Không chỉ giúp hội viên Cựu chiến binh có cơ hội được trở lại thăm những chiến trường một thời oai hùng của đất nước, nó còn giúp thế hệ trẻ được giáo dục một cách sinh động nhất về truyền thống - văn hóa của dân tộc, hơn hết đây là dịp để gắng kết trách nhiệm và tình cảm của hai thế hệ Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên.
Phối hợp chỉ đạo
Những ngày đầu năm 2019, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên thị xã Điện Bàn đã tổ chức hành trình về với địa chỉ đỏ ở các tỉnh phía Nam như Địa đạo Củ Chi, Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương (Bà Rịa-Vũng Tàu)… với 50 đoàn viên, hội viên tham gia. Ông Lương Văn Hải – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thị xã Điện Bàn trao đổi: “Những chương trình giáo dục truyền thống một cách trực quan như thế này được Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên phối hợp trong nhiều năm qua, nó đã giúp cán bộ, hội viên, đoàn viên được tìm hiểu một cách sâu sắc và đầy đủ về quá khứ vinh quang của dân tộc, để những đoàn viên, hội viên sau khi tham gia hành trình trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho công tác giáo dục truyền thống – đặc biệt với thế hệ trẻ”.
Không chỉ thế, hành trình giáo dục truyền thống tại các địa chỉ đỏ được Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên thị xã Điện Bàn triển khai sâu rộng đến cơ sở. Đoàn Thanh niên thị xã đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức lễ kết nạp Đoàn viên, Đội viên, Đoàn viên danh dự phải tổ chức tại các địa chỉ đỏ để tạo tính trang trọng và nâng cao ý nghĩa của buổi lễ. Các Liên đội, Đoàn trường học trên địa bàn vào những dịp lễ và cuối năm cũng thường tổ chức hành trình giáo dục truyền thống để các em học sinh được tìm hiểu lịch sử địa phương đồng thời cũng là phần thưởng cho các em học sinh tiêu biểu trong năm học. Hằng năm, Thị đoàn phối hợp với Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thanh truyền hình thị xã tổ chức phát động tháng cao điểm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử để đoàn viên thanh thiếu nhi cùng chung tay làm đẹp các di tích, qua đây giáo dục tinh thần tự hào, trách nhiệm bảo vệ các di tích trên địa bàn.
Đa dạng các hình thức
Hầu như tất cả các đơn vị cơ sở Đoàn-Hội, các trường học trên địa bàn hằng năm đều có những hình thức tổ chức Hành trình giáo dục truyền thống. Nhiều địa chỉ đỏ tại thị xã Điện Bàn được các đơn vị thường xuyên đưa đoàn viên, hội viên đến tham quan, học tập, với những lộ trình được tính toán phù hợp với chủ đề, đối tượng và điều kiện của mỗi đơn vị, những lộ trình thường được đặt ra như: Những di tích gần tuyến Quốc lộ 1A (gồm Nghĩa trang liệt sĩ thị xã-Nhà lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi-Di tích Nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ-Di tích Nhà thân sinh HLS Nguyễn Văn Trỗi-Bảo tàng Điện Bàn); Hay những Di tích thuộc 3 xã vùng Gõ Nỗi (Di tích tưởng niệm 70 liệt sĩ Hải Đà – Đền thờ Vua Hùng & Chủ tịch Hồ Chí Minh-Lăng mộ Phạm Phú Thứ - Lăng mộ Hoàng Diệu); Những di tích thuộc vùng Đông Điện Bàn (Tượng đài 7 Dũng sĩ Điện Ngọc – Di tích Giếng Nhà Nhì – Di tích vụ Thảm sát Xóm Tây); Ở các xã vùng Tây có thể hành trình theo cụm các di tích (Di tích Xóm Chín Chủ - Di tích vụ thảm sát Thủy Bồ - Di tích Đồi Bồ Bồ)… Chị Đặng Thị Bảo Trinh – Bí thư Thị đoàn Điện Bàn cho biết: “Điện Bàn có nhiều lợi thế để Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên phối hợp chỉ đạo tổ chức các chương trình Hành trình giáo dục truyền thống đó là Cơ quan Thường trực của 2 đoàn thể ở cấp thị xã cùng chung 01 chi bộ (Chi bộ Thanh niên-Cựu Chiến binh) nên công tác lãnh đạo được phối hợp rất thường xuyên, đồng thời trên địa bàn thị xã Điện Bàn hiện nay có 58 di tích, trong đó có 6 di tích cấp Quốc gia và 52 di tích cấp tỉnh, rất thuận lợi để tổ chức những hành trình đến với các di tích để tìm hiểu truyền thống, văn hóa địa phương”.
Hành trình giáo dục truyền thống không chỉ được tổ chức trên địa bàn thị xã, mà đối với các đơn vị có điều kiện huy động được nguồn lực xã hội hóa còn tổ chức các hành trình đến những địa điểm trong và ngoài tỉnh. Vừa kết thúc hành trình về với Nghĩa trang Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị) cách đây ít ngày, anh Nguyễn Văn Hoài Bảo – Bí thư Đoàn xã Điện Phước phấn khởi cho biết: “Mọi năm, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu Chiến binh xã tổ chức về với các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh như Tượng Đài Mẹ VNAH, Địa đạo Kỳ Anh, Di tích Nước Oa, năm nay, chúng tôi về với Nghĩa trang Trường Sơn nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh. Khi đến với nghĩa trang Trường Sơn, 50 đoàn viên thanh niên và hội viên Cựu Chiến binh của xã cảm giấy một niềm tự hào lan tỏa trong lòng mỗi người, chúng tôi tự nhủ với lòng mình nguyện tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Anh Nguyễn Thành Long – Bí thư Đoàn xã Điện Thắng Nam cho biết thêm “Đoàn Thanh niên và Hội Cựu Chiến binh xã cũng đã tổ chức hành trình về với các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh, trong hành trình chúng tôi kết hợp tham quan các mô hình thanh niên và hội viên Cựu Chiến binh làm kinh tế giỏi ở các địa phương để đoàn viên, hội viên vừa được giáo dục truyền thống, vừa chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế”.
Có thể khẳng định, mỗi một địa phương, đơn vị sẽ có những cách làm khác nhau. Tuy nhiên để giáo dục truyền thống một cách hiệu quả thì việc tổ chức những hành trình giáo dục truyền thống như cách làm của Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên thị xã Điện Bàn đã cho thấy hiệu quả rõ nét, có ý nghĩa chính trị sâu sắc và thu hút được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia.
|