Xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, là địa phương có mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng khá lớn, với 1200 hộ nuôi và đàn bò hằng năm dao động từ 4.000 đến 4.300 con bò thịt. Do chuồng trại chăn nuôi nằm ngay trong hộ gia đình nên những năm gần đây, môi trường trong các khu dân cư ở Điện Quang đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nơi bị ô nhiễm về không khí, nguồn nước, đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trước thực trạng này, thời gian qua, xã Điện Quang đã có chủ trương xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư để bảo vệ môi trường.
|
Đang chăm sóc đàn bò gần chục con đang trong thời kỳ vỗ béo, chuẩn bị xuất chuồng, anh Nguyễn Phương ở thôn Bến Đền phấn khởi cho hay: Bà con Nuôi bò nhốt chuồng tại các khu vực chăn nuôi tập trung do xã bố trí được khá nhiều thuận tiện trong quá trình chăm sóc, vừa không lo ô nhiễm môi trường, lại ít dịch bệnh, bò lại lớn nhanh…tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người chăn nuôi.
Cạnh chuồng bò anh Phương là chuồng bò của ông Huỳnh Ngọc Tân. Nói đến những lợi ích của việc nuôi bò tập trung ở xã khu dân cư, ông Tân cho biết, trước đây ông cũng như các hộ chăn nuôi thường nuôi với số lượng từ 7 đến chục con bò thịt ngay tại hộ gia đình. Do chuồng nuôi gần với không gian sinh hoạt của gia đình nên chất thải hằng ngày của bò thải ra với số lượng lớn nên đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình và cả trong khu dân cư. Thêm vào đó, dịch bệnh lại dễ phát sinh trong chăn nuôi, nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình…Và giờ đây, khi đưa đàn bò ra khu vực chăn nuôi tập trung, những lo lắng ấy đã được khắc phục và có thể tận dụng nguồn phân của bò thải ra hằng ngày để bón cho diện tích trồng cỏ ngay tại khu chăn nuôi vừa tạo thêm nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò vừa giảm thiểu được tình trạng phân thải ra gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hà Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn cho hay: Khi địa phương triển khai mô hình này, ban đầu, bà con cũng chần chừ, không ít trường hợp còn phản đối, họ không chịu di dời các khu chuồng trại đến nơi đã quy hoạch, vì sợ mất mát tài sản, tốn người, tốn công trông giữ, tốn kém tiền của xây dựng. Nhưng sau khi được tuyên tryền, vận động và thấy được nhiều lợi ích thiết thực để bảo vệ môi trường trong thôn, xóm, dần dần bà con đã đồng ý và thực hiện.
Để hỗ trợ cho người chăn nuôi thực hiện tốt chủ trương này, UBND xã Điện Quang đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và cấp gần 1000 m2 đất công ích để vừa trồng cỏ và làm chuồng bò. Nhận thấy được hiệu quả thiết thực của khu chăn nuôi tập trung, nên dù mới được triển khai nhưng đến thời điểm này đã có hơn 100 hộ chăn nuôi ở thôn Phú Văn và Bến Đền tích cực tham gia mô hình này. Thời gian đến Điện Quang sẽ tiếp tục quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung ở các thôn còn lại để người chăn nuôi đưa chuồng bò ra đồng- ông Minh chia sẻ.
Có thể nói, việc đưa chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư mà xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn đã và đang triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý môi trường, hạn chế phát sinh dịch bệnh, bảo đảm được hiệu quả chăn nuôi và bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Góp phần tạo nên vẻ mỹ quang của một làng quê đáng sống của một xã Nông thôn mới tiêu biểu của thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam.
|