Để làm nên những kỳ tích đó, Điện Bàn được cả nước biết đến là quê hương của hơn 1.500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 50 đơn vị, cá nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, nhiều người con của quê hương Điện Bàn đã trở thành những biểu tượng sáng ngời cho ý chí kiên cường, tinh thần cách mạng bất khuất như: Phạm Thâm, Nguyễn Thành, Nguyễn Xuân Nhĩ, Trịnh Quang Xuân, Lê Tự Kình, Ngô Dinh, Phạm Tứ, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý.... Trong đó, gương hy sinh của đồng chí Nguyễn Thành, Bí thư Phủ ủy đầu tiên của phủ Điện Bàn (nay là huyện Điện Bàn) trong nhà lao Hội An mãi mãi là tấm gương “nghìn thu không mờ” về ý chí cách mạng bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì nghiệp lớn, khiến cho quân thù phải khiếp sợ.
Sinh ra tại làng Bất Nhị (nay là xã Điện Phước), mãnh đất giàu truyền thống cách mạng và sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Đồng chí Nguyễn Thành sớm giác ngộ và tham gia vào các tổ chức tiền thân của Hội. Đầu năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ Việt Nam cách mạng thanh niên phủ Điện Bàn. Không lâu sau đó, đồng chí được cử làm Bí thư. Từ tháng 10 năm 1929, đồng chí tiếp tục tham gia lãnh đạo Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng. Ngày 28 tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra đời. Chỉ một tuần sau đó, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam phủ Điện Bàn được thành lập gồm các đồng chí Nguyễn Thành, Nguyễn Tụy, Đỗ Thành do đồng chí Nguyễn Thành làm Bí thư. Từ đây, đồng chí trở thành người lãnh đạo, con chim đầu đàn trong phong trào cách mạng của phủ Điện Bàn. Với những cống hiến to lớn đó, đồng chí được bầu làm Bí thư Phủ ủy Điện Bàn đầu tiên vào tháng 7 năm 1930.
Tháng 4 năm 1930, trong lúc phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh đang lên cao thì Trung ương có chủ trương phát động phong trào đấu tranh trên các địa phương trong cả nước để chia lửa cùng nhân dân Nghệ - Tĩnh. Thực hiện chủ trương trên, ở Quảng Nam, Tỉnh ủy liên tiếp mở các cuộc mittinh, tổ chức treo cờ búa liềm trên khắp các ngã đường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Điện Bàn, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Thành là địa phương hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Tiếng vang của các phong trào trên đã khiến cho bọn thống trị phải tập trung lực lượng để đối phó.
Cuối tháng 10 năm 1930, do một tên phản bội chỉ điểm, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy ở Hội An và sau đó là cơ quan Phân Xứ ủy Trung Kỳ ở Đà Nẵng. Phần lớn đảng viên, Hội viên Công hội đỏ, Nông hội đỏ trên địa bàn toàn tỉnh bị bắt. Phong trào cách mạng tỉnh bị bể vỡ nặng nề. Các đồng chí trong Phủ ủy Điện Bàn cũng lần lượt bị bắt, bị tra tấn và giam cầm ở nhà lao Hội An, trong đó có đồng chí Nguyễn Thành. Bắt được Nguyễn Thành, chính quyền thực dân mừng ra mặt vì đã nắm được người lãnh đạo chủ yếu của phong trào cộng sản ở Điện Bàn mà lâu nay đã làm chúng mất ăn, mất ngủ.
Trong nhà lao Hội An, bất chấp đòn roi tra tấn dã man của quân thù, đồng chí Nguyễn Thành vẫn luôn giữ vững bản lĩnh của người cách mạng. Mặc cho đòn roi của quân thù cứ liên tiếp trút xuống tấm thân gầy mòn chỉ còn da bọc lấy xương, đồng chí vẫn một mực không khai. Chúng hỏi: Mày làm việc cho Cộng sản để chống lại chính quyền bảo hộ hả? Chuẩn bị cờ làm gì, định mitinh hả?. Đồng chí vẫn dõng dạc trả lời: “Tôi không biết Cộng sản là ai cả. Tôi chỉ là người dân nghèo thì làm gì biết làm cách mạng để chống chính quyền”. Những câu trả lời chắc nịnh của đồng chí càng khiến cho kẻ thù tức lồng lộn. Chúng lại tiếp tục giở những ngón đòn tra tấn dã man nhất, thâm độc nhất hòng làm lung lay ý chí của người cách mạng Nguyễn Thành nhưng tất cả đều vô ích. Không may, trong tổ chức của đồng chí đã có người vì không chịu nổi đòn roi đã phản bội Đảng, khai báo tổ chức. Biết không thể giữ được bí mật, đồng chí đã quyết định tự vẫn để bảo toàn khí tiết.
Từ trước ngày bị bắt, như linh cảm được cái ngày nghiệt ngã này, đồng chí đã chuẩn bị ba viên thuốc độc bằng thạch tín và luôn mang theo bên người để đề phòng bất trắc. Giờ đây là lúc phải dùng đến nó. Cả đêm hôm đó, đồng chí không ngủ, trằn trọc một mình. Hẳn điều đồng chí băn khoăn nhất là những cơ sở chưa lộ, ai sẽ lãnh đạo, trong tổ chức có còn ai phản bội, hại cơ sở, hại đồng chí nữa hay không? Trước giờ phút quyết định dùng cái chết để bảo vệ bí mật cho Đảng chắc đồng chí đã suy nghĩ nhiều lắm. Tờ mờ sáng hôm sau, khi mọi người trong lao còn chưa ngủ dậy hết, đồng chí đã ngồi lên, nhìn ra khoảng trời nhỏ hẹp ngoài cửa lao như gửi gắm vào đó những khát vọng tự do, độc lập cuối cùng. Nhìn quanh mọi người một lần cuối, đồng chí nhờ người bạn tù bên cạnh với lấy cho hũ nước, đồng chí đã uống rất nhanh ba viên thuốc độc mang theo. Năm bảy phút sau, đồng chí bắt đầu đau quằn quại, cố gắng ngồi dậy trên cùm rồi sặc ra hai giẫy máu tươi, từ từ ngã xuống. Cái chết nhẹ tựa lông hồng ấy đã kết thúc cuộc đời cách mạng đầy sóng gió của người Bí thư đầu tiên của Phủ ủy Điện Bàn.