
Chương Dương bến nước nghĩa tình nặng sâu
Sông Thu in bóng cờ đầu
Gương anh hùng Bùi Chát năm nào đánh Tây.
Lời hát ấy cứ mãi ngân vang, ngân xa. . . giữa những ngày tháng năm lịch sử.
Trích "Điện Bàn, những người con trung kiên, bất khuất."