Từ ngày 30 tháng 6 đến nay do nguồn nước từ thượng nguồn sông Thu Bồn tụt giảm mạnh nên nước mặn đã xâm nhập vào sông Vĩnh Điện. Nồng độ mặn đoạn đầu ngã ba vòm từ sông Thu Bồn chảy vào sông Vĩnh Điện phổ biến ở mức 2,7 phần nghìn, riêng tại khu vực trạm bơm Vĩnh Điện nồng độ mặn lúc 7 giờ ngày 10/7 là 1,8 phần nghìn, vượt mức cho phép là 1 phần nghìn.
Trước thực trạng nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện, UBND thị xã Điện Bàn đã trích nguồn kinh phí dự phòng trên 4 tỷ đồng để tiến hành nạo vét lòng sông La Thọ và sông Bình Long để khơi thông dòng chảy.
Anh Trần Hữu Trung, Cụm Trưởng trạm bơm Đông Hồ, xã Điện Hòa, người trực tiếp điều tiết nước tại đập dâng Thanh Quýt chia sẻ: Sau khi có chủ trương của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam hơn 10 ngày qua, Chi nhánh thủy lợi Điện Bàn đã tiến hành xả hơn 2 triệu mét khối nước từ đập dâng Thanh Quýt để vận hành linh hoạt các trạm bơm điện La Thọ, Đông Hồ, Điện Phước 1, Điện Phước 2 v.v..
Cùng với việc nạo vét khai thông dòng chảy để tăng mạnh nguồn nước ngọt lấy từ sông Vu Gia qua đập dâng Thanh Quýt với mục tiêu đẩy mặn, tạo nguồn cho sông Vĩnh Điện. Chi nhánh thủy lợi Điện Bàn đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng nước mặn đang xâm nhập như thường xuyên quan trắc nồng độ mặn để thực hiện việc vận hành lách mặn tại các trạm bơm Vĩnh Điện, Cẩm Sa và Tứ Câu để phục vụ nước tưới cho trên 1.300 ha diện tích lúa Hè Thu ở khu vực Vùng Cát, Điện Minh, Điện Phương thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An.
Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng, chống hạn, nhiễm mặn để phục vụ nước tưới cho cây trồng vụ Hè Thu, ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Điện Bàn cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hàng ngày cán bộ công nhân Công ty vẫn theo dõi sát với triều cường để khai thác nguồn nước ngọt để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên dự báo thời gian đến tình hình xâm nhập mặn diễn ra rất khốc liệt, nên nhiệm vụ chống hạn hết sức khó khăn do vậy Công ty tiếp tục theo dõi sát tình hình để khai thác triệt để nguồn nước ngọt phục vụ cho cây trồng.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì tình trạng xâm nhập mặn trên sông Vĩnh Điện diễn biến phức tạp hơn, nước mặn đã đến bể hút của trạm bơm Vĩnh Điện với nồng độ lên tới 1,8 phần nghìn nên có lúc trạm bơm phải ngừng hoạt động. Nếu những ngày tới mặn tiếp tục xâm nhập sâu vào sông Vĩnh Điện với nồng độ cao và nắng hạn kéo dài trên diện rộng, nguồn nước ngọt từ thượng nguồn bị thiếu hụt thì khả năng các trạm bơm điện lấy nước trên sông Vĩnh Điện sẽ bị tê liệt hoặc vận hành cầm chừng, gây khó khăn trong quá tình phục vụ nước tưới cho hàng ngàn ha lúa hè thu đang thời kỳ đẻ nhánh của thị xã Điện Bàn.