Siêng hẳn là siêng năng, cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng trên mảnh đất mà gia đình bần cố nông đã sinh ra Võ Kiết chỉ có những địa chủ phú hào mới có cơm ăn, còn đại đa số dân nghèo chỉ biết khoai củ, hoặc ăn cơm vay cày ruộng rẽ. Khổ, nên khi giành được chính quyền, được cách mạng chia ruộng đất, người nông dân chảy nước mắt mừng vui. Gia đình Võ Kiết, cùng anh em tộc họ nhiều người hăng hái tham gia những công việc cách mạng giao cho. Mùa Thu cách mạng Tháng Tám - 1945, ở tuổi 15, Võ Kiết vào Đội Thanh thiếu niên Tiền phong của xã, và đến 1947-1949, anh được phân công làm đội trưởng, đồng thời làm giao liên cho kháng chiến. Tháng 2-1950, Võ Kiết được giao làm tiểu đội trưởng du kích, từ 1952 đến tháng 9-1954 lên trung đội trưởng.
Ở lại miền Nam sau năm 1954 ai cũng phải chấp nhận những hy sinh gian khổ, cam go. Nhưng Võ Kiết không đi tập kết, anh quyết bám trụ ở quê hương để đương đầu với lũ sài lang đang rắp tâm lặp lại cái cảnh đè nén áp bức người nghèo, bắt nhân dân làm trâu ngựa. Võ Kiết làm giao liên cho huyện và đứng chân trạm trưởng vùng C từ tháng 9-1954 đến tháng 11-1955. Hoạt động trên vùng địch kiểm soát, không có tấc sắt trong tay dễ gì cự địch, hơn thế, ngụy quân ngụy quyền kéo quân về thiết lập các hội đồng xã, ấp, quy tụ bọn ác ôn có nợ máu với nhân dân hòng bóp chết phong trào cách mạng âm ỉ trong lòng quần chúng. Hằng ngày, Võ Kiết chứng kiến bao cảnh đau thương vì tố cộng, diệt cộng, nhưng anh không nao núng, tìm cách bắt mối và nhận nhiệm vụ từ các đồng chí Nguyễn Đức An, Võ Nghĩa... Rủi thay, cuối tháng 11-1955, Võ Kiết bị bọn tề điệp phát hiện bắt được khi đang đi làm nhiệm vụ. Ngay lập tức chúng chuyển anh về lao Hội An tra tấn, dụ dỗ. Một năm trời, cảnh tù ngục đã khiến Võ Kiết nếm trải đủ kiểu đòn tra, hành hạ từ thể xác đến tinh thần. Anh đã "được" đi tàu bay, tàu thủy lại được quay điện, ăn ớt, uống nước vôi xà phòng… Kiên quyết giữ bí mật tổ chức, chịu cực hình, cuối cùng địch cũng phải thả ông về lại quê hương. Địch vừa thả ra, lê lết thân tàn về thì không lâu sau một thời gian dưỡng thương Võ Kiết lại xin nhận nhiệm vụ, móc nối cơ sở cho các đồng chí huyện ủy viên Đặng Nhơn, Võ Nghĩa về hoạt động ở vùng cát. Lại bị lộ, tháng 10-1958, địch bắt lại Võ Kiết. Vào tù lần này, Võ Kiết gặp đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, người cùng quê cát Điện Nam. Đây cũng là lần ông ở tù lâu nhất, từ tháng 10-1958 đến tháng 12-1963. Sát cánh bên những người đồng chí, Võ Kiết có dịp trui rèn thêm ý chí đấu tranh, giữ vững chí khí của người chiến sĩ cách mạng.
Đội công tác xã Điện Nam (cũ) do Lý Trân làm đội trưởng tích cực hoạt động diệt ác. Đối với Võ Kiết, ngoài thời gian ở tù còn tham gia hoạt động liên tục. Tháng 10-1964, Võ Kiết và một số du kích nắm chắc tình hình hoạt động của bọn tề xã Vĩnh Xuân, ông đã dẫn đội công tác và du kích bất ngờ đánh vào cơ quan hội đồng xã diệt 3 tên ác ôn thu toàn bộ giấy tờ hồ sơ và máy đánh chữ, máy điện thoại của địch… Trận đánh này do đồng chí Nguyễn Thanh Năm (tức Năm Dừa) trực tiếp chỉ huy. Sau trận dánh diệt ác phá kèm này đã mở ra vùng giải phóng, phá vỡ thế kiềm của địch ở vùng ven quận lỵ Điện Bàn và đường chiến lược quân sự Hội An - Vĩnh Điện. Nô nức vì những thắng lợi của đồng khởi phá kèm, nhân dân vùng lên phá ấp chiến lược. Những đội quân chính trị được các đội võ trang hậu thuẫn ngày càng tấn công trực diện vào kẻ thù, tố cáo tội ác chiến tranh, chống càn quét, bắt lính… Cao trào dẫn đến thành quả: các xã vùng cát lần lượt được giải phóng trong cuối năm 1964 và mùa xuân 1965. Trong khí thế đó, Võ Kiết được đưa về làm trưởng ban an ninh kiêm trưởng ban đấu tranh chính trị của xã. Tháng 10-1965 đến 2-1967, Võ Kiết là đảng ủy viên, rồi phó chủ tịch UBND kiêm trưởng ban an ninh xã. Sau đó cho đến xuân Mậu Thân - 1968, ông là phó bí thư đảng ủy xã kiêm trưởng ban tổ chức, trưởng ban giành dân xã. Tháng 3-1968 đến 9-1969, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cách mạng xã Điện Phương.
Tháng 9-1969 đến 1-1970, Võ Kiết được huyện rút lên làm công tác tổ chức. Song, ở Điện Nam, sau khi Mỹ - ngụy đổ quân càn quét nhiều lượt anh em cán bộ hoạt động ở xã bị hy sinh, thương vong nhiều. Trước tình hình đó, không thể để trắng đất, trắng dân, trắng cán bộ, huyện ủy cử Võ Kiết về lại làm bí thư xã.
Về lại mảnh đất, địa bàn quen thuộc Võ Kiết tích cực hoạt động gây dựng lại phong trào, nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt. Vùng đất ven đô Đà Nẵng, trong đó có Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Thắng, Điện Hòa, Gò Nổi… bị kẻ thù oanh tạc. Nhiều gia đình phải ly tán, nhiều người dân phải quang gánh tản cư. Cuộc chiến đấu để giành dân, giữ dân trên vùng cát cực kỳ cam go. Và, trong một chuyến công tác, không may Võ Kiết bị thương nặng, đồng đội phải chuyển lên trạm phẫu và sau đó tổ chức cho ông ra miền Bắc chữa thương và học tập.
Miền Nam giải phóng, thống nhất nước nhà, Võ Kiết vui mừng trở lại quê hương và ông được phân công làm cán bộ tổ chức. Căn nhà đơn sơ trên vùng cát Quảng Lăng trở thành nơi tổ ấm tụ về cho vợ chồng và các con. Nơi đó, ông Kiết cũng làm chỗ thờ tự cha mẹ và người em liệt sĩ. Cha ông là Võ Cúc, bị lính Nam Hàn sát hại năm 1968, mẹ - bà Nguyễn Thị Nỉ bị ác ôn đánh chết năm 1967. Và cũng năm đó, người em của ông Võ Kiết là Võ Như Bí, bộ đội chủ lực Khu V hy sinh khi vừa tròn 32 tuổi. Cảnh nhà tang thương mà may mắn còn sót lại mụn con là anh Võ Như Nhất, giờ đây phụng dưỡng mẹ già và thờ tự cha mình - ông Võ Kiết.
Trong đời, ai cũng được mang một cái tên, với đồng chí Võ Kiết (Võ Như Kiệt), bí danh Siêng như là một đặt định cho con người siêng năng, cần mẫn với công việc của cách mạng, siêng đấu tranh vì hạnh phúc của đồng bào. Điều đó như một hàm ngôn nhắc nhở bao điều cho thế hệ hôm nay!
BẢO TRÂN