Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Trong những ngày hè này nếu có dịp đi qua xã Điện Tiến, Điện Minh, Điện Thọ, Điện An, Điện Thắng Nam… mọi người sẽ thấy bức tranh thôn quê bình yên với những cánh đồng bạt ngàn sen hồng, thoang thoảng tỏa hương trong gió. Nhiều diện tích đất nông nghiệp trũng lầy, chua phèn, sản xuất lúa kém hiệu quả trước đây, người dân đã chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng sen, theo thống kê đến nay trên địa bàn thị xã có khoảng hơn 50 ha diện tích trồng sen với hơn 35 hộ tham gia trồng.
Ghé thăm ruộng sen của gia đình anh Hà Duy Định, một trong những hộ trồng sen hiệu quả tại đồng Gò Khảm, phường Điện An, anh cho biết vụ sen năm nay gia đình anh trồng 2 ha sen, với tình hình thời tiết thuận lợi như hiện nay và giá mua của thương lái ổn định từ mức 25.000 – 40.000 ngàn đồng một kí sen chưa bóc vỏ, và khoảng từ 120.000 – 150.000 ngàn đồng sen đã bóc vỏ thì mỗi sào trồng sen anh có thể thu về từ 6-8 triệu đồng, cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa, tính ra nếu thuận lợi từ 2ha sen gia đình anh có thể thu về từ 150-160 triệu đồng. Theo anh Định, sen là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí đầu tiên cho lần xuống giống, sau đó chỉ chăm sóc bón phân và thu hoạch.
Anh Định chia sẻ kỹ thuật trồng sen: “Để trồng sen cho năng suất cao, trước khi trồng, cần làm vệ sinh ao, bắt ốc bươu vàng và cá rô phi, vì các loại này thường ăn các nhánh sen non mới ra. Sau khi trồng giống sen khoảng 1 tháng, bón lân để kích thích ra rễ nhanh, với lượng bón 10kg lân/sào. Quá trình trồng được 2 tháng thì tiến hành bón NPK để kích thích sen đẻ nhánh, lượng bón ở thời điểm này khoảng 10-15kg/sào. Khi thu hái lứa đầu tiên bón thêm một lần nữa với lượng phân tương tự. Tại thời điểm bắt đầu thu hoạch, phải chú ý kiểm tra phát hiện sâu ăn lá để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong quá trình trồng và chăm sóc, cần tăng cường thêm phân chuồng ủ và phân hữu cơ để tăng chất lượng sen”.
Hiện nay, tại Điện Bàn thì cây sen chỉ mới được trồng 1 vụ/năm, bắt đầu từ tháng Chạp xuống giống và sau 4 - 6 tháng có thể cho thu hoạch. Sen nở rộ vào tháng 6 đến tháng 8. Thị trường sen đang khá dễ bán, bên cạnh đó trồng cây sen còn có nhiều thế mạnh khác đó là hầu như toàn bộ cây sen đều cho giá trị kinh tế từ hoa, lá, hột, thân, củ sen…nếu được thu hoạch theo đúng quy trình kĩ thuật và yêu cầu của người tiêu dùng.
Hướng đi mới từ sự kết hợp
Việc trồng sen để phát triển kinh tế ở Điện Bàn không phải là mô hình quá mới, tuy nhiên trước đây trồng sen không mang lại hiệu quả kinh tế cao, do kĩ thuật canh tác của bà con nông dân chưa đúng quy trình, cây sen dễ bị bệnh, qua quá trình trồng thì giống sen địa phương bị thoái hóa vì vậy cho năng suất thấp; hơn nữa trước đây bà con cũng chỉ đơn thuần trồng cây sen trên một diện tích nhất định không xen canh hay sản xuất kết hợp với các loại cây con khác, giá cả sản phẩm sau thi hoạch lại bấp bênh do chủ yếu bán hạt sen thô chưa qua bóc tách nên hiệu quả từ cây sen không cao, do đó người nông dân không thật sự mặn mà với việc trồng sen. Từ khi có chủ trương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thị xã, khoảng ba năm trở lại đây, cây sen lại được nhiều bà con nông dân tin tưởng đưa trở lại trồng ở những vùng đất trũng mà việc trồng lúa không mang lại hiệu quả cao; bên cạnh những giống sen mới cho năng suất cao được nhập từ các tỉnh miền Nam như: Đồng Tháp, Tiền Giang… thì hỗ trợ, hướng dẫn kĩ thuật từ ngành nông nghiệp cũng khiến bà con khá yên tâm trong việc canh tác. Và để phát triển có chiều sâu, mang lại hiệu quả cao trên cùng một đơn vị diện tích thì hiện nay cây sen ở nhiều địa phương tại Điện Bàn đã được trồng kết hợp với việc nuôi cá, cũng như là để phục vụ cho ngành du lịch.
Gia đình anh Hồ Thanh Trọng, trồng hơn 1ha sen tại khu du lịch sinh thái vườn trúc Bồ Bồ (xã Điện Tiến), bên cạnh việc trồng sen anh còn thả nuôi kết hợp một số loại cá trắm đen, mè, chép…để nâng cao giá trị sản xuất; đồng thời đây cũng là sản phẩm phục vụ du lịch tại địa phương. Anh Trọng cho biết: “Việc kết hợp trồng sen, nuôi cá và phát triển dịch vụ du lịch rất phù hợp với diện tích đất mà gia đình anh đang có; hầu như trên cùng một diện tích đất nhưng công việc thì có quanh năm để làm và thu nhập cũng khá ổn định; bên cạnh đó việc trồng sen có tổ chức và nhiều hộ tham gia cũng giúp cho việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm được thuận lợi hơn”. Vào những ngày đầu mùa hè như hiện nay, nhiều gia đình lại tìm về khu du lịch sinh thái vườn trúc để ngắm hoa, chụp ảnh hay những đôi bạn trẻ đến để ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho ngày cưới thì những đầm sen chính sự lựa chọn không thể bỏ qua của du khách; hoặc có người đến chỉ để được hít thở không khí trong lành trước vẻ đẹp thanh tao của loài hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” này. Điều đó thật sự tạo ra được những tín hiệu lạc quan cho người trồng sen hiện nay tại đây trong tương lai.
Cây sen đang là loại cây trồng rất phù hợp cho các vùng đất trũng ở Điện Bàn, mở ra hướng chiến lược trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập từ cây trồng trên một đơn vị diện tích. Trong thời gian tới nếu sự kết hợp giữa việc trồng sen, nuôi cá và phục vụ du lịch được triển khai tốt thì đây thật sự là hướng đi mới để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả hơn cho người nông dân ở những vùng đất canh tác lúa không hiệu quả./.