Tháng 9/1967 (nhằm ngày mùng 4 tháng 8 âm lịch) khi lính Mỹ mở trận đánh càng khắp các xã Điện Phương, Điện Trung cuối cùng chúng chọn làng Bình Ninh, Điện Nam làm điểm tập kết. Nhận được tin, đồng chí Phan Ngọc Trúc xã đội chỉ huy, tập trung lượng lực vũ trang xã gồm một tiểu đội A3 và đồng chí Nguyễn Đức Đáng (còn gọi là Tám), trinh sát Mặt trận 44 Quảng Đà về công tác phối hợp tác chiến. Mục đích của đich quá rõ ràng, làng Bình Ninh xưa có địa hình hiểm trở, lại là nơi có nhiều hầm trú ẩn, nếu chiếm được nơi đây ắt hẳn địch sẽ cô lập được nơi quân ta ẩn náu đồng thời biến Bình Ninh trở thành căn cứ địa. Không để cho địch có cơ hội thực hiện âm mưu, quân dân làng Bình Ninh đã đồng tâm hiệp lực phối hợp cùng các đơn vị trên địa bàn đánh đuổi địch bằng mọi giá.
Đến chiều cùng ngày, địch kéo thêm quân từ Vĩnh Điện xuống yểm trợ. Về phía ta, vũ khí còn thô sơ, hơn nữa lại không có súng chống tăng nên buộc lòng rút lui về chờ cơ hội phản công. Được thế tiến, địch tiếp tục càn quét khắp các đường làng ngõ xóm gây bao nỗi khiếp sợ cho người dân. Khi chúng tiến đến nhà ông Trần Chỉnh, nơi đây đang có 18 người tập trung, do nhà ông Chỉnh có một hầm chìm và một hầm nổi tránh đạn rất kiên cố, có thể chứa từ 30 đến 40 người nên những người dân bám trụ khi có địch thường chạy đến tập trung ở đây để trú ẩn. Ông Hứa Đạt là người già nhất, ông đoán có điều không lành nên đã ngăn lính Mỹ không cho chúng lộng hành. Thấy tình hình không ổn, ông quỳ gối van xin chúng đừng hại dân lành, nhưng tên lính Mỹ đã đẩy ông ra và bắn ông chết trước hiên. Chúng xông vào nhà dùng súng R15, giăng M12 bắn xả vào 18 người có mặt tại đây. Chỉ một động tác quét súng ngang của những tên lính Mỹ mà 16 người dân thôn Bình Ninh ngay lập tức mất mạng. Bà Nguyễn Thị Thìn (60 tuổi), bị chúng bắn bay đầu.
Bà Nguyễn Thị Tỵ có người thân chết trong vụ thảm sát nghẹn ngào kể lại: “Lúc đó, tôi làm công tác Phụ nữ đang đi học lớp bồi dưỡng tại Bình Đào (Thăng Bình) mới về đến Điện Nam Trung thì nghe mọi người nói rằng gia đình tôi đã bị lính Mỹ tàn sát hết rồi. Chị tôi là Đặng Thị Thôi đang mang thai nhưng chúng vẫn bắn xả, hai tay bà vẫn còn ôm chặt ba đứa con là Lê Văn Ba (2 tuổi), Lê Thị Thu (5 tuổi), Lê Văn Phong (3 tuổi) cũng cùng chết chung trong biển máu”. Hai người duy nhất còn sống sót trong số 18 người tại nhà ông Chỉnh là bà Hứa Thị Mau, do nấp sau bàn thờ nên chỉ bị thương, bà Nguyễn Thị Thới bị những người chết ngã đè lên, trên mình đầy vết thương đạn. Khi chúng rút đi, mọi người mới đưa hai bà đi bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.
Để tưởng nhớ 16 đồng bào đồng chí làng Bình Ninh nhất quyết bám trụ “một tấc không đi, một li không rời” đã hy sinh dưới súng đạn giặc, từ sau giải phóng gia đình ông Trần Chỉnh lập miếu thờ như một chốn linh thiêng. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ, gia đình các nạn nhân lại tề tựu về đây lo hương khói. Các dịp lễ, Tết cán bộ địa phương cũng đến miếu thờ đốt cho vong linh 16 nạn nhân xấu số nén nhang tri ân. Hiện tại miếu thờ 16 nạn nhân trong vụ thảm sát ở làng Bình Ninh của lính Mỹ đã được UBND cùng phòng Văn hóa-Thông tin phường Điện Nam Bắc lập hồ sơ di tích gửi các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Chiến tranh qua đi, nỗi đau từ bom đạn giặc cũng đã nguôi ngoai, mỗi địa danh, mỗi di tích trên mảnh đất Điện Bàn anh hùng vẫn luôn là chốn linh thiêng đầy tự hào của người dân nơi đây. Tinh thần ngoan cường của 16 đồng bào đồng chí tại làng Bình Ninh mãi là tấm gương cho bao thế hệ sau này vị nể, noi theo. Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo cần đẩy nhanh quá trình công nhận di tích tại làng Bình Ninh đề cán bộ phường Điện Nam Bắc có cơ hội trùng tu tôn tạo, nhanh chóng lập ở đây bia tưởng niệm theo nguyện ước của người nhà nạn nhận nói riêng và bà con làng Bình Ninh nói chung. Với mục đích biến nơi đây thành địa chỉ đỏ cho người dân và đặc biệt là thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu thêm lịch sử địa phương, di tích vụ thảm sát 16 người dân của lính Mỹ sẽ là địa điểm văn hóa, lịch sử có tính giáo dục cao đồng thời cũng nhắc nhớ thế hệ sau này về một thời oanh liệt của hàng vạn đồng bào ta, trong đó có cả những người con làng Bình Ninh anh hùng.