Cách đây 70 năm, ngày 1-5-1939, nhà trí thức cách mạng Phan Thanh qua đời. Ngày 4-5-1939, một đám tang lớn đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự, tiễn đưa có đến hàng vạn người bao gồm viên chức, nhà giáo, nhà báo, sinh viên học sinh, đảng viên Đảng Xã hội, đoàn hội viên các đoàn thể cách mạng, công nhân nhiều ngành nghề, tiểu thương, các bà nội trợ cùng nhiều đại biểu của các tổ chức chính trị - xã hội, tôn giáo và đại biểu 14 tỉnh thành cả nước. Đám tang của Phan Thanh có số người dự lớn nhất ở phía Bắc trong thời cận đại, có thể so với đám tang của chí sĩ Phan Châu Trinh diễn ra tại Sài Gòn ở cùng thập kỷ.
Nhân 60 năm ngày Phan Thanh mất, năm 1999, nhiều nơi trên cả nước đã tổ chức lễ tưởng niệm và hội thảo. Vào cuối tháng 4 này, Đà Nẵng sẽ tổ chức tưởng niệm và Thành ủy sẽ tổ chức hội thảo khoa học (có tính quốc gia) để tiếp tục đánh giá, tôn vinh một nhân vật của xứ Quảng thành danh và nổi tiếng ở tuổi 30.
Ở tuổi 30 Phan Thanh không chỉ được kính trọng ở vai trò của một nhà giáo, nghề chính của ông; mà còn được xã hội tôn kính với vai trò là một nhà báo luôn bảo vệ cho lẽ phải, công bằng, cho những người bị áp bức, bóc lột, cho người nghèo; được chính giới kính nể trong vai trò của một chính khách - dân biểu.
Phan Thanh xuất thân từ một gia đình nho học đông anh em (ông là người con thứ 6), ông nội là cử nhân, ông nội bác là phó bảng (cha nhà văn Phan Khôi), cha là một hàn nho từ một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học. Chỉ một làng nhỏ của hệ thống hành chính thời xưa, Bảo An (thuộc Gò Nổi) có đến 22 cử nhân, phó bảng, 26 tú tài. Thời tân học có 52 sĩ tử có bằng từ thành chung trở lên. Ít nơi nào của đất Quảng có được số người thành đạt cao về học vấn như Bảo An. Ông được gia đình cho theo học hệ tân học, 7 tuổi vào lớp đồng ấu tại quê nhà. Ở tất cả các lớp ông đều học chăm, học giỏi, được xếp vào loại xuất sắc, ông nhận bằng tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học tại Quốc học Huế và được bổ nhiệm làm giáo học tại một trường tiểu học ở Thanh Hóa năm ông ở tuổi 18. Chưa đầy 2 năm hành nghề giáo học thì bị buộc thôi việc vì ông tham gia các phong trào yêu nước, viết cho các tờ báo tiến bộ như: La Cloche fêlée (Chuông rè) của nhóm Nguyễn An Ninh, Báo L'Annam của nhóm Phan Văn Trường xuất bản ở Sài Gòn.
Bị bãi chức mất việc làm, ông về lại Bảo An quê nhà. Từ đây ông ra một quyết định có ý nghĩa quan trọng của đời ông, đấy là chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và lập nghiệp
Ra Hà Nội, ông xin vào dạy ở các trường tư thục như Hồng Bàng, Gia Long. Với tinh thần tự học cao của người Quảng, ông được khen là một thầy giáo giỏi về ngôn ngữ Pháp và văn học Pháp. Năm 1934, ông cùng một số trí thức có tâm huyết ở Hà Nội như: Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Dương (người Hội An), Đặng Vũ Xích, Phạm Hữu Ninh... đứng ra thành lập Hội mở mang nền giáo dục tư thục (Association pour le développement de l'enseignement libre). Trường Trung học tư thục Thăng Long do ông Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng, ông là thành viên đồng sáng lập, là nơi ông gắn bó cuộc sống cho đến lúc từ giã cõi trần. Trường Thăng Long trở thành lò đào tạo nhiều tài năng, thầy trò về sau trở thành những nhà hoạt động nổi tiếng. Ông là một trong những người sáng lập, là yếu nhân và là Tổng thư ký của Hội Truyền bá quốc ngữ, mà sự ra đời của nó đã đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc vận động văn hóa để nâng cao dân trí ở nước ta.
|
Bốn góc xe tang: Đặng Thái Mai (giáo sư trường Thăng Long), Rasario (đảng viên S.F.I.O), Nguyễn Văn Nguyên (Viện Dân biểu Trung Kỳ), Nguyễn Văn Tố (Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ). |
Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, kích thích phong trào cách mạng và dân chủ ở Việt Nam. Phan Thanh thực thi trách nhiệm cao cả của một nhà báo cách mạng, ông viết và biên tập cho Báo Le Travail (Lao động), viết cho các báo bằng tiếng Pháp: Rassemblement (Tập hợp), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Demain (Ngày mai), cho các báo tiếng Việt: Dân chúng, Tin tức, Thời thế, Đời nay. Ngoài hai công việc thường xuyên đều đặn vì cuộc sống, với vốn học vấn được tích lũy thêm bằng tự học trong những năm lập nghiệp trên đất Hà thành, cộng với tính cách của con người xứ Quảng, ông dấn thân vào con đường hoạt động chính trị với ba sự lựa chọn chấn động :
Thứ nhất, tham gia Đảng Xã hội Pháp (Section francaise de l’internationale ouvrière, chi nhánh Pháp của quốc tế I, S.F.I.O); S.F.I.O chủ trương thành lập chi nhánh tại Bắc Đông Dương kết nạp cả người Việt. Tham gia đảng người Việt hầu hết là giới trí thức, Phan Thanh là một trong những người Việt đầu tiên tham gia. Tháng 7 - 1938, tại Đại hội lần 2 của S.F.I.O, ông được cử làm Phó thư ký chi nhánh Bắc Đông Dương và Thư ký chi đảng thành phố Hà Nội.
Thứ hai, ứng cử làm dân biểu Viện nhân dân đại biểu Trung Kỳ, (Viện Dân biểu Trung Kỳ)
Theo Xứ ủy Trung Kỳ, việc tìm được người xứng đáng, tiêu biểu phải là người của Mặt trận Dân chủ, đủ tin cậy, có tài trí và dũng khí đấu tranh, có năng lực tập hợp lực lượng ngay trong Viện. Đảng bộ Quảng Nam phát hiện Phan Thanh có thể đảm đương trách nhiệm. Ông làm đơn ứng cử tại hạt I của tỉnh Quảng Nam (Hòa Vang, Đại Lộc) và ông trúng cử ngay vòng 1 với số phiếu bầu cao. Năm ấy ông ở tuổi 29, trên quy định tối thiểu 1 tuổi.
Thứ ba, ứng cử thành viên Hội đồng thành phố Hà Nội.
Năm 1938, ở Hà Nội có cuộc bầu cử lại Hội đồng thành phố, với tư cách là một cư dân của thành phố, ông được Đảng Xã hội đưa vào danh sách ứng cử của người Việt. Ông là một trong ba người của Mặt trận Dân chủ đắc cử. Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng, ông tố cáo nhiều sự bất công về tăng thuế, tăng tiền thuê nhà. Ông lớn tiếng đòi số nghị viên người Pháp và người Việt phải bằng nhau. Ông chỉ rằng, ở Hà Nội có 7.000 người Pháp được cử 12 nghị sĩ, trong khi người Việt có 145.000 lại chỉ được 6 người, như thế sao gọi là bình đẳng? Chính quyền Pháp không chịu, nên ông và 2 vị của đảng S.F.I.O từ chức, bỏ họp ra về. Ngày 16-4-1939 tiến hành bầu lại một phần Hội đồng thành phố, ba ông ra ứng cử lại và đều đắc cử với số phiếu cao, trong đó cao nhất là Phan Thanh. Việc ông ra ứng cử hội đồng thành phố vừa là cơ hội để thể hiện năng lực và uy tín, vừa là một thách thức lớn với một chính khách trẻ tuổi như ông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ở tuổi 30 mà Phan Thanh đã xuất hiện trong báo trường như một cây bút lành nghề và lão luyện, trên nghị trường như một chính khách sắc sảo và hùng biện, trên bục giảng ở nhà trường như một ông thầy chững chạc và mực thước... |
Giữa lúc Phan Thanh đang ở tuổi thanh xuân đầy trí tuệ, nhiệt huyết và đang thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc trên cả 3 vị trí: nhà giáo, nhà báo, nghị sĩ; thì ông bị ngã bệnh đột ngột và ra đi, để lại một nỗi buồn thương tiếc vô hạn, một khoảng trống trong lòng những người Hà Nội và Mặt trận Dân chủ cả nước!
Phan Thanh, đời thứ 13 của dòng họ Phan Bảo An, được coi là một tài năng, được tôn vinh là một nhà trí thức cách mạng nổi tiếng, xuất thân từ vùng văn hiến đất Quảng ở nửa đầu thế kỷ XX. Do đâu có được một con người có tài năng, nhân cách và uy tín như vậy? Phải chăng đất Quảng, mảnh đất phên giậu, mảnh đất văn hiến của nước Việt này đã tạo nên tính cách của người Quảng mà Phan Thanh là một trong những đặc trưng? Phải chăng chính dòng họ Phan Bảo An (Gò Nổi, Quảng Nam) một dòng họ có truyền thống yêu nước, hiếu học và học giỏi đã tạo nên một Phan Thanh xuất chúng? Phải chăng từ khi còn rất trẻ trong khi đang mất việc sống ở quê nhà, ông đã dám chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và lập nghiệp? Và trên đất Hà thành ông dám chọn chính trường để làm nghị sĩ, làm chính khách để thể hiện khả năng, bản lĩnh của mình? Chính mảnh đất văn hiến này đã tạo ra một con người như Phan Thanh và chính Phan Thanh là một nhân kiệt đã góp phần tô điểm thêm sắc màu của mảnh đất văn hiến này.
VŨ QUANG THÀNH