Sinh năm 1973 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông Kiệt phải sớm dỡ dang việc học mặc dù được nhận xét là một học sinh khá giỏi lúc bấy giờ. Năm 1992 ông đi bộ đội tại Sư Đoàn 2 (Gia Lai) đến năm 1994 thì xuất ngũ. Ngay khi trở về địa phương, ông được phân công giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn thôn Đông Hòa, từ đó đến nay, công việc xã hội đã gắng bó với ông suốt 25 năm.
Khi còn là Bí thư Chi đoàn, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm, ông huy động đoàn viên thanh niên tại địa phương cùng với ông làm trang trại, lấy rơm, trồng nấm, để nhằm mục đích không chỉ tạo thu nhập cho mình mà còn tạo công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương. Thế rồi, thị trường tiêu thụ nấm không bền vững do có nhiều người sản xuất. Ông đã trăn trở, suy tính để tìm cho mình một hướng đi mới. Ông thuê trên 1,5 hecta đất sản xuất kém hiệu quả để xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại khép kín. Ban đầu, ông gặp muôn vàng khó khăn do không có vốn, tình hình dịch cúm gia cầm phức tạp, lũ lụt làm vỡ ao nuôi cá, bao công sức, tiền của đầu tư gần như mất trắng, ông rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, những tưởng không thể vượt qua nổi.
Bằng ý chí và nghị lực của người Bộ đội cụ Hồ, không cam chịu số phận, ông làm lại từ đầu, và rồi, mồ hôi, công sức đã được đổi thành quả ngọt. Hiện nay, một năm ông bán ra thị trường được 50 con heo thịt, 10 con bò, 7 vạn con gà, 30 tấn cá các loại… Không những trả được nợ, kinh tế gia đình ông dần khá lên, các con học hành đến nơi đến chốn.
Nhìn ông cần mẫn bên chiếc máy lên mộng chuẩn bị cho đợt xuống giống lúa hữu cơ của vụ Hè Thu, ông hướng dẫn tỉ mỉ cho hơn 10 lao động nữ tại trại giống, ai cũng cười nói vui vẻ và rất quý mến người trưởng thôn tận tâm với nhân dân. Ông cho biết hiện nay ông không chỉ là Trưởng thôn mà còn là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần giống nông nghiệp Điện Bàn, cũng nhờ mình có cánh đồng đẹp, công ty đến mời hỗ trợ sản xuất, rồi nay mời làm Phó Giám đốc Công ty, để cùng Công ty sản xuất sơ chế biến lương thực, thực phẩm, cung cấp dụng cụ máy móc, vật tư nông nghiệp cho bà con quê hương. Không giấu được niềm vui khi được nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển, trong đó bản thân ông cũng đã có một phần đóng góp, ông nói về những dự định của bản thân trong tương lai: “Ông mong muốn được thuê them 5ha đất tại địa phương để làm vườn sinh thái, trồng các loại trái cây sạch, để phục vụ du lịch. Đồng thời ông sẽ mở một siêu thị mini tại nhà để khách tham quan, thưởng thức, mua trái cây từ vườn của ông. Nếu được như vậy nơi đây sẽ liên kết thành vùng du lịch với khu sinh thái Bồ Bồ (Điện Tiến), khu sinh thái Điện Hòa. Đồng thời ông muốn sản xuất 01 loại rượu đảm bảo chất lượng cao, rượu sạch từ cánh đồng lúa hữu cơ của địa phương, khách hàng có thể kiểm tra bằng máy, trước khi sử dụng”.
Nói về hội viên Nguyễn Văn Kiệt, ông Trịnh Kế - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Điện Thọ chia sẻ: “Đồng chí Kiệt không chỉ vươn lên từ hai bàn tay trắng, xây dựng kinh tế gia đình đã khấm khá, anh còn giúp đỡ cho lao động tại quê hương có việc làm, có thu nhập ổn định. Anh luôn trăn trở làm sao việc phát triển kinh tế của gia đình phải gắng với phát triển kinh tế của quê hương và làm cho diện mạo quê hương khởi sắc”.
Với kiến thức được tích lũy và học tập từ 18 nước trên thế giới mà ông đã từng đi báo cáo tham luận tại các hội thảo, diễn đàn về nông nghiệp, cùng với ý chí và nghị lực của bản thân, hy vọng rằng những dự định của cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiệt như trồng rau hữu cơ, nấm hữu cơ, rượu hữu cơ, vườn sinh thái, mở siêu thị mini… sẽ sớm trở thành hiện thực.