Thuê 2.500m2 đất, xây dựng 400m2 hồ nuôi bằng xi măng để nuôi 80.000 con ếch, đào 300m2 ao để nuôi cá trê lai.., ít ai nghĩ rằng cách đây 2 năm anh Lê Anh Tuấn (27 tuổi) ở thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa là gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã và cũng cách đây hơn 5 năm, anh Tuấn đã nhiều lần thất bại với chính mô hình nuôi ếch này.
|
Đam mêm và bãn lĩnh…
Nhớ lại những ngày tháng cơ cực, anh Tuấn kể lại, khi học xong lớp 9, vì gia đình khó khăn nên anh đi làm công nhân rồi đi phụ hồ, đến năm 2012 thì lập gia đình, vợ cũng là công nhân nên đời sống luôn trong cảnh túng thiếu. Trước đây, cha anh có nuôi cá tràu trong 3 hồ xi măng nhưng không thành công, nên bỏ hồ lâu ngày không sử dụng. Thế là anh tập tành nuôi ếch trong 3 cái hồ đó với nguồn vốn ban đầu chưa đến 10 triệu đồng. Nhưng lứa đầu tiên ếch bị bệnh, mù mắt và chết hết, anh tìm hiểu nguyên nhân thì do nguồn nước cung cấp cho ếch chưa đảm bảo vệ sinh. Dù thất bại, nhưng không biết cơ duyên gắng bó với con ếch thế nào anh lại quyết định xây thêm hồ xi măng để nuôi ếch lên diện tích 60m2. Năm thứ hai, ếch bị bong tróc da và cũng chết hàng loạt. Anh lại tìm ra nguyên nhân là do đáy hồ xi măng không bằng phẳng nên làm cho ếch bị tróc da. Lần thứ hai thất bại, sau nhiều đêm chán nản và thất vọng, gia đình cũng khuyên nhủ anh nên bỏ việc nuôi ếch, nhưng anh nhận ra, những thất bại của mình đều có nguyên nhân và những thất bại đó đã cho anh nhiều kinh nghiệm hơn về đặc điểm sinh trưởng của con ếch.
Dù thất bại nối tiếp thất bại, nhưng quyết không buông tay, lần này anh tiếp tục xây thêm hồ lên 100m2, anh vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây để tìm hiểu thực tế ở các trang trại, đồng thời nghiên cứu các kiến thức trên Internet với quyết tâm phải thành công từ con ếch. Chàng nông dân trẻ tuổi nhưng đầy bản lĩnh chia sẻ về niềm đam mê của mình: “Qua mỗi lần thất bại, mình như có them nhiều kiến thức và kinh nghiệm về con ếch, điều đó làm mình tự tin hơn với việc nuôi ếch, nên những tổn thất về thời gian và vốn liêng không thể làm mình bỏ cuộc”.
Hướng đi phù hợp…
Hiện nay, anh Tuấn đã thuê 2.500m2 đất và vay thêm ngân hàng để đầu tư 300 triệu đồng làm hồ nuôi, anh Tuấn đã có thể nuôi ếch sinh sản để tự chủ động nguồn giống, anh nuôi với phương pháp gối đầu, cứ mỗi tháng thì thả giống 1 lần, với diện tích 400m2 hồ nuôi anh có thể nuôi từ 70 đến 80 ngàn con ếch, thức ăn thừa của ếch được đưa sang ao nuôi cá trê lai để tận dụng nguồn thức ăn. Con ếch sinh trường nhanh, cứ 3 tháng là đã có thể xuất bán, với giá thành hiện nay từ 50 đến 60 ngàn đồng/kg, đầu ra luôn ổn định. Chia sẻ về đặc điểm của con ếch khác với những con vật nuôi khác và nó cũng chính là lý do khiến anh gắng bó với con ếch, anh nói: “Con ếch sinh trưởng nhanh nên thời gian hoàn vốn cũng nhanh, nếu được chăm sóc tốt sẽ ít bệnh và không phải dụng bất kỳ loại thuốc nào. Hơn nữa, việc nuôi ếch cũng không ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường nên phù hợp với việc chăn nuôi ở khu dân cư”.
Sắp đến anh sẽ hoàn thiện điều kiện về đăng ký kiểm dịch vật nuôi để có thể cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng. Anh còn dự định sẽ làm khu nuôi lồng kính để có thể nuôi ếch vào mùa đông đảm bảo cung cấp cho thị trường quanh năm. Nếu thuận lợi, mỗi năm anh sẽ thu lãi gần 300 triệu đồng.
Với ý chí và nghị lực của mình, chàng thanh niên đã gắng bó và thành công với con ếch trên mãnh đất quê hương. Hy vọng rằng, bằng bản lĩnh của mình anh sẽ còn tiến xa hơn trên con đường lập nghiệp.
|