Với địa thế đặc biệt quan trọng nên từ những năm 1954-1975, nơi đây đã trở thành một lõm căn cứ vững chắc cho các đồng chí cán bộ của tỉnh và huyện hoạt động cách mạng ngay giữa lòng địch, đóng góp rất lớn cho công cuộc đấu tranh, giải phóng đất nước.
Lõm căn cứ cách mạng làng Ngân Hà hay còn gọi Lõm căn cứ cách mạng vùng Đông Điện Bàn thuộc khối phố Ngân Hà, phường Điện Ngọc. Trong chiến tranh cũng như bao làng quê khác, làng cũng bị bom đạn cày xới, đốt phá, bắt bớ, tra tấn dã man nhưng người dân Ngân Hà vẫn kiên cường bám đất, bám làng, một lòng đi theo cách mạng. Lúc bấy giờ, mỗi một ngôi nhà, mỗi một khu vườn, có ít nhất 03 công sự để nuôi giấu cán bộ, du kích nằm vùng. Nghĩ về người dân nơi đây, bác Hoàng Tư Nghĩa, nguyên Thường vụ Quận ủy Quận Nhất (Đà Nẵng) tâm sự: “Họ hiền lắm, chất phát lắm, coi cán bộ như người nhà, nhà nào cũng có công sự, ở nhà nào cũng được. Nhưng khi gặp thằng Mỹ hay ác ôn, họ lại mưu trí, gan dạ, dũng cảm chính vì vậy mà tôi mới được ở đây hoạt động từ năm 1965-1975 cùng với các đồng chí khác”. Cũng theo bác Tư Nghĩa, các đồng chí khác cùng trú ẩn hoạt động ở nơi này còn có các đồng chí Mười Dừa, Đặng Nhơn, Hồ Nghinh, Nguyễn Hồng Thắng, đơn vị 577, Quận đội III (nay là quận Sơn Trà, Quận ủy quận I (nay là quận Liên Chiểu), Quận đội II (nay là quận Hải Châu)...

Ở ngoài trời, dưới những bụi tre, cạnh bờ ao hay cây rơm, cây rạ, cũng đều có hầm công sự như vườn nhà Bảy Giá, vườn Điền, vườn Huề, vườn Huynh, vườn Thuật ... Có những căn hầm được tận dụng từ những hố bom đại bác. Ở trong nhà, thời bấy giờ, nhà cửa chủ yếu là nhà tranh tre, vách nứa. Chỉ có một vài nhà cổ từ xưa được xây gạch, vôi và sườn gỗ theo kiểu truyền thống. Nhưng dù nhà thế nào thì người dân và cán bộ cũng đều có hầm công sự như tại nhà Trước, nhà Bốn Buôn, nhà Trợ, nhà Ba Khoái, nhà Thuật... Có những hầm công sự được đào dưới bàn thờ, dưới giường ngủ, dưới những cái chum, cái vại giả làm bồn đựng nước. Hay cũng từ những cái chum lớn ấy, bà con nhân dân đã đắp đất lên ngăn thành những ụ đất to để các cán bộ ẩn nấp trong chum. Các đồng chí cán bộ, chiến sĩ đã cùng phối hợp với người dân đào công sự. Bị phát hiện chỗ này, lại đào chỗ khác. Có nhiều đêm, địch truy lùng ráo riết, các đồng chí phải di chuyển liên tục mà không bị phát hiện. Đó là nhờ sự cẩn trọng, mưu trí của các đồng chí và còn nhờ cả sự bình tĩnh mà nhanh nhẹn của bà con nhân dân.
Các cơ quan đóng quân ở nơi này đã phối hợp với du kích và nhân dân kiên trì đấu tranh chính trị, tổ chức nhiều trận đánh ác ôn, đánh hội đồng, ban dân vệ xã của ngụy, gây tiêu hao nhiều sinh lực địch. Các đồng chí đã phối hợp với du kích, nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt ác, giải tán tề thôn vào năm 1962 và cùng phối hợp nhiều trận đánh khác để góp phần giải phóng Quảng Nam Đà Nẵng. “Hai mươi mốt năm thăng trầm, chi bộ Đảng thôn 1 vẫn tồn tại và phát triển, xây dựng lõm căn cứ, làm bàn đạp cho Điện Bàn chỉ đạo vùng cát, dây là vành đai vững chắc cho lãnh đạo và cán bộ Đà Nẵng chiến đấu và giành thắng lợi”, Bác Đặng Phước Trung, nguyên bí thư Đảng ủy xã Điện Bình tâm sự.
Để có được những thắng lợi vẻ vang đó, người dân Ngân Hà đã có những hy sinh và mất mát quá lớn. Có những gia đình cùng tham gia cách mạng, cùng nuôi giấu cán bộ từ những năm kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Nhiều gia đình đã có nhiều liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cũng có những trận đánh ác liệt và hy sinh rất nhiều người con của làng Ngân Hà và các cán bộ chiến sĩ trú ẩn, nằm vùng tại đây. Để tưởng nhớ công ơn và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, chính quyền phường Điện Ngọc đang có chủ trương xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh, phục dựng lại một số công sự và đặt biển ghi dấu các vị trí công sự năm xưa, nhằm tái hiện lại một di tích lịch sử cách mạng oai hùng. Trong tương lai khu di tích Lõm căn cứ cách mạng làng Ngân Hà trở thành một địa chỉ đỏ, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
|